Sau đợt giảm giá mạnh của một số dự án trong tháng 10 và 11 năm vừa qua, đã hình thành một tâm lý từ khách hàng chờ giá bất động sản hạ nữa mới mua.
Mặc dù đã có những đợt giảm giá vào tháng 10 và 11 năm 2011, tuy nhiên, giá bất động sản vẫn còn quá cao, nên người tiêu dùng vẫn chưa đủ khả năng tài chính để mua.
Cân nhắc nới lỏng tín dụng
Trước những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản trong năm qua. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển ổn định. Năm nay, chính sách này vẫn tiếp tục được duy trì, song có nới lỏng so với trước, và mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, năm 2012 sẽ có thay đổi nhỏ đối với tín dụng cho bất động sản. Nếu trước đây tính bất động sản vào phi sản xuất, thì năm 2012 sẽ được xem xét lại sao cho phù hợp hơn. Chẳng hạn, trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép được cho vay mua nhà để ở đảm bảo an sinh xã hội như là xây nhà cho công nhân thuê, nhà xã hội…, thì năm 2012 sẽ cho vay thêm đối tượng xây để hoàn thiện công trình nhà ở sẽ được hoàn tất trong năm. Ngoài ra, những người vay mua nhà để ở cũng sẽ được cân nhắc tới.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc đối với một số khoản nợ bất động sản do doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong thời buổi thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu lại nợ đối với những doanh nghiệp để họ đỡ áp lực tài chính với doanh nghiệp và ngân hàng. Việc tái cấu trúc lại những khoản vay đó có thể giúp họ tháo gỡ được khó khăn.
Chưa hết khó khăn
Dù vậy, theo một số chuyên gia, năm nay, thị trường bất động sản chưa thể ấm lên, vì kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2012 đã được Quốc hội thông qua, trong đó nhiệm vụ trọng tâm vẫn là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cấu trúc lại nền kinh tế trong đó có hệ thống ngân hàng. Do đó, thị trường bất động sản chắc chắn còn trầm lắng hơn năm 2011, vì tình hình kinh tế còn khó khăn trong khi các nhà đầu tư lại đang đưa ra những sản phẩm không phù hợp với thị trường.
Có thể thấy rõ, sau đợt giảm giá mạnh của một số dự án trong tháng 10 và 11 năm vừa qua, đã hình thành một tâm lý từ khách hàng chờ giá bất động sản hạ nữa mới mua. Vì thế, những dự án không giảm giá đều không bán được hàng. Một chủ đầu tư kinh doanh bất động sản phân tích, trong hoàn cảnh mặt bằng lãi suất ngân hàng ở mức 20 - 21%, việc giảm 20 - 30% giá căn hộ được xem là một giải pháp khả thi. Vì mức giảm giá kể trên chỉ tương đương với lãi suất của một năm mà chủ đầu tư phải trả ngân hàng. Nếu không giảm giá, trong vòng một năm, chủ đầu tư sẽ mất đi số tiền trả lãi suất ngân hàng mà chưa chắc đã bán được hàng.
Kết quả khảo sát của các công ty quản lý bất động sản cho thấy, giá nhà đất tiếp tục xu hướng giảm giá chào bán tại thị trường thứ cấp. So sánh với những tháng cuối năm 2011, 40% lượng nhà ở và đất nền trong các khu đô thị mới tại các quận được điều tra có giá chào bán thứ cấp giảm. Mức giảm trong khoảng từ vài triệu đồng đến 10 triệu đồng/m2. Nếu so với đầu năm 2011, khoảng 70% các dự án có giá chào bán thứ cấp giảm với mức giảm phổ biến trong khoảng 10 - 20%, tiến độ xây dựng của nhiều dự án bị chậm.
Rõ ràng, với thị hiếu và khó khăn chung của cả nền kinh tế, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát, thì những chủ đầu tư dự án bất động sản buộc phải tự vận động, đưa ra phương án tiếp cận nguồn vốn trong dân, mà đối tượng có thể thu hút được trong ngắn hạn là những người có nhu cầu thực. Nhưng để có được nguồn vốn này, những chủ đầu tư cần điều chỉnh chiến lược trong lúc thị trường gặp khó, để những người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận được, bằng cách giảm giá, thiết kế căn hộ có diện tích nhỏ để tổng giá trị thanh toán nhỏ đi. Như thế chủ đầu tư sẽ tiếp cận được khách hàng dễ hơn thông qua hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng.
Năm 2012 được các chuyên gia dự báo là một năm còn không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, qua đó tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
(Theo KTĐT)