SearchNews

Năm 2012, tiếp tục kiểm soát chặt cho vay BĐS và chứng khoán

20/10/2011 15:18

Chính phủ chủ trương năm 2012 tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; bảo đảm vốn cho sản xuất; kiểm soát chặt cho vay bất động sản (BĐS) và kinh doanh chứng khoán (CK).

Chính phủ chủ trương năm 2012 tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; bảo đảm vốn cho sản xuất; kiểm soát chặt cho vay bất động sản (BĐS) và kinh doanh chứng khoán (CK).


Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2011, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa 13 diễn ra sáng nay 20.10.

Phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10% trong năm 2012

Trong báo cáo, Thủ tướng nêu rõ những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015 và nhấn mạnh phát triển KT-XH 5 năm tới thực hiện theo mục tiêu Đại hội XI đã đề ra.

Trước mắt, trong năm 2012, mục tiêu tổng quát là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đi liền với đó là bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Thủ tướng cho biết năm 2012 phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 - 7%; phấn đấu GDP năm 2012 tăng 6 - 6,5%.

“Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Còn trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. Phấn đấu đạt 7%.

Bên cạnh các chỉ tiêu về tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng đặt chỉ tiêu năm 2012, bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60 - 65% GDP…

Kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên số 1

Trong 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH năm 2012 và 5 năm tới, Chính phủ xác định năm 2012, việc ổn định kinh tế vĩ mô phải được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

Về lạm phát, Chính phủ nhận định lạm phát tăng cao có nguyên nhân bên ngoài do giá nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tăng… nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hệ quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn kém hiệu quả; cùng những hạn chế trong quản lý điều hành và tác động cộng hưởng của các yếu tố tâm lý.

“Để kiềm chế lạm phát, phải kiên quyết khắc phục các nguyên nhân chủ yếu nói trên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”, Chính phủ chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hàng năm không vượt quá mức đề ra trong Nghị quyết 11.

Song song đó, phải giữ mặt bằng lãi suất hợp lý. Điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, không để biến động lớn. Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; bảo đảm vốn cho sản xuất; kiểm soát chặt cho vay BĐS và kinh doanh CK; kiểm soát nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng…

(Theo TNO)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu