SearchNews

Cơ quan NN phải đảm bảo tính khả thi của dự án

17/01/2014 08:11

Các cơ quan Nhà nước (NN) phải có trách nhiệm đảm bảo tính khả thi cũng như thẩm định dự án đã đủ điều kiện bán nhà chưa để tránh tình trạng khách hàng bị lừa mua nhà trên giấy.

Gần đây, vụ việc bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group bị bắt vì hành vi không triển khai dự án khi đã thu tiền của người mua nhà đã tạo nên một cú sốc cho thị trường bất động sản (BĐS).

Điều đáng nói là, hiện nay tình trạng dự án đã huy động vốn của khách hàng nhưng vẫn “đắp chiếu” nhiều năm trên thị trường Hà Nội vẫn còn tồn đọng nhiều.

Trao đổi về vấn đề làm sao để tránh được những hệ lụy, rủi ro khi mua bán nhà hình thành trong tương lai, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

 nhiều dự án đã huy động tiền của người mua nhà

Vẫn còn rất nhiều dự án đã huy động tiền của người mua nhà nhưng chưa
được thực hiện.

- Thị trường BĐS vừa qua đã có nhiều vụ lừa đảo bị đưa ra ánh sáng như vụ liên quan đến Công ty Housing Group. Liệu rằng có còn nhiều vụ việc tương tự như của Housing Group nhưng chưa bị cơ quan pháp luật truy tố  không, thưa ông?

Đến nay, chúng tôi chưa nhận được báo cáo của địa phương nào về vấn đề này, nhưng qua theo dõi thì những trường hợp như ở Công ty Housing Group không phải là hiện tượng phổ biến.

- Nhiều người cho rằng, trường hợp như Housing Group là một điển hình cho sự rủi ro từ việc mua bán nhà trên giấy. Vậy, phía cơ quan sẽ có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng này trên thị trường, thưa ông?

Hiện nay, hình thức bán nhà hình thành trong tương lai đã trở thành phổ biến trên thế giới và đang được áp dụng ở Việt Nam.

Ưu điểm của hình thức này là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp huy động nguồn vốn để có thể triển khai được dự án bởi nguồn vốn cần để thực hiện dự án BĐS thường rất lớn. Nếu DN huy động vốn từ người mua nhà thì không những huy động được vốn mà còn xác định trước được nhu cầu của người mua, tức là bán hàng trước và triển khai thực hiện sau. Người mua cũng có lợi lựa chọn được sản phẩm của mình từ trước, để phù hợp với nhu cầu của mình và cũng có điều kiện tiết kiệm dần mà không phải trả ngay 1 lần, mà trả nhiều lần.

Tuy nhiên, việc bán nhà theo hình thức này lại có thể vấp phải nhiều rủi ro như lừa đảo, những biến động khó lường của thị trường mà nhiều doanh nghiệp không dự đoán được làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án để có thể giao nhà đúng hạn, đúng giá cả và chất lượng như đã cam kết cách đó vài năm.

Tại Luật kinh doanh BĐS cũng như luật Nhà ở đã có quy định cụ thể, nếu chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai thì yêu cầu phải hoàn thành dự án đến mức độ nhất định, phải hoàn thành hạ tầng của dự án theo tiến độ cam kết đối với nhà ở liền kề và phải hoàn thành xong móng đối với chung cư, nhà ở hỗn hợp.

Chủ đầu tư cần phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở của địa phương về việc bán nhà, trong vòng 15 ngày cơ quan quản lý của địa phương có trách nhiệm trả lời chủ đầu tư về điều kiện bán nhà đã đủ hay chưa.

Bên cạnh đó, khi chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải được một ngân hàng thương mại đủ điều kiện bảo lãnh trách nhiệm tài chính của mình trước người mua, trước người huy động vốn, để trong trường hợp rủi ro không đủ khả năng hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, đúng cam kết với khách hàng thì người bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả lại người mua nhà số tiền đã nộp cho chủ đầu tư. Hình thức này thực chất hiện vẫn đang được các ngân hàng đang thực hiện.

- Vậy người mua nhà phải làm gì để tránh được những rủi ro từ việc mua nhà hình thành trong tương lai, thưa ông?

Để tránh được tình trạng trên thì người mua nhà phải xem dự án đó có được bảo lãnh hay không, đã có xác nhận từ phía cơ quan nhà nước là đã đủ điều kiện bán nhà chưa? Đồng thời, cũng cần phải tìm hiểu các doanh nghiệp đã thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật hay không.

- Vừa rồi lại có quy định cho phép thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai, vậy có sợ rủi ro tăng cao không, thưa ông?

Theo tôi thì rủi ro trong trường hợp này là không cao. Bởi, căn nhà hình thành trong tương lai trước khi được đưa ra thế chấp thì ngân hàng đã phải tìm hiểu kỹ về tình trạng pháp lý của dự án cũng như uy tín của chủ đầu tư.

Lý thuyết thì là như vậy, nhưng thị trường luôn có những biến động khó lường theo từng giai đoạn, từng thời điểm, nên việc kiểm tra, kiểm soát chưa kịp thời, vẫn còn có những doanh nghiệp chưa thực sự mạnh về tài chính, chưa có bề dày kinh nghiệm triển khai dự án nên vẫn gây ra những rủi ro đáng tiếc cho khách hàng.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu