Trong thời gian ngắn sau Tết, chủ đầu tư căn hộ cao cấp vẫn ồ ạt bung hàng, tạo nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại TP Hồ Chí Minh, Liên doanh Công ty cổ phần Phát triển nhà Daewon – Thủ Đức vừa công bố bán 200 căn hộ thuộc Dự án Cantavil – Premier tại phường An Phú (quận 2, TP.HCM).
Trước đó, Công ty cổ phần Thanh Yến cũng đã chính thức công bố chào bán dự án Thanh Đa View với số lượng 132 căn hộ cao cấp. Giá chào bán khởi điểm 29,9 triệu đồng/m2.
Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cũng mới công bố chào bán dự án căn hộ TDH – Phước Bình (quận 9, TP.HCM). Dự án bao gồm 80 căn hộ có diện tích từ 54,9 - 120,3 m2 và 6 căn penthouse có diện tích từ 115 đến 149,1 m2. Với mức giá chào bán khoảng 15,9 triệu đồng/m2.
Công ty Đại Thành đã công bố chào bán gần 400 căn hộ thuộc dự án Đại Thành (quận Tân Phú), mức giá chào bán 13,1 triệu đồng/m2.
Tại Hà Nội, thời gian qua hàng loạt dự án chung cư bung hàng. Trong đó có rất nhiều dự án có quy mô lớn số lượng căn hộ nhiều như: RoyalCity (Nguyễn Trãi): 4.000 căn hộ; Cleve (Hà Đông): 5.000 căn hộ; GoldenPalace (Mễ Trì): 1.000 căn hộ… Sắp tới là CastlePlaza(Hồ Tùng Mậu): 4.000 căn hộ.
Trong tuần trước, 922 căn hộ cao cấp thuộc dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower chính thức được bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng từ ngày 20/3/2011. Theo đại diện của chủ đầu tư cho biết, số lượng căn hộ dự án này hầu như đã bán hết.
Ngày 2/4 tới đây, Công ty cổ phần đầu tư và phân phối DTJ cùng với chủ đầu tư sẽ chào bán những căn hộ cuối cùng của dự án Indochina Plaza Hà Nội (239 Xuân Thủy, Cầu Giấy).
Ngoài ra, lượng cung mới sẽ còn đến từ những dự án đang trong quá trình triển khai như Ciputra, Tây Hồ Tây, Splendora, Thành phố giao lưu, Golden Palace, Thăng Long Number One, Dolphin Plaza, Mandarin Garden....
Tại Đà Nẵng, nhiều dự án căn hộ cao cấp cũng đang được mở bán như The Summit, căn hộ Azuza hay Blooming Park... Không chỉ mở bán tại Đà Nẵng, chủ đầu tư của những dự án này còn mở bán tại Hà Nội hay TP HCM để đón khách hàng.
Thị trường vẫn ảm đạm
Nhận định về phân khúc căn hộ cao cấp, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Sông Đà Thăng Long cho biết, tỷ lệ bán thành công không cao đặc biệt là các dự án cao cấp có giá trên 1.800 USD/m2 trở lên.
Phân khúc căn hộ cao cấp tại Hà Nội và TP HCM nhiều khả năng sẽ bị giảm giá do nguồn cung hiện tại đang quá nhiều. Nguồn cung từ giới đầu cơ xả hàng cũng sẽ rất lớn. Ngoài ra, có thể có một số chủ đầu tư do hàng tồn đọng nhiều, việc sắp xếp vốn gặp khó khăn trước sức ép của các khoản đáo hạn của các khoản vay trước đó… sẽ buộc phải hạ giá để tạo dòng tiền. Trong khi đó sức cầu đối với thị trường này bị giảm sút lớn do giới đầu cơ rút khỏi thị trường. Khách hàng mua cho nhu cầu thực đối với phân khúc này cũng hạn chế.
Còn theo ông Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở, Savills Việt Nam, đầu tư vào căn hộ thường được đóng góp theo nhiều giai đoạn, tùy thuộc vào tiến độ xây dựng của dự án. Tuy nhiên, khi tham gia đầu tư vào căn hộ, các nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị số vốn để có thể thanh toán giá trị căn hộ lâu dài chứ không nên chỉ đủ thanh toán một hoặc một vài đợt để tránh rủi ro khi thị trường có chuyển biến không có lợi.
Thị trường căn hộ cũng vậy, mặc dù nguồn cung dự kiến được đưa ra trong năm 2011 là rất lớn, tuy nhiên, có nhiều dự án được chủ đầu tư chuẩn bị kỹ càng, thiết kế và xây dựng đạt tiêu chuẩn cao và chắc chắn sẽ gia tăng trong tương lai. Nhà đầu tư nên đánh giá kỹ sản phẩm mình chuẩn bị tham gia đầu tư, thay vì chạy theo các xu thế của thị trường để tránh rủi ro.
Theo một thống kê chưa đầy đủ nguồn cung căn hộ mới khoảng 25.000 căn, ngoài ra số hàng được giới đầu cơ “ôm” trong thời gian vừa qua sẽ là nguồn cung bổ sung lớn cho thị trường. Với một thị trường mà đầu cơ chiếm tới khoảng 60-70% thì nguồn cung cũ này thậm chí còn lớn hơn nguồn cung mới. Thêm vào đó là 153 trong 244 dự án trong diện rà soát sẽ được tiếp tục triển khai sẽ là nguồn cung bổ sung lớn trong tương lai và như vậy sự lo lắng thừa chung cư trong vài năm tới là hoàn toàn có cơ sở.
Thị trường BĐS rơi vào trầm lắng trong thời gian dài, nhiều chủ đầu tư đã mệt mỏi do bán hàng chậm, gánh nặng lãi suất lớn. Trong điều kiện cả chủ đầu tư và khách hàng đều khó tiếp cận được nguồn vốn vay hoặc nếu có thể vay thì lãi suất cũng quá cao khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều không chịu nổi.
Có thể có một cuộc chạy đua tìm kiếm tiền mặt, ngân hàng huy động cao vốn để đảm bảo thanh khoản, chủ đầu tìm kiếm dòng tiền nóng để đảo nợ các khoản vay đến hạn. Tỷ lệ nợ xấu trong cho vay BĐS sẽ tăng lên và có thể có hiện tượng ngân hàng siết dự án để thu hồi công nợ, sẽ có chủ đầu tư phải “ bán lúa non“ hoặc“ cắt lỗ“ để tạo dòng tiền.
“Nói chung, sắp tới sẽ là giai đoạn thách thức rất lớn đối với nhiều chủ đầu tư, đồng thời sẽ là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính khác”, ông Việt nhấn mạnh.
Duy Khánh