Sự kiện thị trấn Buford (bang Wyoming, Mỹ) rơi vào tay một người Việt đã tạo ra một cơn lốc theo kiểu Susan Boyle trên toàn thế giới - với nhiều phân tích trái chiều khác nhau. Bài viết này thử giải mã theo một hướng mới…
Mua để đánh bóng bản thân?
Có thể đúng với ai đó – một đại gia, lắm của nhiều tiền, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính hay chuyên nghề “đánh quả”. Đối với Phạm Đình Nguyên, “thị trưởng” mới của Buford, có lẽ khó có thể là người như vậy.
Ông Nguyên không phải là người có “của ăn, của để”. Theo thông tin chia sẻ với báo chí, ông, ông đã có hơn 15 năm “làm thuê” với các công ty nước ngoài (Coca-Cola, Nokia) và trong nước (ICP, Kinh Đô), chủ yếu là liên quan đến phân phối và phát triển thị trường. Và công ty IDS mà ông sáng lập cũng cho thấy nó cũng tập trung vào phân phối và phát triển một số thương hiệu như O-Cleen, HapiKids, Hatrick…
Thưc tế, ông Nguyên cũng cho biết, 900.000 USD mua thị trấn Buford là huy động từ họ hàng, người thân ở bên Mỹ. Một khi đi mượn như vậy, ai mà dám dùng để lấy le?
Sở dĩ nhiều người nghĩ rằng, đây là chiêu “đánh bóng bản thân” vì thấy báo chí nước ngoài đưa tin rần rần về một tay “bá vơ” ở đâu từ “trên trời rớt xuống”. Ngay cả khi Bầu Đức có ý định mua Arsenal thì cũng chỉ có những tờ báo Anh và một số tờ báo bóng đá đưa tin.
Còn chuyện bán đấu giá “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” trước đó là đã được truyền thông quốc tế quan tâm rồi. Đơn giản vì đó là thị trấn chỉ có 1 người. Điều tưởng là bất lợi, té ra lại được báo chí quan tâm. Sau đó, báo chí tiếp tục đưa tin về kết quả đấu giá. Bất ngờ hơn nữa, là người thắng cuộc lại là người Việt Nam. Và thế là, báo chí lên cơn sốt với hàng ngàn bình luận từ dân Mỹ, còn nóng hơn là “hiện tượng Susan Boyle”.
Phạm Đình Nguyên cũng vậy, đến từ một quốc gia không mấy có vị thế trên trường quốc tế, ít ra là về kinh tế - khát khao một “giấc mơ Mỹ”, vượt qua 25 đối thủ đấu giá, trở thành người thắng cuộc.
Đầu tư bất động sản?
Đây là chủ đề mổ xẻ nhiều nhất trên các trang mạng. Hàng loạt các chuyên gia bất động sản, đầu tư “có số má” ở Việt Nam cũng như ở Mỹ đã được phỏng vấn, cho ý kiến về quyết định 900.000 USD để mua một thị trấn “khỉ ho cò gáy” chỉ có ông già lục tuần sống từ nhiều năm nay, ở một bang “chó ăn đá, gà ăn muối” Wyoming.
Một số cho rằng “quá hời” khi thấy lợi tức hàng năm đem lại từ cửa hàng tiện lợi, trạm xăng là 150.000 USD. Một số khác thì viễn vông mong chờ 4 tỉ thùng dầu nằm dưới lòng đất. Trong khi đó, một số người thì so sánh: chưa bằng 50m2 đất vàng ở Hà Nội hoặc ở TP.HCM, nên có gì đâu mà ầm ĩ.
Nhưng đa số thì cho rằng, đây là quyết định “khùng hết chỗ nói”. Chỗ có người ở đông đúc thì không đầu tư, lại rúc vào chỗ chỉ 1 người sống từ nhiều năm qua, mà cuối cùng người đó chịu hết siết cũng phải quyết định bỏ đi.
Nếu ngồi nghĩ lại, có thể thấy việc mua Buford, có lẽ không phải là quyết định liên quan đến bất động sản của ông Nguyên - theo kiểu mua để đó được giá thì bán. Hay mua rồi xây hotel, nhà hàng kinh doanh…
Nhìn vào “tiểu sử” của ông Nguyên hoàn toàn không thấy đây là một tay đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đây có lẽ chỉ là người làm công ăn lương, dành dụm tí chút thì khởi nghiệp. Nhưng mở công ty thì cũng tập trung vào lĩnh vực mà mình mạnh, hiểu biết (phân phối, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu). Chứ tiền bạc đâu mà đầu tư bất động sản? Và hơn nữa, máu liều đâu mà dám chơi với bất động sản?
