SearchNews

Đất ngoại thành: Vạn người bán không nổi... một người mua

17/12/2011 08:28

Nhà đất ế ẩm, người mua vẫn chưa muốn tung tiền gom đất, người cần tiền mong bán đất bằng mọi giá nhưng mọi giao dịch vẫn giậm chân tại chỗ. Giá đất ngoại thành Hà Nội, giá đã “giảm 50%” nhưng vẫn chưa thu hút được người mua. Vẫn còn đó, tâm lý chờ giá đất còn "xẹp" nữa...

Nhà đất ế ẩm, người mua vẫn chưa muốn tung tiền gom đất, người cần tiền mong bán đất bằng mọi giá nhưng mọi giao dịch vẫn giậm chân tại chỗ. Giá đất ngoại thành Hà Nội, giá đã “giảm 50%” nhưng vẫn chưa thu hút được người mua. Vẫn còn đó, tâm lý chờ giá đất còn "xẹp" nữa...

Vạn người bán không có nổi... một người mua

Cuối năm trước và khoảng 4-5 tháng đầu năm, giới đầu tư đất ùn ùn kéo nhau ra ngoại thành mua đất. Giá đất các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Hoài Đức... được đẩy lên từng ngày. Nhất là khu vực bên bờ Bắc Sông Hồng, nghe ngóng rồi sẽ có những dự án lớn, những cây cầu vượt sông Hồng khiến cho đất khu vực này sốt xình xịch. Ngay cả đất nông nghiệp ở Đông Anh, Sóc Sơn cũng được mua với giá cao. Người người đổ xô đi mua đất ngoại thành với tâm lý không nhanh chân thì hết.

Nhu cầu mua đất ngoại thành của nhà đầu tư chủ yếu chờ giá cao bán kiếm lời. Thời điểm sốt giá người ta cứ mua đi, bán lại một mảnh đất. Người đến sau chấp nhận trả giá cao hơn và hy vọng lại bán cho người khác.

Ông Nguyễn Văn Can (Đông Ngàn, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Trước Tết, tôi bán mảnh đất 200m2 với giá 15 triệu đồng /m2. Nhưng mảnh đất ấy đã bán sang tay đến 7 đời chủ rồi. Giá bán gần đây nhất là 43 triệu đồng /m2 chỉ mua đi, bán lại mà lãi quá, còn đất của mình bán chẳng được bao nhiêu. Tuy nhiên, hiện tại, người chủ mới muốn bán nhưng không có người mua. Người ta bảo đất lại xuống rồi”. Ông Can cũng cho biết thêm, lúc đất đang sốt dẫn khách đến xem qua là bán được ngay, nay vài người đến xem rồi, chủ mới vẫn nhăn nhó, không bán được và kêu lỗ từng ngày.

Đến nay, đất ở các khu vực ngoại thành rao bán rất nhiều, giá hạ xuống chỉ còn 25 triệu đồng /m2 tại các xã khu vực gần cầu Đông Trù. Vậy là, so với thời điểm giá đất được “thổi” cao đỉnh điểm 50 triệu đồng /m2 thì giá nay còn một nửa nhưng chẳng thấy ai hỏi mua đất. Nhìn nhận vấn đề này, bà Phạm Nguyệt Nga, chuyên môi giới bất động sản cho rằng: "Người có nhu cầu để ở thì lại không tìm mua đất ngoại thành mà chủ yếu là người đầu tư “lướt sóng”. Nhà đất giờ đang giảm mạnh, người có tiền mua để ở sẽ đầu tư các quận nội thành, còn người đã trót mua để “lướt sóng”, trước sức ép thu hồi tiền phải bán tháo chấp nhận lỗ”.

Dạo qua các trung tâm môi giới đất đai tại các khu vực ngoại thành giờ mới thấu cảnh: Trăm người bán không có nổi một người mua. Những người cần bán đất, đưa sổ đỏ photo xếp đầy ngăn kéo của Nguyễn Hữu Tính, một "cò" đất có tiếng của vùng đất Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm... Thấy chúng tôi hỏi về đất đai, Tính mang ra nhiều sổ đỏ, chỉ rõ từng đặc điểm, giá cả mời chào với giá hấp dẫn: "Đất trong ngõ giờ chỉ còn 23 triệu /m2, ngõ ô tô vào được cũng chỉ còn 25 triệu đồng /m2 thôi. Mua thời điểm này chỉ sau 5-6 tháng nữa kiểu gì giá cũng lên. Nếu năm sau khởi công cầu Tứ Liên thì thắng đậm, giá đất lại lên vù vù".

Tính xuống bếp lấy nước mời khách, tôi tranh thủ ra vườn, vợ Tính đang làm cỏ cho mấy luống rau. Khi PV hỏi Tính dạo này làm ăn, môi giới bán đất được nhiều “lộc” chứ? Chị vợ ngỡ người quen của chồng, thật thà trả lời: "Chẳng ăn thua gì, 7 tháng nay, ông ấy chẳng bán nổi một mảnh đất thì lấy đâu ra phần trăm. Bảo chăm chỉ làm ruộng giúp vợ thì không nghe cứ chạy như ngựa vía, lại còn nói khoác bán được một miếng đất hưởng phần trăm bằng vợ làm cả năm. Trông vào ông ấy có mà treo niêu"... Rõ ràng đất ngoại thành xuống giá thảm hại, đang ế ẩm nhưng cò đất vẫn cố làm ra chiêu có giao dịch để dụ khách. Nhưng khách có tiền trong thời buổi hàng tốt, giá rẻ tràn lan thì còn làm cao và kén chọn lắm!.

