Kỳ vọng vào gói giải cứu, đa số cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã tăng trần nhiều phiên. Đây có thể cũng chỉ là một cơn sóng và ai cũng sợ mình là người cuối cùng cầm cục than hồng.
Tâm điểm cổ phiếu BĐS
Chưa dừng lại sau một tuần áp chót năm 2012 sôi động, dòng tiền vào thị trường chứng khoán (TTCK) dường như có chiều hướng gia tăng trong những phiên đầu năm mới 2013, với trọng tâm dồn vào khá nhiều mã cổ phiếu BĐS, liên quan tới BĐS và tài chính.
Phiên giao dịch ngày 3/1 khép lại với một ấn tượng mà có lẽ lâu lắm rồi giới đầu tư mới có được, giao dịch bùng nổ về thanh khoản. Sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp, áp lực chốt lời đã hiển hiện, lượng cung cổ phiếu tăng vọt nhưng ở đâu đó, lực cầu vẫn khá mạnh, hút cạn dần những cổ phiếu được tung ra bán và mạnh nhất là ở nhóm cổ phiếu BĐS, liên quan BĐS.
Chung cuộc, trên sàn TP.HCM, gần 100 triệu cổ phiếu, trị giá 1.100 tỷ đồng đã được chuyển nhượng (chủ yếu khớp lệnh), còn trên sàn Hà Nội là 131 triệu đơn vị, trị giá gần 850 tỷ đồng - mức cao nhất trong 8 tháng qua.
Các cổ phiếu BĐS hoặc liên quan tới BĐS từng cả năm qua đứng trên bờ vực phá sản hoặc gặp rất nhiều khó khăn như SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội, THV của Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, PFL của Dầu khí Đông Đô... tiếp tục đồng loạt tăng trần.
Đặc biệt, SHN tiếp tục gây bất ngờ cho giới đầu tư với dư mua trần tới 1 triệu đơn vị. Tới hết buổi sáng phiên cuối tuần 4/1, cổ phiếu SHN vẫn được "săn lùng" với hơn 0,9 triệu đơn vị dư mua cho dù đã khớp hơn 600 ngàn đơn vị.
Giá cổ phiếu "bèo" ở mức 1.400 đồng/cp đã khiến SHN được mua vào dữ dội, tất cả hơn 2,3 triệu cổ phiếu đã được mua duy nhất ở mức giá trần trong phiên 3/1, lệnh mua không chất đống nhưng ra bao nhiêu cũng bị vét sạch, kể cả khi thị trường có lúc điều chỉnh khá mạnh.
Nhiều người cho biết đã quay lại sau 6-7 tháng trốn tránh đợt suy giảm kéo dài nửa cuối năm 2012, và không ít trong số họ đang đặt cược vào những cổ phiếu có cơ tăng nóng, tăng bất ngờ, nhất là nhóm doanh nghiệp đang bê bết trong lĩnh BĐS.
Không chỉ SHN, cổ phiếu THV của Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam - một doanh nghiệp có diện tích đất trồng cà phê lớn nhất trên cả nước, cũng đang có một khởi đầu cực kỳ ấn tượng cho một năm mới sau một năm quá bê bết, bi đát 2012.
Sáng 4/1, THV tiếp tục dư mua trần gần 420 ngàn cổ phiếu, sau khi đã khớp được gần 0,74 triệu đơn vị. Cũng như SHN, THV suốt trong năm qua đứng trên bờ vực phá sản do nợ nần quá nhiều, thua lỗ liên tục và thanh khoản tiền mặt cực kém. Tuy nhiên, cho dù đã "trần" ba phiên liên tục nhưng mức giá 1.200 đồng/cp (so với mệnh giá 10.000 đồng/cp) dường như đang được đánh giá là hấp dẫn.
Hàng loạt các cổ phiếu BĐS, liên quan tới BĐS khác cũng đang được mua vào mạnh và đã và đang có nhiều phiên tăng trần như: PFL, MCG, UDC, S96, DCS, ITA...
Trông đợi vào gói giải cứu?
Nhìn vào giao dịch các cổ phiếu BĐS và liên quan tới BĐS gần đây có thể thấy, có một dòng tiền khá lớn đang đang tung vào thị trường. Với hai mã SHN và THV là điển hình, ngay từ đầu phiên 3/1 các lệnh lớn 50-150 ngàn đơn vị mua ở mức giá trần đã được tung vào và đều đặn trong cả phiên giao dịch.
Kinh nghiệm cổ phiếu thị giá thấp, thua cả ly trà đá mà doanh nghiệp hồi phục thì "ăn bằng lần" đã khiến không ít nhà đầu tư đang lao vào tranh chấp "ăn hàng", đánh cược bất chấp rủi ro, nguy hiểm là khá lớn.
Trên thực tế, giới đầu tư đánh bạc không phải không phải có cơ sở khi mà VAMC với vốn 100.000-150.000 tỷ đồng có thể đi vào hoạt động đầu quý II/2013; gói giải cứu BĐS có rất nhiều "hạng mục" trong đó ấn tượng nhất có lẽ là dùng 20-40 ngàn tỷ hỗ trợ lãi suất người mua nhà, cho phép UBND các địa phương mua nhà thương mại; và gần đây nhất là đề xuất "người mua nhà nộp tiền sử dụng đất thay cho chủ đầu tư"...
Từ các cơ sở nói trên, không ít nhà đầu tư dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ thoát khỏi tình trạng khó khăn về thanh khoản; nợ nần sẽ được gia hạn, giảm đi; lãi suất hàng tháng giảm đi; hàng hóa tồn kho BĐS sẽ được giải phóng, dòng tiền sẽ trở lại... Kỳ vọng vào gói giải cứu và những đề xuất đầy ấn tượng xem ra là có lý.
Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại, cổ phiếu ngành BĐS và liên quan còn gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã rơi vào tình trạng suy nhược quá mức, sức đề kháng còn quá thấp và do vậy khả năng phục hồi trở nên khỏe mạnh hoàn toàn dường như là không thể.
Một số chuyên gia gần đây đưa ra nhận định thị trường BĐS cần tới 3-5 năm, thậm chí 10 năm nữa mới có cơ hội phục hồi. Lý giải cho nhận định này, nhiều người cho rằng tình trạng nợ xấu tại Việt Nam nghiêm trọng và để giải quyết tình trạng này, như kinh nghiệm ở nhiều nước, cần phải nhiều thời gian.
Cuộc khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu trên thị trường BĐS đang khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này ôm bom hàng tồn kho và chưa có cách tháo kíp nổ. Các đơn vị này đã và đang tiếp tục "chết" vì trả lãi ngân hàng, vì nợ nần và các loại chi phí khác.
Mặc dù vậy, mức giá chưa bằng ly trà đá và những kỳ vọng cũng như các tin đồn có thể kéo giá các cổ phiếu BĐS đi lên sau nhiều tháng giảm không phanh trong năm 2012 cho dù đã ở mức thấp chưa từng thấy.
Một khi cổ phiếu xuống quá thấp và làn sóng mua bán thâu tóm đang nở rộ như hiện nay thì có lẽ cơ hội vẫn mở ra với các cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất bát. Nhưng tất nhiên, may mắn không đến với tất cả mọi người, doanh nghiệp lỗ có thể lỗ tiếp và nguy cơ rời sàn giống Bibica, Dược Viễn Đông... và nhà đầu tư mất trắng không phải thấp.
(Theo VEF)