Theo các chuyên gia cảnh báo, 2012 sẽ là năm thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Các nhà đầu tư thứ cấp sẽ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá bán và chưa bao giờ các đại gia về BĐS lại "khát" tiền mặt như năm nay. Với các doanh nghiệp để tồn tại được trong thời điểm khốn khó này họ đang phải xoay mọi cách.
Cắt, giảm, tiết kiệm...
Theo đại diện Tập đoàn HUD, Tập đoàn xác định năm 2012 còn tiếp tục khó khăn. Do đó, tập đoàn đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu là kiện toàn tổ chức, tái cấu trúc tập đoàn theo hướng tập trung tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn vào ngành nghề kinh doanh chính. Tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ và giá trung bình đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực chính; Đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp; Kiểm soát chặt chi phí sản xuất; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Công ty TNHH Tưởng Phát (Hà Nội) cho biết: "Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi xác định cầm cự là chính nhưng xoay đủ chiều rồi mà vẫn thấy khó. Để cầm cự được trước tiên phải hạ giá thành, cắt lỗ. Không giảm giá thành chắc chắn không bán được hàng vì năm nay sẽ là năm cực kỳ khốc liệt với các doanh nghiệp BĐS. Thậm chí là sống còn, doanh nghiệp nào đủ khôn ngoan, đủ bản lĩnh thì mới có thể trụ được".
Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội cũng cho hay, hiện công ty của ông đang triển khai ráo riết các chiến lược để tồn tại như xử lý được dự án đang đình trệ do thiếu vốn, có cơ hội để tái cấu trúc hoạt động đầu tư, cắt giảm nhân sự, chi phí... Xoay đủ chiều để khơi thông nguồn vốn và giảm áp lực trả nợ cũng như chi phí lãi vay vẫn đang cao ngất ngưởng...
Cũng theo ông Nguyễn Thành Hưng, thời gian tới nếu đầu tư sẽ áp dụng chiến lược diện tích nhỏ, tính toán chi ly từ thiết kế đến vật liệu xây dựng... để giảm giá thành. Vì ở thời điểm này yếu về tài chính, yếu về nhân lực, yếu về khoa học công nghệ là tự sát.
Một số doanh nghiệp được hỏi cũng cho rằng trong tình hình khó khăn như hiện nay, phải tái cơ cấu lại để tồn tại và phải chấp nhận thay đổi, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí... Ngoài ra, phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi được với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường BĐS. Chấp nhận bán sản phẩm rẻ, thời gian thanh toán hợp lý là một trong những giải pháp được đề cập nhiều nhất.
Sẽ rất khắc nghiệt mới thích nghi được thị trường
Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2011 thị trường BĐS có những thời điểm phát triển rất nóng, nhưng đó là ảo, không thực. Để giải quyết tận gốc, doanh nghiệp BĐS phải cơ cấu lại. Trước đây, làm ra những sản phẩm phục vụ người có khả năng về kinh tế cao thì nay họ phải cơ cấu lại những sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ để phù hợp với đa số đối tượng. Đầu tư phải phù hợp với nhu cầu xã hội chứ không phải tự phát, phong trào như thời gian qua.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Cty TNHH Savills Việt Nam cũng cho rằng, thị trường BĐS đang diễn tiến theo chu kỳ hình sin và tất cả các phân khúc thị trường đều đang trong chu kỳ đi xuống. Trong hoàn cảnh này nhà đầu tư cần cắt lỗ bằng mọi giá, ai nhạy bén chớp được thời cơ mới giảm thiểu được thiệt hại. Còn với các chủ đầu tư nên điều chỉnh các sản phẩm phù hợp với cầu của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, năm 2012 chắc chắn là khó khăn hơn năm 2011. Trong hoàn cảnh này, nếu Bộ Xây dựng không có chính sách kịp thời, nhanh chóng ban hành những quy định cho xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ 30-60m2 với trị giá 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.
Một số chuyên gia về BĐS cũng cho rằng, để giảm thiểu khó khăn trong năm 2012 các doanh nghiệp lĩnh vực BĐS cần tập trung mọi nguồn lực phát triển chương trình căn hộ cho thuê giá rẻ, căn hộ bán trả góp dài hạn. Nhà nước cần có lộ trình giảm lãi suất, có phương án mở lại cánh cửa tín dụng đối với hai đối tượng là những người có nhu cầu thật sự mua nhà, cũng như những dự án đang triển khai gần hoàn thành. Điều này sẽ góp phần khơi thông đầu ra đang bị bế tắc lâu nay và đây cũng chính là một kênh tạo vốn quan trọng cho doanh nghiệp.
3 chuyển biến tích cực
Ngoài những khó khăn mà doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt, các chuyên gia cũng chỉ ra ba chuyển biến tích cực ở lĩnh vực này:
- Lối tư duy kiếm tiền theo kiểu bầy đàn, chộp giật đã không còn chỗ đứng. Việc Chính phủ kiên quyết tái cơ cấu nền kinh tế, cắt giảm đầu tư công, cấm các "đại gia" nhà nước đầu tư ngoài ngành, đầu tư chéo sẽ khiến nhiều dự án "teo" lại hoặc biến mất; tín dụng siết chặt càng phanh phui sức khỏe của các chủ đầu tư. Ai không đủ nguồn lực tài chính, nhân lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý sẽ phải bán lại dự án hoặc chấp nhận phá sản. Xu hướng này đã bắt đầu và chắc còn diễn ra mạnh hơn thời gian tới.
- Thị trường đã xoay chiều, trước đây thuộc về người bán hiện nay đã thuộc về người mua với nhiều chiêu khuyến mại, giảm giá hút khách. Hiện nguồn cung rất lớn, khách hàng nhiều sự lựa chọn, không còn cảnh tranh mua khiến chủ đầu tư buộc khách phải chấp nhận những điều kiện thua thiệt, rủi ro.
- Các chủ đầu tư đã nhận được những bài học đắt giá về việc đầu tư thiếu điều tra, nghiên cứu về nhu cầu thị trường. Vì vậy đã và sẽ có những điều chỉnh lớn về loại hình, cấp độ BĐS, quy mô diện tích, giá cả nhằm hướng đến sự sát hợp với khả năng tài chính của số lượng lớn người có nhu cầu về nhà ở.
|
(Theo Gia Đình)