SearchNews

(Không dùng bài kiểu này nhé):Dự án nghìn tỷ khiến người dân lao đao

10/12/2011 07:24

Mặc dù công trình hồ chứa nước Nước Trong đã ngăn dòng tích nước và sắp đạt cao trình thiết kế trong vài tháng tới. Nhưng đến nay hàng ngàn người dân nằm trong vùng giải tỏa di dời ở hai huyện miền núi Sơn Hà và Tây Trà (Quảng Ngãi) vẫn chưa biết đi đâu về đâu.

Mặc dù công trình hồ chứa nước Nước Trong đã ngăn dòng tích nước và sắp đạt cao trình thiết kế trong vài tháng tới. Nhưng đến nay hàng ngàn người dân nằm trong vùng giải tỏa di dời ở hai huyện miền núi Sơn Hà và Tây Trà (Quảng Ngãi) vẫn chưa biết đi đâu về đâu. Câu chuyện tái định cư (TĐC) cho khoảng 5.000 con người “nhảy” ra khỏi lòng hồ do Ban quản lý hợp phần di dân làm “chủ xị” đến nay vẫn đang còn bỏ ngỏ…

Sống khổ sở ven đường

Dự án hồ chứa nước Nước Trong là công trình thủy lợi - thủy điện kết hợp do UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 6 và Công ty cổ phần điện Nước Trong làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên đến 1.462 tỷ đồng, được Bộ NN&PTNT phê duyệt vào ngày 21-9-2005 và khởi công xây dựng vào tháng 8-2007. Công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 5,5 năm thi công.

Cũng trong thời gian này, kế hoạch di dời và TĐC cho dân cũng được đưa ra “mổ xẻ”, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân nằm trong diện ảnh hưởng được an cư. Từ đó đến nay, dự án đã trải qua 2/3 chặng đường và sắp hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng kế hoạch 7 khu, ba điểm tái định canh, định cư cho khoảng 5.000 người với tổng số tiền 372,7 tỷ đồng đến nay vẫn chẳng thấy đâu, dù nước trong lòng hồ sắp dâng đến cao trình tối đa.

Bóng dáng của những khu TĐC này vẫn chỉ là những ngôi nhà cấp bốn ngổn ngang. Một số nơi như thôn Tre, Nước Biếc (xã Trà Thọ) khu TĐC chỉ là bãi đất trống. Tệ hại hơn khu TĐC Xà Mon vẫn là... cánh rừng xanh mướt. Những ngày này, con đường dẫn vào xã Trà Thọ bùn đất nhầy nhụa chẳng khác nào ruộng lúa chuẩn bị xuống giống. Đó là hậu quả của những chiếc xe của công trình thi công lòng hồ ngày đêm cày xới. Chứng kiến những chiếc xe máy bị “sập bẫy” mới thấy ê mình bởi nếu đi một người thì chẳng biết cách nào đưa xe ra khỏi vũng lầy vì tứ phía đều là bùn.

Dọc con đường là những túp lều lúp xúp được che tạm bợ bằng mái tranh, bạt... vách bằng nứa nằm chỏng chơ bên trong hàng cột mốc. Nơi dự kiến là vỉa hè được người dân dựng lên ở tạm. “Cuộc sống của hàng trăm con người ở đây vốn nghèo giờ đuối sức thê thảm. Hàng trăm người đang đói ăn, thiếu việc làm. Mùa đông đang “gõ cửa” những túp lều, không biết bà con mình có trụ được qua mùa rét buốt không nữa” - ông Hồ Minh Trí, trưởng thôn Tre (Trà Thọ) thở dài.

Bên ấm trà nóng mà nước được lấy từ một cái hố gần nhà, ông Trí tâm sự: “Không chỉ riêng người dân thôn mình đâu mà đi dọc con đường này rồi sẽ thấy, có nơi người ta không có đất dựng nhà, năm sáu gia đình phải “dựa lưng” vào vách núi mà chẳng biết lúc nào núi vùi cả. Cái ăn còn thiếu huống hồ nước sạch”.

Trước tình hình này Ban quản lý hợp phần di dân đã “gửi” cho mỗi hộ 6 triệu đồng và “chuồn” mất dạng. Còn người dân cầm 6 triệu phải tự làm chòi để sống tạm qua mùa đông. Không chỉ người lớn, mà cả gần trăm em học sinh ở xã Trà Thọ cũng bị “vạ lây” khi ngôi trường được xem là công trình kiên cố nhất xã trở nên hoang phế. Học trò theo cha mẹ “về nhà mới” phải học trong trường tạm chẳng khác nào cái... chuồng trâu. “Chiều thứ sáu giáo viên về quê, sáng thứ hai lên là thế nào trong lớp học cũng đầy phân lợn, phân dê và nền đất bị cày xới te tua” - cô giáo Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Chẳng biết đi về đâu

Hầu hết, những người dân sống bên đường là đồng bào dân tộc Cor, cuộc sống trước kia vốn nghèo khó giờ càng trở nên khốn đốn hơn khi những thửa ruộng đã chìm trong lòng hồ. Trong số 327 gia đình ở huyện Tây Trà buộc phải chuyển dời khỏi lòng hồ Nước Trong, phần lớn đều tập trung ở xã Trà Thọ. Nơi đây được xem là “điểm nóng” TĐC, khi tất cả những hộ dân này đang phải “sống tạm” trên đường sau khi đồng ý di dời.

