TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong thời gian tới bất động sản du lịch sẽ bước vào thời điểm "tĩnh", vẫn có mua- có bán nhưng không sôi động.
Bất động sản du lịch là một loại hình mới được phát triển ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Phân khúc này bao gồm: khu nghỉ dưỡng (resort); khách sạn, căn hộ, dịch vụ các khu vui chơi giải trí (bao gồm cả sân golf); các khu mua sắm; các khu du lịch; các điểm dịch vụ chuyển tiếp du lịch (như bến cảng)....
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để bất động sản du lịch phát triển như cảnh quang đẹp, lượng khách du lịch vào Việt Nam ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 11-11,5%/năm. Đời sống người dân trong nước cũng ngày càng tăng cao, vì thế nhu cầu đi du lịch cũng ngày một lớn; nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến Việt Nam...
Dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên bất động sản du lịch Việt Nam những năm qua chưa được khai thác đúng mức và thực tế vẫn còn phát triển tự phát và đang loay hoay tìm hướng đi.
Nguyên nhân chủ yếu khiến bất động sản du lịch phát triển manh mún là do những thiếu hụt trong quản lý, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, hệ thống tài chính liên quan đến thị trường bất động sản chưa hoàn thiện nên tình hình thị trường phụ thuộc lớn vào các động thái của chính sách tiền tệ.
Hơn nữa, các nhà đầu tư vẫn còn đánh giá sai về khả năng thu hút của dự án và chưa nhìn nhận đúng tiềm năng của du lịch nội địa nên còn đầu tư manh mún và chưa đủ các dịch vụ cần thiết.
Ông Phan Hữu Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản du lịch cho rằng, do chịu ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản, phân khúc bất động sản cũng có phần kém sôi động như những thời điểm trước đây. Hàng loạt các căn hộ, biệt thự ven biển, … sẽ tiếp tục ở vào thời điểm “tĩnh”, vẫn có mua – có bán nhưng không nhộn nhịp.
(Theo VnMedia)