Làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sang các nước châu Á sẽ bùng nổ trong giai đoạn sau năm 2010.
Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng, khi thị trường BĐS tại Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đang "đóng băng", các nước Đông Nam Á (ASEAN) là địa chỉ đáng tin cậy cho những tập đoàn BĐS lớn trên thế giới. Điển hình cho xu hướng này là việc tỷ phú Sheldon Adelson - Tổng Giám đốc tập đoàn Las Vegas Sands (LVS) - đã "thân chinh" đến các nước ASEAN nhằm tìm hiểu môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư tại đây sau khi ông cho khánh thành tổ hợp BĐS du lịch, giải trí lớn nhất trong lịch sử Singapore vào đầu tháng 7 vừa qua.
Báo cáo mới nhất của Tập đoàn nghiên cứu BĐS hàng đầu thế giới RREEF (Hoa Kỳ) cho thấy, nhìn trên bình diện chung, các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu cho một xu hướng tăng giá BĐS toàn cầu trong giai đoạn từ cuối năm 2010 đến 201 2, trong đó sự tăng trưởng ở thị trường BĐS cho thuê trong hầu hết các thị trường sẽ giữ ổn định trong suốt năm 2010 và sau đó sẽ có cuộc "bức phá” khá ngoạn mục trong năm 2011. Trong khi đó các nước châu Âu và Mỹ sẽ có những bước "chuyển mình" rất chậm chạp trong lĩnh vực BĐS.
Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã là những thị trường "mới nổi" có sức bật một cách khá mạnh mẽ ngay khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chỉ mới ở nửa chặng đường, điều này được minh chứng bằng những con số kim ngạch xuất - nhập khẩu tại những nước trong khu vực này không bị ảnh hưởng mạnh và các gói kích thích kinh tế của chính phủ các nước khá bền vững, giúp thị trường ở hầu hết các lĩnh vực vẫn được bảo đảm trước nguy cơ sụp đổ. Ngoài ra, theo dự báo, lạm phát khu vực được mong đợi sẽ ổn định ở mức khoảng 1,5% trong suốt năm 2010 và chỉ vượt qua ngưỡng 2,0% trong năm 2011. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 5,2% trong năm 2010 và 4,9% trong năm tiếp theo.
Ngoài ra, một số quốc gia trong khu vực này trong năm 2009 cũng đã có những chính sách cứu vãn hiện tượng "bong bóng" trên thị trường BĐS và đã có hiệu quả tốt trong việc kiềm chế việc đầu cơ, tự ý tăng giá ở vài thị trường. Chính những triển vọng này, các nhà nghiên cứu tin rằng các nhà làm chính sách sẽ có cách duy trì sự cân bằng giữa việc tăng cường sự hỗ trợ và đưa mức giá BĐS trong tầm kiểm soát trong giai đoạn ngắn tiếp theo.
"Trong khi hầu hết các nền kinh tế Đông Á mới nổi đều chắc chắn hồi phục theo hình chữ V trong năm nay, vẫn còn quá sớm để nói rằng chữ “V” là chữ viết tắt của sự thắng lợi. Việc đảm bảo tính bền vững của kết quả phục hồi này phụ thuộc nhiều vào sự phù hợp của thời điểm, sự kết hợp các chính sách và tốc độ rút bỏ các gói kích thích kinh tế. Khu vực tư nhân cần phải đủ mạnh để tiếp quản". Ông Srinivasa Madhur, Giám đốc cấp cao Văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB, nhận định.
|
Trong số các thị trường BĐS trong khu vực được đánh giá là bình ổn và tăng trưởng mạnh, Hàn Quốc sẽ là nước dẫn đầu cho một xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư vào BĐS sang các nước châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp theo đó là Hong Kong, Sydney và Malbourne (Úc), TP. HCM (Việt Nam) sẽ là những địa điểm lý tưởng cho nhà đầu tư lĩnh vực BĐS do những nơi này sẽ mang lại nhiều hiệu quả đầu tư sau khi các chính sách cân bằng thị trường BĐS phát huy tác dụng. Lĩnh vực hấp dẫn nhất nhà đầu tư là thị trường BĐS bán lẻ mà lực lượng dân số trẻ ở những nơi này đang tăng mạnh và giới trẻ tại đô thị lớn chịu "chi" hơn vào những dịch vụ, hàng hóa đắt tiền…
Ngược lại với nhiều thị trường BĐS mới nổi của khu vực châu Á - Bình Dương, thị trường BĐS tại châu Âu, đặc biệt là London (Anh) và Paris (Pháp) chẳng mấy triển vọng, nếu không nói là "đóng băng" trong suốt năm 2010 và 2011. Các nhà đầu tư tại đây hy vọng rằng sẽ tìm kiếm được cơ hội đầu tư vào các trung tâm mua sắm kết hợp cả BĐS văn phòng cho thuê. Giá nhà đất tại một số nước sẽ phục hồi không đồng đều ở từng khu vực nhất định, những quốc gia thuộc Trung Đông Âu sẽ còn phải ít nhiều đối mặt với khó khăn. Trong khi đó, sự hồi phục của thị trường Mỹ sẽ chậm hơn những khu vực khác bởi thị trường chưa xuống chạm đáy. Nền kinh tế trong tình trạng “chưa khỏe hẳn" có thể sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng và kéo giá nhà đi xuống. Tình hình chỉ có thể sáng sủa hơn vào nửa sau của năm 2011.
Ở một khía cạnh khác, theo báo cáo Theo dõi Kinh tế Châu Á (Asia Economic Monitor - AEM) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa được công bố ngày 20/7, sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ ở khu vực Đông Á mới nổi đồng nghĩa với việc đã đến lúc ngừng các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ ở khu vực này. Việt Nam đang được nhấn mạnh đến trong Báo cáo này như là một quốc gia có nền kinh tế mới nổi phát triển mạnh mẽ nhất, chắc chắn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra năm 2010, tạo đà cất cánh trong năm 2011.
Theo ông Madhur, Đông Á mới nổi bao gồm 10 nền kinh tế của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cộng thêm Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan. Kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm nay cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ được động lực tăng trưởng mạnh mẽ của mình bằng việc đạt tốc độ tăng trưởng 9,6% trong năm nay. Các biện pháp đã được công bố nhằm giảm bớt tốc độ tăng trưởng quá nóng nhiều khả năng sẽ kiểm chế được tốc độ tăng trưởng còn 9,1% trong năm 2011, thị trường BĐS sẽ được tái cân bằng và thoát khỏi hiện tượng "bong bóng".
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng toàn cầu vào đầu năm 2009, các nền kinh tế công nghiệp mới như Hong Kong; Hàn Quốc; Singapore và Đài Loan được dự đoán sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm nay và giảm ở mức 4,5% vào năm 2011. Dẫn đầu là tốc độ tăng trưởng nhanh của Singapore, đạt 12,5%. Những nền kinh tế này sẽ hưởng lợi từ sự quay lại của các nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và casino.
ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2010 đối với 14 nền kinh tế của Đông Á mới nổi từ mức 7,7% lên mức 8,l% chỉ trong vòng từ tháng 4 đến nay. Mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực năm 2011 vân ở mức 7,2%.
|
(Theo Nhà&Đất)