SearchNews

Đổ xô đầu tư địa ốc

08/05/2007 14:44

Hàng loạt doanh nghiệp đa ngành đang đổ xô bỏ vốn vào địa ốc và sẵn sàng cạnh tranh với các anh cả đang chi phối thị trường bất động sản.

Hàng loạt doanh nghiệp đa ngành đang đổ xô bỏ vốn vào địa ốc và sẵn sàng cạnh tranh với các anh cả đang chi phối thị trường bất động sản.  

Mới đây Hòa Phát quyết định đầu tư 3 tháp văn phòng tại các tuyến đường đẹp nhất Hà Nội là Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ và khu đô thị Ciputra. Dự kiến với 3 cao ốc mới, hãng sản xuất thép, nội thất và điện lạnh... này sẽ có trong tay hàng chục nghìn mét vuông văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ. Trước đó, Hòa Phát cũng đã đầu tư xây dựng và cho thuê khu công nghiệp Phố Nối quy mô 390 ha tại Hưng Yên.  

Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera cũng đã từ lâu có kế hoạch nhảy vào thị trường địa ốc nhiều tiềm năng. Ngay từ khi nhà đất còn trầm lắng, công ty này đã bỏ vốn xây dựng tháp văn phòng hạng A cao 18 tầng ngay giao điểm của đường Phạm Hùng và Khuất Duy Tiến, khi đó còn nhỏ như một con hẻm và đầy bụi. Hiện Viglacera đã nắm hàng loạt dự án khu dân cư và công nghiệp tại Hà Nội và một vài địa phương lân cận như khu đô thị Đặng Xá 34 ha tại Gia Lâm, khu đô thị Tiên Sơn 24 ha, khu công nghiệp Yên Phong 340 ha tại Bắc Ninh và Hải Yên 192 ha tại Quảng Ninh.  

Tương tự với Nikko, ngay sau khi được một doanh nghiệp trong nước mua lại, bên cạnh mảng đầu tư truyền thống điện tử điện lạnh, công ty này cũng chuyển hướng sang bất động sản. Hiện Nikko đang xây dựng tháp văn phòng tại đường Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội và chuẩn bị khởi công khu đô thị Tứ Hiệp tại phía Nam Hà Nội trong tháng 6 tới.  

Cùng với đó, Hoàng Anh Gia Lai xây dựng Tây Nguyên Plaza tại Cần Thơ, khu căn hộ Trần Xuân Soạn và Lê Văn Lương tại quận 7, TP HCM gồm tổng cộng 9 block với trên 20.000 m2 diện tích sử dụng. Công ty nước giải khát Tribeco thì đầu tư khu căn hộ cao cấp Phú Vinh tại quận 3, TP HCM.  

Dù là "lính mới" trong mảng đầu tư địa ốc, Nikko cũng đã đặt mục tiêu đạt 30% doanh thu của toàn công ty từ nhà đất. Hòa Phát dự kiến doanh thu năm 2007 từ địa ốc chưa đến 10% nhưng cũng đã chuẩn bị phát triển thêm khu đô thị Phố Nối 300 ha tại Hưng Yên trong tương lai gần.  

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, lợi nhuận là yếu tố hàng đầu khiến các công ty hứng thú với thị trường địa ốc. "Đầu tư vào thời điểm thị trường mới manh nha như hiện nay có nhiều rủi ro, nhưng lãi lớn hơn nhiều so với khi đã đi vào quỹ đạo", ông Liêm cho hay.

Cũng theo ông Liêm, đầu tư nhà đất ít khi mang lại nguy cơ thua lỗ cho các doanh nghiệp nhiều vốn. "Thị trường nhà đất có thể có lúc thăng trầm, nhưng về lâu dài không bao giờ mất giá, vì thế chỉ các doanh nghiệp vốn hạn chế mới gặp nhiều rủi ro, còn với những công ty nhiều vốn, đầu tư địa ốc là một việc làm khôn ngoan", ông Liêm cho hay. Cái khó với nhiều doanh nghiệp, là thủ tục đầu tư. Một chủ đầu tư cho hay, "đất dụng võ" trong mảng địa ốc còn rộng chỗ, nhưng nhiều khi các thủ tục còn đáng ngại hơn sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác.  

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một lý do quan trọng khác kéo các đại gia đến với bất động sản là khả năng thu hút vốn và tăng giá trị cổ phiếu. "Trong con mắt của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, địa ốc là nguồn tài sản hữu hình, dễ định giá nên được coi như sự đảm bảo của doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu, huy động vốn từ các cổ đông. Nhìn thấy khối lượng bất động sản các doanh nghiệp đang sở hữu, các cổ đông cũng cảm thấy tin tưởng hơn", bà Lan phân tích.

Phó Tổng giám đốc Savimex Văn Ngọc Nghĩa đánh giá, tiềm năng thu lợi từ bất động sản còn nhiều do nhu cầu nhà đất của người dân sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. "Đầu tư địa ốc cần thời gian và nhiều khả năng rủi ro, nhưng chỉ cần tính toán hiệu quả, cân đối giá đất và các chi phí thì có thể đảm bảo lãi rất khả quan", ông Nghĩa nhận định. Cũng theo vị Phó tổng giám đốc này, "đất" để các doanh nghiệp nhảy vào đầu tư địa ốc còn rộng chỗ, vấn đề chỉ là các doanh nghiệp có tìm được dự án để đầu tư hay không.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, mở rộng sang bất động sản là một bước nhằm đa dạng hóa kinh doanh của các công ty muốn vươn lên tầm tập đoàn. Thị trường địa ốc trước nay chủ yếu do các đại gia xây dựng nắm giữ, các doanh nghiệp đa ngành nghề muốn nhảy vào nhưng chưa tìm được cơ hội và đều "án binh bất động" trong thời kỳ nhà đất trầm lắng, chuẩn bị cho lúc thị trường ấm lên.

Ngay sau khi chuyển sang tay chủ nhân người Việt, Nikko đã định hướng tiến sang bất động sản, nhưng chỉ âm thầm chuẩn bị trong 5 năm, đến gần đây mới khởi động các dự án. Tương tự, ngoài mảng xuất nhập khẩu vốn là thế mạnh từ trước, Savimex cũng đã phát triển địa ốc từ trước năm 2000, nhưng đến nay mới tập trung cho các dự án tại TP HCM như các khu dân cư Phú Mỹ, Bình Hòa, Tân Thới Hiệp, cao ốc Nguyễn Phúc Nguyên. Trong tháng 5 này, Savimex sẽ khởi công chung cư Ngọc Lan tại TP HCM. "Thị trường ấm và mở hơn, các doanh nghiệp đa ngành mới rầm rộ xuất đầu lộ diện trong mảng địa ốc", ông Liêm nhận xét.

Một chủ đầu tư có nghề trong ngành bất động sản nhận xét, thị trường địa ốc vốn rộng lớn, thị trường Việt Nam mới ở giai đoạn phát triển thấp, nhu cầu rất lớn nên rộng chỗ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để đầu tư bất động sản, cần có nguồn vốn lớn và kinh nghiệm nên dù muốn tham gia từ lâu và gần như là tất yếu, các doanh nghiệp này đành "lực bất tòng tâm" và phải đợi đến lúc có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sau khi đã tích lũy vốn, kinh nghiệm và cả uy tín mới có thể chính thức tham gia thị trường.

Ngọc Châu

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu