Nhiều nhà đầu tư, thậm chí cả người có nhu cầu mua nhà để ở từng đua nhau mua căn hộ giá rẻ, nay đang cảm nhận vị đắng khi căn hộ giá rẻ vẫn ngày càng… rẻ hơn!
Cách đây hơn một tháng, chị Nguyễn Thị Hằng (trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) đầu tư toàn bộ số tiền 600 triệu đồng được gia đình dành dụm từ lâu (tương đương 80% giá trị hợp đồng mua nhà) để mua nhà tại Dự án CT6 Xa La của Công ty Xây dựng Số 1 Lai Châu. Ban đầu cả nhà mừng lắm vì tưởng gặp may khi mua được nhà rẻ 50 triệu đồng so với giá gốc. Tuy nhiên, sau hơn một tháng mua nhà, giá căn hộ tại dự án này tiếp tục giảm thêm khoảng 1 triệu đồng/m2, xuống còn 16,5 triệu đồng/m2.
Chị Hằng cho biết, mặc dù xác định mua nhà để ở, nhưng giá nhà tại dự án trên cứ liên tục giảm, đồng tiền tiết kiệm mồ hôi nước mắt ngày càng teo lại khiến vợ chồng chị cảm giác như người bị mất cắp.
Không chỉ căn hộ tại Dự án Xa La của Công ty Xây dựng Số 1 Lai Châu vẫn đang trong hành trình giảm giá do nhà đầu tư thứ cấp phá giá cắt lỗ. Tại Dự án đô thị Đại Thanh, cũng của chủ đầu tư này, tình trạng bán phá giá cắt lỗ khiến không ít nhà đầu tư trót “ôm” căn hộ và người có nhu cầu mua nhà để ở cũng cảm thấy đắng lòng với nhà giá rẻ của Công ty Xây dựng Số 1 Lai Châu.
Trước đó, tại đợt mở bán lần 1 và lần 2, căn hộ dự án Đại Thanh đã gây sốt với mức giá bán ra khá thấp, chỉ từ 14 - 14,7 triệu đồng/m2. Do mức giá bán thấp, diện tích căn hộ hợp lý, rất nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở đã đăng ký mua. Thậm chí, một số nhà đầu cơ nhìn thấy cơ hội kiếm tiền cũng gom hàng nhằm bán lại kiếm chênh lệch giá.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, giá bán thứ cấp căn hộ dự án Đại Thanh đã giảm từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/m2, khiến nhiều nhà đầu tư và người mua nhà ngày ngày phải gặm nhấm vị đắng của nhà giá rẻ.
Anh Nguyễn Văn Cảnh (trú tại Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho biết, một tháng trước, anh đầu tư toàn bộ số tiền tích cóp trên 100 triệu đồng để đặt cọc mua căn hộ tại Dự án Đại Thanh. Trong khi nhiều người mua nhà phải mất ít cũng từ 5 - 10 triệu đồng tiền chênh, nhiều lên đến 30 - 50 triệu đồng, anh cho rằng mình may mắn khi không mất một đồng ngoài giá ghi trên hợp đồng.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, anh Cảnh lo âu khi giá nhà đất tại dự án này liên tục giảm. Đến thời điểm hiện nay, giá căn hộ tại Dự án Đại Thanh đã giảm xuống 13 - 14,4 triệu đồng/m2. Như vậy, sau đúng 1 tháng quyết định mua nhà, anh Cảnh bị thua thiệt khoảng 50 triệu đồng trên suất đầu tư của mình. Số tiền đó bằng tiền dành dụm cả năm của hai vợ chồng.
Cũng nằm trong phân khúc nhà giá rẻ, với giá gốc chỉ khoảng 15,5 triệu đồng/m2, căn hộ tại Dự án Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, Hà Nội) từng được nhiều người tranh mua khi mới ra hàng. Tuy nhiên, làn sóng bán tháo của nhà đầu tư khiến giá căn hộ tại dự án này liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Trên nhiều trang rao vặt, căn hộ tại dự án Tân Tây Đô đang được nhà đầu tư rao bán với giá chỉ còn 13,5 triệu đồng/m2, song giao dịch thành công rất hiếm.
Lý giải tình trạng nhà giá rẻ đang có dấu hiệu bị bán tháo, cắt lỗ, ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho rằng: “Nhu cầu nhà giá rẻ trên thực tế rất lớn. Vì vậy, một số dự án mới ra hàng gần đây được nhiều nhà đầu tư tham gia với hy vọng kiếm lời, khiến phân khúc này trở nên sôi động. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đi xuống, người có nhu cầu mua nhà vẫn có xu hướng chờ đợi, khiến mãi lực nhà giá rẻ không tăng. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư trót ôm hàng phải bán tháo cắt lỗ, khiến nhà giá rẻ có xu hướng tiếp tục… rẻ hơn”.
Cũng theo ông Hà, các dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội thiếu hấp dẫn một phần do ở khá xa trung tâm, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông còn quá kém nên chưa thu hút người dân. Mặt khác, thời hạn giao nhà tại nhiều dự án quá dài nên người có nhu cầu mua nhà để ở cũng nghi ngại về tiến độ, chất lượng dự án trong hoàn cảnh các chủ đầu tư đều khan tiền.
“Rất nhiều yếu tố bất lợi đã khiến nhà giá rẻ ế ẩm, dù lượng người có nhu cầu với phân khúc này còn rất lớn. Tình trạng này càng khiến chủ dự án căn hộ giá rẻ khó khăn hơn trong các đợt mở bán kế tiếp”, ông Hà cho biết.
(Theo ĐTCK)