Dự án im lìm, chủ đầu tư chậm tiến độ, người mua bán cắt lỗ, giá nhà đất giảm mạnh,... đó là tình trạng đang diễn ra tại thị trường bất động sản Hà Đông. Từ một vùng nóng bỏng, giá tăng cao liên tục, Hà Đông đang thành rốn giảm giá của toàn thị trường Hà Nội.
Tháo chạy khỏi hàng hot
So với thời điểm cách đây vài năm, thị trường bất động sản tại Hà Đông nổi lên như một khu vực đầy tiềm năng. Sau khi sáp nhập về Hà Nội, thị trường bất động sản Hà Đông được đà khởi sắc bởi hàng loạt dự án được tiếp tục triển khai với quy mô lớn, hứa hẹn mang lại cho khu vực này một bộ mặt đô thị mới. Cùng với những điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông triển khai rầm rộ, các nhà đầu tư đã không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này.
Một loạt dự án được xếp hàng hàng hot như Văn Khê, Văn Phú, Dương Nội,...diễn ra hoạt động mua bán sôi nổi. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường bất động sản Hà Đông lại đang im lìm, hàng loạt sàn giao dịch bất động sản, trung tâm môi giới đóng cửa, nhiều nhà đầu tư thứ cấp tháo chạy.
Khu đô thị mới Làng Việt kiều châu Âu tại Mộ Lao đã bàn giao cho khách hàng biệt thự liền kề nhưng số lượng người về ở vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một văn phòng nhà đất tại đây đang rao bán, lô biệt thự diện tích 150m2, mặt tiền 9,5m2, xây 3,5 tầng, hoàn thiện mặt ngoài, hướng Tây Bắc, đường 17,5m2, với giá 16,5 tỷ đồng. Liền kề làng Việt kiều Châu Âu diện tích 67,5m2, xây 4 tầng, mặt tiền 4,5m2, có sổ đỏ, giá 7,5 tỷ đồng.
Tại khu đô thị mới Văn Phú, toàn bộ biệt thự và liền kề đã hoàn thiện xong nhà và mặt ngoài đang được nhiều nhà đầu tư chào bán. Một căn biệt thự diện tích 250m2, hướng Đông Nam, nhà đã xây thô 3,5 tầng hoàn thiện mặt ngoài, vị trí đẹp, đường trước nhà 12m, đang được chủ nhà rao bán với giá 45 triệu đồng/m2. Liền kề Văn Phú cũng đã hoàn thiện xây thô và mặt ngoài, diện tích 90m2 cũng chào bán với giá 5 tỷ đồng. Những căn có diện tích nhỏ thường có giá cao hơn vài triệu mỗi mét vuông.
Theo ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản 24h, giá nhà đất tại khu vực này đang chững lại, thanh khỏan thấp, giao dịch trầm lắng. Cách đây hơn 1 năm, thời điểm sốt đất, giá tại đây lên tới 80 triệu đồng/m2, như vậy chỉ trong thời gian ngắn, giá đã tụt dốc khoảng 40 - 50%.
Đối diện Văn Phú bên phía đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) là khu đô thị mới Park City, tình cảnh cũng không mấy sáng sủa. Hiện, không ít nhà đầu tư đang sẵn sàng bán lại các suất biệt thự liền kề với giá gốc. Trước đó, mỗi mét vuông của dự án này được chủ đầu tư chào bán khoảng 75 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), người mua phải chịu mức chênh lên từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Có thời điểm, giá chênh lên tới 3 - 5 tỷ đồng/biệt thự.
Theo tiến độ, một phần của dự án sẽ hoàn thành và bàn giao nhà vào quý I/2013, nhưng đến nay, nhà thầu mới chỉ thi công phần móng, công trường cỏ mọc um tùm, các trụ cột bê tông trơ lõi thép han gỉ.
