SearchNews

Doanh nghiệp bất động sản chuyển hướng về tỉnh lẻ

20/12/2010 08:55

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không thể “chen chân” tại Hà Nội, đang tìm kiếm các dự án trên địa bàn các tỉnh lân cận.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không thể “chen chân” tại Hà Nội, đang tìm kiếm các dự án trên địa bàn các tỉnh lân cận.

Nếu như những năm trước, các “đại gia” Thái Bình, Nam Định, Sơn La, Ninh Bình… lần lượt về Hà Nội tìm đất dự án, thì nay, đến lượt các doanh nghiệp bất động sản Hà Nội chuyển hướng về tình lẻ, bởi giá đất ở Hà Nội không còn cơ hội sinh lời.

Một tỷ đồng/m2 đất

Tháng 11/2010, một số hộ dân tại số 22 - 24 phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm đòi doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản tại đây đền bù 1 tỷ đồng/m2, khiến giới đầu tư bất động sản tại Hà Nội không khỏi “xao xuyến”.

Từ lâu, các doanh nghiệp cũng đã quen với việc phải bỏ ra 500 - 700 triệu đồng để đền bù một mét vuông đất trên các mặt phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Hàng Bông…, nhưng con số 1 tỷ đồng/m2 dường như đã trở nên quá sức chịu đựng!

Không chỉ ở loanh quanh khu vực phố cổ, Hồ Gươm, mà ở tận thôn Phú Mỹ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, cách bờ Hồ Gươm non 2 chục cây số, nhiều hộ dân cũng “té nước theo mưa” khi đòi 250 - 300 triệu đồng (hoặc hơn) cho mỗi mét vuông đất. Đất biệt thự, liền kề hai bên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (nay là đường Trần Thái Tông), Khu đô thị mới Cầu Giấy được rao bán với giá từ 200 đến 250 triệu đồng/m2.

Cách thôn Phú Mỹ và Khu đô thị mới Cầu Giấy không xa, đất hai bên đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình, Mễ Trì) do UBND huyện Từ Liêm tổ chức đấu giá trong quý IV/2010 cũng được bán với giá gần 200 triệu đồng/m2.

“Giá bất động sản của Việt Nam xếp thứ 20 thế giới. Rõ ràng, giá bất động sản của Việt Nam đang quá cao so với nền kinh tế và mặt bằng thu nhập của người dân”, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói và cho rằng, hiện giá đất, chi phí về đất chiếm đến 80%, giá quy hoạch, vật liệu, xây dựng chỉ chiếm 20%... Thực chất quản lý giá nhà, giá bất động sản là quản lý giá đất.

Nhà đầu tư “dạt” về tỉnh lẻ

Năm 2003, Tập đoàn Bitexco (Thái Bình) động thổ Dự án The Manor (Hà Nội) khởi đầu cho trào lưu doanh nghiệp các tỉnh đổ về Hà Nội tìm đất thực hiện dự án bất động sản. Sau Bitexco, năm 2006, đến lượt Tập đoàn Nam Cường (Nam Định) cũng tìm về Hà Nội làm dự án đô thị (mở đầu bằng Khu đô thị mới Cổ Nhuế với quy mô 17 ha).

Năm 2007, Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu động thổ Khu đô thị Xa La (Hà Đông). Năm 2008, các Tập đoàn Xuân Thành (Ninh Bình), Thái Sơn (Hà Tĩnh)... cũng lần lượt mở chi nhánh đầu tư, bảo hiểm, môi giới bất động sản và kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hà Nội.

Tuy nhiên, xu hướng các doanh nghiệp kéo về Hà Nội tìm đất dự án bắt đầu chững khi giá đất Thủ đô không ngừng tăng cao. Bắt đầu cho chuỗi tăng giá “phi mã” đất Hà Nội phải kể đến phiên đấu giá căn nhà số 48 - Tràng Thi và mảnh đất số 48 - Hàng Bông do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội) tổ chức ngày 27/5/2008. Tại số 48 - Tràng Thi, mảnh đất có diện tích 150,5 m2 đã được bán với mức giá 135 triệu đồng/m2 và tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá này khoảng 20 tỷ 317,5 triệu đồng.

Ngoài lý do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, thì giá đất cao là nguyên nhân chủ yếu khiến 2 năm qua, số dự án mới được khởi công tại Hà Nội rất ít, dù số dự án đăng ký trong khu vực nội đô là hơn 200 dự án. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không thể “chen chân” tại Hà Nội, phải tìm kiếm các dự án trên địa bàn các tỉnh lân cận.

Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc là địa bàn có nhiều dự án bất động sản của Hà Nội nhắm đến nhiều nhất. Có thể kể đến Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên (60 ha), Khu đô thị mới Xuân Hoà (33,3 ha), Khu đô thị mới Nam Đầm Vạc (39,5 ha), Khu đô thị mới Nam Đầm Cói - TMS (234 ha), Khu biệt thự Hồ Thiên Nga (14,5 ha), Khu dân cư Đồng Rừng - Hội Hợp (5,2 ha), Khu đô thị mới Hùng Vương - TMS (22 ha)… Hầu hết chủ đầu tư các dự án này đều là các doanh nghiệp “xuất thân” từ Hà Nội.

Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… cũng là những địa phương được các doanh nghiệp nhắm đến để chuẩn bị cho cuộc “tháo chạy” khỏi Hà Nội. Ông Nguyễn Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng B.H (xin không nêu tên cụ thể) cho biết, lý do chủ yếu khiến các doanh nghiệp e ngại khi thực hiện dự án bất động sản ở Hà Nội do giá đất quá cao.

Hàng loạt dự án nhà ở dự kiến khởi công trong năm 2010 tiếp tục phải đình hoãn, gia hạn… Nhiều chủ đầu tư đã lên kế hoạch khởi công, nhưng phải rút lại, bởi không đủ tiền giải phóng mặt bằng và đóng tiền sử dụng đất vào phút chót.

(Theo Đầu tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu