Có thể thấy, trong mỗi đợt sóng trên thị trường bất động sản đều có sự tiếp tay nhiều đại gia. Thế nhưng với sự “ra đi” một loạt đại gia trong làng đất, liệu thời gian tới thị trường sẽ đi đâu về đâu?
Vắng bóng đại gia....
Lâu nay, thị trường bất động sản Hà Nội luôn là đích nhắm đến của nhiều nhà đầu tư tại khắp các tỉnh thành trong đó, nổi bật có sự góp mặt nhiều nhóm buôn lớn từ các khu vực lân cận như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Xuyên, Lạng Sơn,... thậm chí xa hơn nữa.
Chính nhờ có sự hợp lực của nhiều nhóm buôn lớn này thị trường bất động sản Hà Nội liên tiếp có nhiều đợt sóng mang tính chu kỳ và diễn ra trong thời gian ngắn. Kết quả, giá đất Hà Nội nhanh chóng thổi lên mức cao để rồi khi Ngân hàng siết tín dụng thì cắm đầu lao dốc trong sự ngỡ ngành nhiều nhà đầu tư.
Theo phán ánh nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể tưởng tượng có thời điểm giá dự án tăng vèo vèo. Đơn cử, tháng 7-8/2010, 1 dự án vị trí đẹp khu vực phía Tây mở bán sau 1 tháng giá đất dự án này tăng mạnh từ mức 55 triệu đồng/m2 lên mức gần 90 triệu đồng/m2 và luôn trong tình trạng không có hàng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 tháng trở lại đây, giá đất dự án giảm mạnh hiện chỉ còn 55-65 triệu đồng/m2. Giảm gần về mức giá ban đầu.
Thậm chí, mới đây khi cả thị trường trầm lắng, giá đất giảm mạnh khắp các khu vực quanh Hà Nội thế nhưng dự án Vân Canh và Speldora Bắc An Khánh vẫn một mình một chợ tăng giá mạnh 7-10 triệu đồng/m2.
Đây chỉ là hai ví dụ điển hình nhất về việc tăng giá bất thường của thị trường bất động sản Hà Nội. Điều này chỉ để minh chứng cho thấy việc làm giá lộ liễu, trắng trợn của một số nhóm người tham gia buôn bán trên thị trường mà động cơ chính vẫn là làm giá để bán tháo hàng ra thu tiền trả nợ. Và khi làm giá không thanh khoản được đã khiến nhiều đại gia phải cay đắng chấp nhận tuyên bố vỡ nợ.
Trong số các vụ vỡ nợ liên tiếp được công bố thời gian gần đây, chắc hẳn nhiều đại gia làng đất đã quá quen thuộc với những cái tên như Nguyễn Thị Minh Tâm, Tạ Việt Quang, Bùi Thị Quyên...Đây đều là những nhân vật cộm cán, có máu mặt trong giới bất động sản của Hà Nội, Bắc Ninh, thị trấn Phùng....
Anh Nguyễn Minh T - Giám đốc sàn bất động sản tại Hà Nội cho biết, Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1961 trú tại Bắc Ninh - đối tượng vừa bị Cơ quan CSĐT tỉnh Bắc Ninh khởi tố về tội lừa đảo chiếm đạo tài sản -PV) là một trong khách hàng ruột của công ty. Có thời điểm, thị trường tốt Tâm mang tiền xuống Hà Nội đặt mua 6-7 lô đất. Mua được xong hàng, chỉ sau 1 tuần giá lên, chốt lãi bán luôn rồi quay sang gom hàng dự án khác. Có những thương vụ thành công, ngoài phí môi giới Tâm còn cắt luôn 50-100 triệu đồng/lô cho nhân viên môi giới.
Không chỉ nổi đình đám tại Hà Nội, mà tại Bắc Ninh Nguyễn Thị Minh Tâm còn được xếp vào diện buôn bất động sản có "số má". Theo khẳng định một điều tra viên phụ trách vụ án Nguyễn Thị Minh Tâm thì bất động sản Bắc Ninh lên được mức giá này cũng một phần là nhờ vào Tâm.