Giảm giá cũng khó bán
Ngay cạnh đó, khu đô thị Dương Nội cũng đang trong quá trình thi công. Giá biệt thự khu A đang được chào bán và giao dịch vào khoảng từ 45 triệu đồng/m2 trở lên tùy vị trí và diện tích. Đại diện một sàn bất động sản ở Vạn Phúc cho biết, đơn vị này vừa chuyển nhượng thành công một lô biệt thự 180m2, hướng Tây Nam, mặt tiền hơn 8 mét, với giá 53 triệu đồng/m2, ủy quyền công chứng. So với thời điểm khi mua, chủ nhà đã chịu chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng.
Sàn này cũng đang bán một số căn biệt thự tại khu A, lô góc, vị trí đẹp gần hồ mà giá chỉ khoảng 47 triệu đồng/m2. Chủ nhân của những biệt thự, liền kề của dự án này đang ngồi trên đống lửa bởi tiến độ dự án bị chậm, cùng với sự giảm mạnh về giá. Tập đoàn Nam Cường, chủ đầu tư dự án cũng đã từng bị nhà đầu tư kiện vì tự ý tăng giá bán cũng như phải mua chênh hàng tỷ đồng.
Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, Hà Đông đứng đầu nguồn cung biệt thự liền kề, hơn 7000 căn. Mặc dù có giảm nhưng mức giá trung bình một căn cho một căn nhà liền kề dao động từ 2,6 tỷ tới 19,3 tỷ đồng, mức trung bình cho một căn biệt thự từ 5,3 tỷ đồng tới 41,4 tỷ đồng. Nguồn cầu thị trường biệt thự, nhà liền kề bị ảnh hưởng bởi lãi suất ngân hàng cao cũng như chính sách siết chặt tín dụng sẽ tiếp tục được áp dụng trong năm 2012.
Lý giải nguyên nhân giá nhà đất tại Hà Đông giảm mạnh trong thời gian qua, ông Lê Ngọc Quỳnh Sàn giao dịch bất động sản 24h nhận định, tính thanh khoản ở khu vực này thấp bởi lượng đầu cơ lớn. Thị trường bất động sản khó khăn khiến giao dịch trầm lắng, không ít nhà đầu tư đang vướng ở những dự án khác buộc phải rút lui bán giảm giá để thu hồi vốn. Tuy nhiên, để cắt lỗ không phải là điều dễ dàng.
Các khu đô thị mới tại đây đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, biệt thự nhà liền kề đã xây xong nhưng rất ít số người vào ở bởi những tiện ích như "điện - đường - trường - trạm" còn thiếu. Những khu vực đã xong cơ sở hạ tầng nhưng các dịch vụ như trung tâm thương mại, chợ, trường học tiêu chuẩn vẫn còn ít nên chưa thực sự thu hút người về ở.
So với các khu đô thị như Trung Hòa Nhân Chính, Mỹ Đình, quận Hà Đông vẫn bị chê là "nhà quê". Hầu hết người dân làm việc tại các khu vực trung tâm nên việc di chuyển từ Hà Đông là điều khó khăn. Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên khiến không ít người dân chấp nhận sống chật chội ở các quận nội thành. Bên cạnh đó, người ở thường có tâm lý sống trong quần thể đông vui, họ chờ đợi những người hàng xóm về ở đông đủ mới dọn về. Theo ông Quỳnh, phải mất vài năm nữa những khu đô thị mới của Hà Đông mới thực sự sôi động.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Giám đốc một văn phòng nhà đất nhận định, có thể giá đất nền dự án sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nhưng không giảm sâu. Áp lực lớn đối với các chủ đầu tư là giữ đúng cam kết về tiến độ, bên cạnh việc gặp khó khăn về nguồn vốn. Trong tương lai, nguồn cung tăng trong khi thị trường trầm lắng sẽ khiến cho nhà đầu tư tháo chạy. Sàn ông Hùng đang được gửi bán hàng loạt biệt thự, liền kề tại các khu đô thị mới ở Hà Đông nhưng để tìm được khách không phải là điều dễ dàng.
(Theo VEF)