Thống kê cả nước hiện có 913 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động và có tổng cộng 94 cơ sở đào tạo về BĐS.
Theo Nghị định 153/2007/NĐ-CP, bắt đầu từ 01/01/2009, tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS phải tham dự khóa đào tạo và được cấp Giấy chứng nhận của đơn vị đào tạo. Nhu cầu tham gia kinh doanh BĐS ngày một tăng đã dẫn tới việc nhà nhà, người người ào ào đi học để lấy chứng chỉ kinh doanh BĐS…
Có cầu ắt có cung
Đó là quy luật đương nhiên của thị trường. Kể từ đầu năm, việc đi học các khóa đào tạo nghiệp vụ về kinh doanh BĐS gần như đã trở thành "trào lưu" trong đại bộ phận các nhà đầu tư vừa và nhỏ, thậm chí nó còn thu hút cả các sinh viên học sinh với nhu cầu kiếm tiền từ nghề môi giới BĐS.
Tâm, một sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân hồ hởi: Em phải học lấy cái chứng chỉ môi giới BĐS thôi anh ạ. Thấy họ làm ầm ầm sốt ruột lắm. Chỉ cần đóng 2 - 3 triệu học phí, ngồi học chưa đầy tháng rưỡi là có cái chứng chỉ hành nghề. Tội gì. Quả thật là rất dễ để đăng ký học và nhận chứng chỉ kinh doanh BĐS do đơn vị đào tạo cấp. Với 3 triệu đồng/khóa học, người học đã có thể có trong tay chứng chỉ môi giới, định giá và quản lý sàn BĐS (!).
Điều đáng chú ý là thời gian đào tạo rất nhanh gọn. Học 4 buổi trong tuần, thời gian từ 18 - 21h, với giảng viên chất lượng từ, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Luật... người học sẽ được cấp chứng chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng ngồi lớp... Tìm tới Cty CP Đầu tư thương mại và Dịch vụ Viboss - một đơn vị đào tạo với lời tự quảng cáo là đơn vị đào tạo chất lượng uy tín nhất Hà Nội, trong vai người đăng ký học, người viết bài nhận được khá nhiều lời tư vấn hấp dẫn từ Vân - nhân viên phụ trách lớp đào tạo BĐS 02 (học tại tầng 3 nhà H2, trường Lê Hồng Phong, số 206, đường Láng, Hà Nội) như: Đăng ký từ 3 người sẽ được nhân viên tới tận nơi để đăng ký giúp, đến đăng ký trước khi khai giảng 5 ngày sẽ được khuyến mại. Đặc biệt hơn, nếu muốn học nhanh, sẽ được "sắp xếp" vào lớp đang học để được cấp chứng chỉ sớm hơn thời hạn.
Học là... cấp “bằng”
Dễ từ đầu vào, càng dễ ở đầu ra, là điều bắt gặp tại nhiều cơ sở đào tạo kiểu Viboss. Đức, nhân viên Cty CP GoldenLand - đơn vị này có kiêm chức năng sàn giao dịch BĐS hồ hởi: Anh cứ tới đăng ký là học thôi. Nếu anh muốn nhanh có chứng chỉ thì cũng không khó. Học phí tổng cộng cho 3 môn (môi giới, định giá, quản lý sàn) là chưa tới 4 triệu cả khóa.
Cty sẽ ghép anh vào lớp đang học và thời gian để lấy chứng chỉ chắc chắn sẽ ít hơn 6 tuần (!). Anh đăng ký sớm sẽ được giảm giá. Có vẻ như việc đi học để lấy chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp đã thành một trào lưu. Có cái chứng chỉ này, anh xin vào Cty BĐS nào người ta cũng nhận anh thôi - lời khẳng định của Vân chính là điều “thuyết phục” khách hàng của Viboss.
Điều đáng ngạc nhiên là gần như 100% người đăng ký, nộp học phí đi học (mà không cần biết có tới lớp đầy đủ hay không trong chưa đầy 2 tháng) đều đỗ kỳ sát hạch cuối cùng. Hỏi chuyện Lâm, một học viên vừa được cấp chứng chỉ này, thì biết: tôi chỉ đăng ký nộp học phí thôi, chứ thời gian đâu mà đi học, tính ra tới lớp được có chưa đầy 3 buổi. Nhưng cuối cùng quan trọng là chứng chỉ lại được loại khá (?). Để chứng minh cho điều này, nhân viên tên Vân khẳng định: Anh yên tâm về khâu sát hạch cuối cùng để lấy chứng chỉ. Em đảm bảo nếu anh không đạt, Cty xin hoàn lại toàn bộ học phí. Từ khi hoạt động đến nay, 100% học viên đều đỗ cả anh ạ…
Tới một buổi đào tạo tối ngày 25/7 do Viboss tổ chức, giảng viên nói liên tục qua micro, học viên ngồi thoải mái nhắn tin, gọi điện, ra vào liên tục trong phòng. Thậm chí có người còn ngủ gật ngay trên bàn. Kiến thức học được là cuốn giáo trình được phô tô và những câu chuyện từ thực tế do giảng viên kể. Tất cả chỉ dừng lại ở việc học viên ghi chép và không hề có sự trao đổi thông tin, đặt câu hỏi 2 chiều. "Ở lớp này có rất nhiều người đang đi làm. Có mấy chủ sàn BĐS chưa có chứng chỉ quản lý, cũng tới đây học để lấy tấm chứng chỉ cho hợp thức chứ kiến thức ở đây cũng chỉ là cơ sở, chung chung. Anh thích học nâng cao hơn nữa thì bên Cty sẽ tổ chức nếu anh kêu gọi thêm được trên 30 người học nữa", Vân nói nhỏ...
Chuyện về việc đào tạo cấp chứng chỉ kinh doanh BĐS kể ra vẫn còn nhiều. Việc học, cấp chứng chỉ để kinh doanh BĐS là theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chứng chỉ ấy liệu có phải chỉ là tấm bùa hành nghề, một cách hợp thức hóa hoạt động cho các sàn hay không? Cách đào tạo ồ ạt, cấp tốc để người học lấy chứng chỉ càng nhanh càng tốt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực thực sự của các sàn - làm ảnh hưởng sự tin tưởng của khách hàng. Trong số 94 cơ sở được đăng công khai trên cổng thông tin Bộ Xây dựng, có bao nhiêu cơ sở đào tạo hoạt động như Viboss? Chẳng lẽ cứ được công nhận thì muốn làm gì thì làm ?
(Theo BĐS&VLXD)