Trước khi bị khởi tố về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tạ Việt Quang (1975 - thị trấn Phùng, Đan Phương) nguyên là ông chủ nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô, công ty du lịch, chủ tiệm vàng... Đồng thời, là khách hàng VIP của nhiều công ty chuyên môi giới bất động sản tại huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Nội). Trong mắt giới kinh doanh Tạ Việt Quang và vợ là Bùi Thị Quyên xếp dạng anh chị không kém đại gia Nguyễn Thị Minh Tâm.
Trong cuộc trao đổi với PV, Đại tá Đinh Văn Toản - Phó giám đốc công an TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân vụ vỡ nợ xảy ra liên tiếp là do Chính phủ thực hiện các giải pháp để thực hiện mục tiêu nghị quyết 11, trong đó chỉ đạo trên lĩnh vực tài chính ngân hàng hạn chế cho vay phi sản xuất. Vì vậy nó khiến cho bất động sản đóng băng, giá nhà đất bị kéo xuống, các dự án nhà đất không được triển khai…
Theo số liệu hiện có hàng trăm dự án đóng băng, hàng nghìn căn hộ không bán được. Đặc biệt trong các năm 2009, 2010 giá BĐS bị các đối tượng đẩy lên và làm giá nhiều, trong khi đó, quản lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực BĐS quá lớn.
... bất động sản sẽ "ngủ đông"?
Vụ vỡ nợ Nguyễn Thị Minh Tâm, Tạ Việt Quang... mới chỉ là bắt đầu làn sóng vỡ nợ Hà Nội. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản bắt đầu đặt ra nghi ngại về sự phát triển và tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới nhất là trong bối cảnh thị trường đang rơi vào trạng thái "đóng băng" khá lâu.
Theo nhìn nhận nhiều chuyên gia bất động sản, thời gian "ngủ" của thị trường chắc chắn sẽ rất dài thậm chí giá bất động sản sẽ còn tiếp tục giảm bởi nguyên nhân chính vẫn là người dân không có tiền.
"Ngân hàng hạn chế cho vay, tín dụng đen liên tiếp vỡ nợ trong khi phần lớn các đại gia bất động sản đều buôn theo kiểu vốn bỏ ra 1 đồng còn lại 9 đồng đi vay thì lấy đâu ra tiền để mua đất. Bất động sản rồi sẽ chẳng khác gì chứng khoán" - một chuyên gia chia sẻ.
Cũng chính vì không có tiền mà bất động sản đã miễn nhiễm với mọi thông tin tốt. Đơn cử, nhà đầu tư nào cũng biết, giá trị bất động sản lên phần lớn do hạ tầng. Vậy mà tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài (Hà Đông) vừa mới được thông xe nhưng giá nhiều dự án xung quanh tuyến đường vẫn không thể "nhúc nhích" thậm chí còn giảm. Đó là chưa kể đến hàng loạt dự án xunh quanh Hà Nội chưa giải phóng xong mặt bằng đã phân lô, bán nền hết thì bao giờ mới "khởi sắc" trở lại.
Khảo sát thị trường, PV ghi nhận mức giá giao dịch tại một số dự án như: Khu đô thị Geleximco hiện có mức giá hấp dẫn, liền kề đường to khoảng 50-55 triệu đồng/m2, các lô nhà, biệt thự nằm trên trục chính có giá trên 100 triệu đồng/m2.khu đô thị Văn Khê, đối với nhà liền kề đường nhỏ mức dao động từ 80-84 triệu/m2, liền kề đường 17m2 là 100 triệu/m2, liền kề đường 24 m2 từ 105-110 triệu/m2. Riêng biệt thự, dao động trên dưới 70 triệu/m2 tùy thuộc vào đường, hướng đi.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù thị trường giảm mạnh nhưng giá bất động sản vẫn còn rất cao so với giá trị thực. Có lẽ, chính sự thiếu vắng đại gia này khiến thị trường ngày càng trong sạch hơn. Hi vọng rằng giá tiếp tục giảm thêm nữa và lúc đó mới thực sự là thời điểm tốt cho người có nhu cầu mua nhà để ở?
(Theo VnMedia)