Nghiến răng trả tiền vay lãi ngày

Những ngày này, ra các huyện ngoại thành tìm mua đất chắc chắn sẽ được săn đón, chào mời chu đáo đúng nghĩa của từ... "thượng đế". Người viết sang Đông Anh, mới hay những câu chuyện vay lãi ngày, vay nặng lãi chờ bán đất để trả thật xót xa. Ngô Thái Huân là tay mê lô đề, đánh bóng và máu me buôn đất. Huân đã có lúc trúng quả, nhờ chỉ vay tiền đặt cọc mua đất rồi gặp khách bán sang tay cũng lãi nửa tỷ đồng. Cứ theo đà ấy, có tiền lại vay thêm để ôm đất. Rồi đất đứng giá, giảm liên tục khiến Huân đứng ngồi không yên vì khoản lãi ngày.

Tiền khó xoay, đất bán không được, túng làm liều, Huân lại vay lãi ngày lao vào cuộc đỏ đen. Mỗi trận bóng Huân vẫn đặt vài chục triệu, cứ trận nào có MU, Huân chơi cả trăm triệu. Vì đã rao bán đất, Huân tin chỉ thời gian ngắn sẽ có tiền. Tiền vay lãi ngày của Huân hiện lên tới 1, 7 tỷ đồng. Với lãi suất 5.000 đồng/1triệu đồng thì mỗi ngày Huân phải trả gần 8, 5 triệu đồng, một tháng Huân phải trả cho người cho vay là 255 triệu đồng. Với mảnh đất 200m, Huân tính bán với giá 25 triệu đồng /m2 nếu có người mua anh ta có thể trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng nếu chỉ sau 4-5 tháng không bán được thì Huân sẽ mất đứt mảnh đất mà vẫn còn nợ chồng chất. Rao bán 25 triệu đồng /m2 nhưng Huân vẫn "sẵn sàng thương lượng" chấp nhận giá thấp hơn nữa. Vậy nhưng, đã 2 tháng trôi qua rồi, đất của Huân vẫn không có người hỏi mua.

Bà H.T.H, một chủ đầu tư có máu mặt, đúng thời kỳ đất "sốt nóng" đã ôm cả chục mảnh ở Quảng Bị, Chương Mỹ cách trung tâm Hà Nội 25km. Có thời điểm những mảnh đất của bà H được trả giá đến 7-10 triệu đồng /m2. Kỳ vọng giá đất có thể lên nữa nên bà H nấn ná không chịu bán. Thế rồi, chính sách tài chính thay đổi, thắt chặt hầu bao cho vay đối với bất động sản, thời điểm cuối năm đáo hạn trả nợ ngân hàng nên bà H đành chấp nhận bán lỗ.

Thời điểm này bà H chấp nhận bán 4, 8 triệu đồng/m2 nhưng vẫn chưa có người mua. Xu hướng giá đất còn xuống nữa, bà H chấp nhận hạ giá thấp hơn nếu có người mua. Bởi lẽ, nếu không trả đúng hạn vay của ngân hàng sẽ phải chịu mức lãi suất quá hạn là 150% thì bán cả đất đi cũng không đủ trả tiền lãi. Chính vì thế, theo lời hứa hẹn của nhân viên ngân hàng, cứ trả đúng hạn sau đó lại tiếp tục cho vay, bà H đã chấp nhận vay lãi ngày với lãi suất lên tới 5.000 đồng /1 triệu đồng /ngày để trả ngân hàng. Nhưng rồi, bà H không thể vay được tiền ngân hàng, mà lãi ngày thì chồng chất. Con đường duy nhất cứu bà H ra khỏi nợ nần và nguy cơ vỡ nợ là bán tháo đất, chấp nhận lỗ nặng.


Sự trả giá cần thiết


Ôm đất giá cao, vay lãi ngày để mua đất là một thực tế nhiều người có thời được coi là "đại gia bất động sản" đang mắc phải. Chính vì thế, những vụ vỡ nợ, những nạn nhân của "tín dụng đen" ngày càng nhiều hơn. Nhiều vụ vỡ nợ đã công khai, nhưng nhiều chỗ còn đang bùng nhùng trong khối ung nhọt sẽ vỡ trong nay mai. Đó là một thực tế của thời điểm kinh tế khó khăn, kênh đầu tư bất động sản bị "xì hơi".

Từ vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch khẳng định, giá bất động sản không đến nỗi vỡ bong bóng nhưng còn "xì hơi" và xu hướng còn giảm nữa. Tuy nhiên, xác định bao giờ bất động sản xuống đáy thì không chuyên gia nào khẳng định thời điểm. Nhìn nhận thực tế hiện nay, TS Trần Du Lịch cho rằng: "Việc đẩy giá, làm giá của các doanh nghiệp và những nhà đầu cơ để mua một bán gấp đôi, gấp ba và hơn thế nữa giờ không còn. Và hiện nay, doanh nghiệp, đại gia bất động sản đang trả giá cho chính vấn đề họ tạo ra".

(Theo Người Đưa Tin)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu