Chiều 21/2, tập thể UBND TP Hà Nội thảo luận cho ý kiến về Quy hoạch Tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đáng chú ý, dự thảo QH đề xuất xây dựng 9 trung tâm mua sắm, hội chợ quy mô lớn cấp vùng và quốc tế.
Dự thảo QH tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội do Sở Công thương làm chủ đầu tư đã trải qua nhiều vòng lấy ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, dự kiến trình HĐND TP phê duyệt trong kỳ họp thứ 4 sắp diễn ra.
Trong số 9 trung tâm nói trên có 5 trung tâm mua sắm cấp vùng tại các địa điểm gồm khu đô thị Long Biên-Gia Lâm, huyện Sóc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, đô thị Hòa Lạc và đô thị Phú Xuyên. Khu đô thị Long Biên-Gia Lâm cũng được xác định là địa điểm xây dựng một trung tâm thương mại cấp vùng. Đặc biệt, tại khu đô thị Tây Hồ Tây sẽ được xây dựng một trung tâm thương mại quốc tế. Hai trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế sẽ được xây dựng tại xã Mỹ Đình - huyện Từ Liêm và khu đô thị Đông Anh.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 14 trung tâm thương mại, chiếm khoảng 15% số trung tâm thương mại cả nước, chủ yếu tập trung ở các quận. Bình quân 2 quận, huyện mới có gần 1 trung tâm thương mại, khá thấp so với Tp.HCM (mỗi quận/huyện có 1,5 trung tâm thương mại). Các trung tâm thương mại tại Hà Nội chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chỉ có 5 trung tâm thương mại đạt quy mô hạng I, 4 trung tâm thương mại có quy mô hạng II, 5 trung tâm thương mại có quy mô hạng III.
Dự thảo QH tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn Hà Nội cũng đưa ra định hướng phát triển mạng lưới chợ khá rõ ràng với nhiều giải pháp khắc phục yếu kém của mạng lưới chợ hiện tại.
Đối với chợ thành thị, theo dự thảo QH, TP sẽ hạn chế xây dựng chợ mới ở nội thành, đồng thời lựa chọn một số chợ quy mô lớn (trên 10.000 m2) để nâng cấp, cải tạo thành một số chợ trung tâm của quận, thành phố với quy mô hạng I. Nâng cấp và cải tạo để hình thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm tươi sống hạng II (có diện tích từ 5000-10.000 m2) ở các phường, liên phường phục vụ nhu cầu hàng ngày của dân cư. Từng bước chuyển hóa một số chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích dưới 2000 m2 thành các siêu thị hạng III, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Kết hợp việc di dời các chợ bán buôn nông sản trong nội thành để xây mới các chợ bán buôn nông sản quy mô lớn.
Đối với chợ nông thôn, TP sẽ tập trung vào việc cải tạo, di dời, xây dựng mới để bảo đảm có đủ chợ dân sinh quy mô hạng III ở các xã. Cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ thành các chợ lớn hơn, có quy mô hạng I, II để trở thành chợ trung tâm của huyện hoặc của một tiểu vùng gồm nhiều xã trong huyện, làm hạt nhân của mạng lưới chợ dân sinh ở các xã. Đối với chợ không cố định hoặc không thường xuyên như chợ đồ cũ, chợ hoa, cây, sinh vật cảnh, chợ văn hóa-du lịch, chợ tết âm lịch, chợ đêm, chợ họp theo giờ, chợ cuối tuần… cần được bố trí không gian phù hợp, đồng thời đảm bảo quản lý tốt hoạt động các chợ này.
Trong loại hình chợ đầu mối, TP dự kiến cho phép hình thành và phát triển một số chợ đầu mối bán buôn nông sản-thực phẩm tổng hợp cấp vùng quy mô diện tích khoảng 30 ha. Phát triển các chợ đầu mối bán buôn thành những thị trường trung tâm bán buôn hàng nông sản của cả nước, áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại. Trong đó có 4 chợ đầu mối nông sản thực phẩm cấp vùng tại Long Biên-Gia Lâm, khu đô thị Hòa Lạc, khu đô thị Mê Linh, khu đô thị Phú Xuyên, 4 chợ đầu mối khác quy mô nhỏ hơn gồm 1 chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở Thanh Oai, một chợ chuyên doanh thủy sản ở Hoàng Mai, một chợ chuyên doanh hoa-cây cảnh ở Tây Hồ và chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín.
Kết luận về nội dung này, thừa lệnh Chủ tịch UBND TP, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu, QH phải làm rõ được các giải pháp, kế hoạch, chương trình và dự án để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại lớn, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Đây là cơ sở quan trọng làm căn cứ xác định các định hướng cụ thể như phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, mạng lưới chợ cho phù hợp và mang tính khả thi cao.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn TP hiện có 411 chợ, trong đó 13 chợ hạng I chiếm 3,4%, 67 chợ hạng II chiếm 17,6% và 300 chợ hạng III chiếm 72,26%, 30 chợ chưa phân hạng, có 67 chợ kiên cố chiếm 16,3%, 213 chợ xây dựng bán kiên cố chiếm 51,7%, 131 chợ lạn tạm, chiếm 32%. Các quận có 103 chợ, chiếm 25,06%, thị xã có 11 chợ, các huyện có 297 chợ, chiếm 72,26%. Bình quân mỗi quận có 10,3 chợ, và 1 huyện có 16,5 chợ.
Tổng diện tích xây dựng chợ khoảng 1.560.536,2 m2, Diện tích đất chợ bình quân đầu người là 0,25 m2/người, chỉ bằng 50% so với chỉ tiêu này của cả nước.
Mạng lưới chợ trên địa bàn Hà Nội hiện nay có nhiều hạn chế như mật độ chợ phân bố chưa phù hợp lý, cơ sở vật chất của chợ thô sơ xuống cấp, thiếu hệ thống xử lý rác thải và nước thải, không đảm bảo các điều kiện về môi trường và phòng chống cháy nổ, một số chợ phát triển tự phát, không bảo đảm văn minh thương mại, vốn đầu tư để nâng cấp chợ và xây dựng chợ mới, di dời chợ gặp rất nhiều khó khăn, triển khai quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ, đội ngũ quản lý chợ thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp.
|
(Theo HNM)