Tuy nhiên đến nay còn chín hộ dân tổ 6, thôn Tây vẫn còn “cố thủ”. “Dọn nhà đi như người ta rồi sẽ sống ở đâu, làm gì khi nhà tái định cư chưa có. Dỡ nhà đi rồi đói sao?...”, anh Đinh Văn Phụng (dân tộc Ca Dong) nói.

Theo người dân thì ban đầu được Ban quản lý cho nhận 250 triệu đồng, đùng một cái rớt xuống còn... 12 triệu đồng. “Mà giấy nhận tiền còn gửi ở hàng quán, sao không đưa trực tiếp cho mình? Nước dâng kệ nước, bao giờ có đủ tiền đền bù, có nhà ở mới đi, còn không ở đây chết cũng không sao” - ông Đinh Văn Xa - Tổ trưởng tổ 6, thôn Tây, xã Trà Thọ quả quyết.

Trước tình hình “làm căng” của 10 hộ dân, UBND huyện Tây Trà đã cử một đoàn công tác gồm đủ các cơ quan ban ngành về động viên người dân rời làng và 9 trong số 10 hộ nhất trí... không đi!

Tại thôn Nước Biếc, cuộc sống của những người “tự nguyện” rời làng (vì... nước đã dâng tới sân nhà) cũng chẳng khá hơn là bao. Vẫn lều bạt, đói ăn. Bồng đứa con trên tay, chị Đinh Thị Trân cho biết, gia đình chị có bốn người di dời từ thôn Tre qua đây. “Mình dỡ nhà sau nên đi từ đầu xã đến gần cuối xã mới tìm được khoảng đất trống ven đường dựng lều. Nghe xã bảo ít bữa sẽ đưa qua khu tái định cư mà chẳng biết bao giờ” - chị Trân tâm sự.

Ông Hồ Văn Truyền, Phó chủ tịch UBND xã Trà Thọ cho biết, từ ngày hàng trăm người dân trong xã rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” như hiện nay, những người làm công bộc như ông hết sức đau lòng mà chẳng biết làm gì.

Lật cuốn sổ cũ nhàu ông Truyền liệt kê cho dự án nghìn tỷ đồng không biết bao nhiêu là “tội”. Đang ngồi trong văn phòng UBND xã, ông Truyền bỗng đứng dậy dẫn tôi ra phía sau, chỉ tay về cánh rừng già rập bít: “Anh nghe tiếng gì không?”. Tôi bảo tiếng cưa lốc. Họ phá rừng à? Ông Truyền đáp lại tỉnh bơ: “Ừ! Người ta đang triệt hạ rừng, biết họ phá rừng là sai nhưng không cho họ phá rừng thì lấy cây đâu để... làm nhà ở tạm”.

Rồi ông nhẩm tính, từ hai tháng qua có ít nhất hàng trăm gốc cây cổ thụ vài người ôm đã biến mất. “Dân mình khổ, đói đi phá rừng nhưng chẳng biết làm sao. Một người nghèo, hai người khó xã còn hỗ trợ được chứ đằng này cả xã cùng bị “kẹt khổ” thì xoay sao cho được. Ngay cả người thân trong gia đình tui cũng đói ăn mà” - ông Truyền nói.

Im lặng một hồi, ông phán: “Ban quản lý dự án di dời dân làm như vậy là không đúng theo quy trình. Lẽ ra phải hoàn thành thống kê đền bù, quy hoạch, xây nhà TĐC rồi mới di dân ngăn dòng tích nước. Đằng này họ tích nước buộc dân phải đi trong khi nhà cửa chưa có. Dân không có đất canh tác, không có đất ở thì sống ra sao”.

Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa thanh tra dự án tái định cư dân vùng lòng hồ Nước Trong, đề xuất giải pháp chấm dứt tình trạng hàng nghìn người dân sống khổ cực trong lều tạm bên bìa rừng hơn ba tháng qua. Báo cáo trước Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ thừa nhận hợp phần di dân, tái định cư dự án hồ chứa nước Nước Trong thực hiện quá chậm. Sau hơn ba tháng triển khai, đến nay mới chỉ tái định cư cho 144 trong tổng số 433 hộ, giải quyết định canh cho 23 hộ. Do vậy mới xảy ra tình trạng hàng nghìn người dân tự di dời, dựng lều tạm trú bên bìa rừng sinh sống.

Theo ông Chữ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do công tác khảo sát thiết kế chưa phù hợp, phương án tái định cư còn bất cập. Cụ thể, năng lực Ban quản lý dự án quá yếu. Trách nhiệm này thuộc về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cũng không hài lòng về tiến độ của dự án hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong. Bởi sự chậm trễ này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, đến chính sách của Đảng với đồng bào. "Tôi đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thanh tra dự án, sai tới đâu, xử lý tới đó, không thể để tình trạng hàng nghìn người dân tái định cư phải sống trong những căn lều tạm bợ được", Bí thư Thưởng nhấn mạnh.

Các bài đọc nhiều:

TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng 12 công trình trọng điểm năm 2012

Tàu 5 sao hủy tour đến Hải Phòng vì ...ngại tắc đường

"Dân chung cư cũ khổ cực không tưởng tượng được"


(Theo congan)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu