Sau văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp, giới đầu tư đang đặt câu hỏi: phân khúc nào sẽ là nạn nhân tiếp theo của sự “bơm thổi thị trường” từ các nhà môi giới?
Hệ quả tất yếu
Sự thổi phồng quá mức về nhu cầu của thị trường bất động sản Việt Nam từ các nhà tư vấn, quản lý bất động sản nước ngoài khiến một số dự án đã kiếm lời lớn trong giai đoạn năm 2006 – 2007, nhưng những dự án mới đi vào hoạt động thì đang lãnh hậu quả!
Nhiều chủ đầu tư dự án đã nhìn thấy hệ quả tất yếu từ việc “bơm thổi thị trường”, tạo ra “cầu ảo” từ một số công ty quản lý, môi giới địa ốc, nhưng đành lặng im, vì chính họ cũng đã có lúc mong muốn điều này.
Thị trường căn hộ cao cấp là ví dụ điển hình của việc “bơm thổi thị trường”. Vào thời điểm cuối năm 2007, thị trường này liên tục đón nhận các thông tin như: “dự án căn hộ cao cấp A cháy hàng”, “dự án B bán hết từ 3 tháng trước khi khởi công”…
Hệ quả là, trong một thời gian ngắn, giá căn hộ cao cấp đột ngột tăng lên 1.500 USD/m2 rồi 2.000 USD/m2, 3.000 USD/m2, thậm chí có những dự án tới 5.000 USD/m2.
Nhưng từ cuối năm 2009, trước áp lực nguồn cung liên tục gia tăng, nhiều dự án căn hộ khu vực nội thành Hà Nội đã được các chủ đầu tư, công ty môi giới chiết khấu giá bán 5-10%. Ngoài ra, nhằm kích thích thị trường, họ còn liên kết với ngân hàng cho vay với hạn mức lên đến 70% giá trị căn hộ, khuyến mại lãi suất, tặng quà là xe máy, nội thất…, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với thị trường văn phòng cho thuê khi thị trường này ghi nhận mức giảm giá đều đặn trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), mức giá cho thuê văn phòng hạng A đã giảm từ mức xấp xỉ 60 USD/m2 cuối năm 2008 xuống chỉ còn khoảng 40 - 42 USD/m2 hiện nay.
Đều đặn từng quý, các bản báo cáo thị trường của các công ty quản lý - môi giới bất động sản lớn cũng ghi nhận tình trạng trên. Nguyên nhân của sụt giảm giá thuê văn phòng được các công ty môi giới chỉ ra là do nguồn cung của thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Theo Công ty TNHH Night Frank Việt Nam, năm 2011, tại Hà Nội, sẽ có khoảng 150.000 - 200.000 m2 mặt bằng văn phòng được đưa ra thị trường, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây.
Nạn nhân tiếp theo?
Sau khi “kiếm đủ” từ việc làm giá thị trường văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp, một số công ty quản lý - môi giới địa ốc đang chuyển hướng “làm giá” sang thị trường mặt bằng bán lẻ. Gần đây, trước mỗi dự án trung tâm thương mại được khởi công, khánh thành, giới đầu tư lại nhận được hàng loạt bản báo cáo thị trường, với những thông tin hết sức khả quan về tương lai của thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Không khó để tìm thấy trên mặt báo những thông tin dạng như “nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao và dân số trẻ” (trích từ báo cáo thị trường của một công ty tư vấn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam).
Trong buổi họp báo giới thiệu một trung tâm thương mại chuẩn bị ra mắt tại khu vực phía Đông Hà Nội do một công ty tư vấn – môi giới địa ốc tổ chức tại Hà Nội giữa tuần qua, đơn vị tổ chức cũng đã đưa ra hàng loạt thông tin như trên để dự báo về viễn cảnh tươi sáng của phân khúc thị trường mặt bằng bán lẻ.
Tuy nhiên, họ đã không trả lời được câu hỏi của các phóng viên khi nhắc đến những dự án trung tâm thương mại đã hoàn thành tại Hà Nội như: Trung tâm thương mại Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) hay Garden Mall (Mỹ Đình)… không thu hút được lượng khách thuê và khách hàng đến mua sắm sau khi đi vào hoạt động như kỳ vọng. Thậm chí, nhiều khách thuê mặt bằng bán lẻ tại Dự án GrandPlaza (đường Trần Duy Hưng) đã phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn sau một thời gian kinh doanh không hiệu quả.
Trong năm nay, các đại tổ hợp cao ốc có diện tích mặt bằng bán lẻ cực lớn như: Savico Plaza Long Bien (120.000 m2), KeangnamLandmarkTower (gần 63.000 m2)… sẽ được hoàn thành. Tiếp đến, các khu thương mại rộng từ hàng chục đến hàng trăm ngàn mét vuông như: RoyalCity (230.000 m2), Ciputra Shoping Mall (120.000 m2), UsilkCity (146.896 m2)… sẽ ra mắt từ nay đến năm 2013.
Đó là chưa kể, hàng trăm toà cao ốc nhỏ lẻ khác nằm trong nội đô Thành phố cũng cung cấp một diện tích mặt bằng bán lẻ đáng kể trong vòng 3 năm tới. Khi đó, điệp khúc “dư cung” đối với mặt bằng bán lẻ rất có thể sẽ lặp lại như thị trường căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê hiện nay.
(Theo Báo Đầu tư)