Vậy nếu không mua lấy le. Không đầu tư bất động sản, vậy mua làm gì?
Hay là để xây dựng thương hiệu?
Sự kiện truyền thông quốc tế lên cơn sốt về “người Việt mua thị trấn Mỹ” làm nhiều người nhớ lại chuyện Susan Boyle tỏa sáng tại Britain’s Got Talent mấy năm về trước khi một bà “nhà quê” cũng ở một nơi “không tìm thấy trên bản đồ” lần đầu bước lên sân khấu làm khán giả “ngất ngây”! Khi đó, các báo - có lẽ các báo giải trí, báo mạng, mạng xã hội là đưa tin nhiều nhất.
Trong khi đó, trường hợp Phạm Đình Nguyên thắng cuộc đấu giá “nghẹt thở” đã làm cho tất cả các báo quan tâm, từ báo/truyền hình nghiêm túc như USA Today, NewYork Time, CNN, CBS cho đến kinh tế như Forbes, Bloomberg – đều đưa tin, mà không chỉ một lần. Các trang báo mạng thì không cần phải nói. Người Việt ở hải ngoại, truyền nhau những đường link về các bài báo nói về sự kiện này. TV tiếng Việt ở Mỹ thì cập nhật liên tục sự kiện mà theo họ “vô tiền khoáng hậu” từ trước đến nay. Còn trong nước thì khỏi phải bàn. Đây là một sự kiện, theo một số người, “nên tự hào” mặc dù chưa biết “khôn hay dại”. Cứ tự hào trước đã, thay vì nổi tiếng vì lộ hàng, vì có dàn xe “đỉnh”, hay vì “dán tiền vào xe cô dâu” vốn nhan nhản trên các trang mạng hiện nay…
Có thể nói, sự kiện này đã tạo ra một cú buzz, “truyền miệng” (words-of-mouth) lớn chưa từng thấy trên truyền thông quốc tế. Và vấn đề đặt ra là Ông Phạm Đình Nguyên và công ty IDS sẽ làm gì từ cú buzz ngoạn mục này?
Susan Boyle qua một đêm đã trở thành người nổi tiếng trong giới showbiz, phát hành đĩa bán chạy như tôm tươi, quảng cáo cho các thương hiệu/sản phẩm từ Anh Quốc cho đến Trung Quốc, được là khách mời trong các sự kiện quan trọng. Nói chung là rủng rỉnh tiền.
Còn Buford thì sao? Ông Nguyên cũng đã tiết lộ mặc dù chưa rõ về kế hoạch làm gì sắp tới: “Buford có thể được xem là một bàn đạp tinh thần để chúng tôi giới thiệu sản phẩm đến thị trường Mỹ” và “vì nhiều người biết về Buford nên việc giới thiệu sản phẩm ở Buford chắc sẽ được nhiều người biết đến hơn!”
Xét về mặt báo chí, điều này đúng. Nghĩa là báo chí thích quan tâm đến những gì “nhất” (“thị trấn nhỏ nhất” là một thí dụ). Còn nếu coi Buford “bàn đạp tinh thần”, trong một chừng mực nào đó cũng đúng vì mỗi ngày chỉ có chưa đến 2.000 người ghé qua Buford mà thôi. Nhưng theo ông chủ cũ Don Sammons, Buford là thị trấn được chụp hình nhiều nhất nếu tính theo một đơn vị m2. Nghĩa là hàng ngày có rất nhiều người đến đây chụp hình cạnh pa-nô “thị trấn nhỏ nhất”. Và thường khi chụp hình xong, họ sẽ chia sẻ ngay cho bạn bè và người thân qua các mạng xã hội. Giả sử, trên tấm bảng pa-nô đó có thông điệp quảng cáo của những thương hiệu do công ty IDS sở hữu – thì có lẽ, “bàn đạp tinh thần” cũng không đến nỗi là ý nghĩ tệ.
Tóm lại, suy đoán quyết định mua Buford của ông Phạm Đình Nguyên, cũng chỉ là chủ quan. Tốt nhất là phải chờ, ít ra sau 30 ngày để ông “thị trưởng” mới hoàn tất các thủ tục pháp lý. Nhưng một điều chắc chắn rằng, việc truyền thông quốc tế lên cơn sốt đã đem lại giá trị (trước mắt) nhiều hơn số tiền mà họ đã ra mua! Vấn đề còn lại là ông chủ mới sẽ làm gì với cơn sốt báo chí đó! Và nếu ông Nguyên nắm bắt được cơ hội “ngàn năm một thưở” này (như Susan Boyle) thì lịch sử tiếp thị thế giới sẽ ghi danh IDS!”
(Theo Dân Trí)