Sự phát triển thiếu kiểm soát thị trường căn hộ phòng trọ cho thuê bất chấp hậu quả đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến an sinh xã hội và quá tải hạ tầng đô thị tại Hà Nội.
Hiện nay, tại Hà Nội cảnh nhà nhà cho thuê trọ, người người tìm phòng trọ không còn là điều mới mẻ. Dọc theo các ngõ nhỏ, những dãy trọ lụp xụp ẩm thấp được người dân tận dụng hết mức để cho thuê.
Không chỉ trong nội thành, các khu vực vùng ven như như thị trấn Cầu Diễn, Minh Khai, Trung Văn (huyện Từ Liêm), Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), Tân Triều (Thanh Trì), Khương Trung (Thanh Xuân)… có tới hàng chục ngàn người thuê trọ.
Nhiều hộ gia đình ở vùng ven đã thay vườn cây, chuồng gà, chuồng lợn bằng hàng loạt nhà bê tông, cốt thép chắc chắn cao hai ba tầng để cho thuê trọ. Có những chủ nhà trọ mỗi tháng thu nhập 30-40 triệu đồng cao hơn cả lương của tổng giám đốc.
Theo ông Tám, một chủ cho thuê trọ khu vực Trung Văn: “Chẳng cần ở nội thành, chỉ cần có vài trăm mét đất ở vùng ven đô giờ đây chủ nhân đã có thể đổi đời”. Như nhà ông Tám, cả mảnh vườn rộng chuyên trồng rau giờ ông xây thành khu nhà cấp 4 và 1 nhà 4 tầng làm 27 phòng trọ lớn nhỏ, thu về cả gần 50 triệu mỗi tháng.
Hà Nội đất chặt người đông vì vậy nhà cho thuê trọ lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng. Khi mà các khu công nghiệp, trường học không có chỗ cho công nhân, học sinh, sinh viên thì một bộ phận khá lớn người dân đang được hưởng lợi từ dịch vụ béo bở này.
Giá đắt cắt cổ
Tha hồ hét giá, thả sức chuộc lợi, việc chủ nhà trọ đẩy giá tăng giá phòng trọ triền miên khiến nhiều người đi thuê vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Cho dù, một số nơi chủ nhà và người cho thuê có làm hợp đồng thuê nhà nhưng khi chủ nhà “giở quẻ” tăng giá hoặc cố ý phá hợp đồng thì người đi thuê vẫn luôn là người chịu thiệt bởi cơ sở pháp lý của hợp đồng viết tay rất mong manh, thêm vào đó, thủ tụng kiện tụng lằng nhằng.
Không chỉ tiền nhà mà ngay đến tiền điện tiền nước người đi thuê phải chịu giá cắt cổ. 3.500 đồng đến 5.000 đồng/số điện là cái giá mà người thuê nhà đang phải trả, còn tiền nước là 10.000 – 15.000 đồng/khối. Mức giá điện nước tính cho người thuê nhà gấp từ 3-5 lần mức giá nhà nước thu.
Hơn thế nữa, loại công tơ điện và công tơ nước được các chủ nhà trọ lắp cho từng phòng là loại kém chất lượng hoặc đã được chỉnh sửa trước để quay nhanh hơn nhằm chuộc lợi.
Hiện nay, hàng chục nghìn người tại Hà Nội phải chịu cảnh thuê trọ vô cùng lộn xộn, bị xâm hại đến quyền lợi. Thiết nghĩ, nhà trọ cũng là một hình thức kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an sinh xã hội. Vì vậy, nhà nước cần có một cơ chế giúp quản lý những bất cập đang tồn đọng hiện nay.
Áp lực lên hạ tầng đô thị
Khảo sát tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội cho thấy thực tế không ít nơi đã phát triển cực nhanh về mật độ dân cư tỷ lệ thuận với tăng trưởng phòng trọ cho thuê do các hộ cá thể tự xây dựng. Tại nhiều ngõ nhỏ rộng chưa tới 2 m, nhưng có hàng trăm con người sáng sáng chen nhau đi học, đi làm, chiều về lại inh ỏi còi xe vì tắc…
Việc tăng dân số đột biến đương nhiên tỷ lệ thuận với việc quá tải về hạ tầng đặc biệt là giao thông nội bộ ngay trong từng con ngõ nhỏ. Bên cạnh đó, hạ tầng thoát nước lại càng bộc lộ sự đuối sức khi phải phục vụ nhu cầu người dân gia tăng hàng chục lần trong vài năm qua.
Điều đáng nói là việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông thoát nước là do Nhà nước đảm nhận, nhưng khai thác nó một cách vô tội vạ để làm lợi cho mình của nhiều hộ gia đình và gia tăng áp lực lên hạ tầng lại chưa được cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý.
Nếu cứ tiếp tục thế này, hạ tầng đô thị sẽ ngày một xuống cấp do khai thác quá ngưỡng cho phép, bộ mặt đô thị theo đó cũng sẽ nhếch nhác, chắp vá theo, nguy hiểm hơn là sự an toàn của người dân.
Theo Ông Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội: "Nhà trọ, phòng trọ tạm bợ chỉ giải quyết nơi ngủ, thiếu các điều kiện tiện nghi tối thiểu. Thực trạng này khiến việc quản lý dân cư rất khó khăn, gia tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật khu vực, ảnh hưởng môi trường an sinh xã hội”.
(Theo TTVN)