Thị trường bất động sản (BĐS) là chỉ dấu quan trọng cho sức khỏe của nền kinh tế. Tương tự sản phẩm BĐS, nhất là hàng hóa tầm trung, vừa là nhu cầu thiết yếu của xã hội, vừa là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước.
Vì thế, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang hy vọng thị trường sẽ khởi động lại sau một thời kỳ im ắng, nhưng khởi động như thế nào còn là câu hỏi lớn liên quan đến những động thái của cơ quan quản lý.
Bởi từ nay đến hết năm, xuất hiện làn sóng đầu tư trên thị trường là hơi khó, đó là chưa kể nhiều NĐT còn e dè, thấp thỏm chờ đợi những quyết định liên quan đến quy hoạch, cho hay dừng hàng loạt dự án BĐS trong năm tới.
Như vậy, đến cuối năm, thị trường sẽ có thể phân chia thành hai dạng sản phẩm: sản phẩm mới của dân đầu tư mua được giá gốc thì dễ tạo nên sóng; và sản phẩm cũ hiện đang được góp vốn thì sẽ là những sản phẩm đi ngang giúp ổn định thị trường.
Trước quan điểm đó, tôi cho rằng, việc can thiệp và thúc đẩy các giải pháp nhằm cải thiện tình hình trước mắt cũng như lâu dài là hết sức bức thiết vì BĐS luôn là kênh đầu tư quan trọng của xã hội và doanh nghiệp, cùng với đầu tư chứng khoán và kinh doanh vàng.
Vì vậy, theo tôi, cần thiết phải hình thành đồng bộ các tổ chức và thực thi hợp lý các giải pháp như:
Thành lập Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà của nhà nước nhằm tham gia điều hành cung - cầu trên thị trường BĐS, tạo điều kiện tài trợ cho người có nhu cầu mua nhà thực sự, cung cấp tính thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ, bảo lãnh cho các chủ đầu tư có thêm điều kiện thuận lợi phát triển thêm nhiều dự án. (
Tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc thành lập Quỹ Tín thác phát triển BĐS: với mục đích khai thông, tận dụng các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở, tạo thanh khoản cho thị trường và hàng hóa.
Hình thành các giải pháp phát hành trái phiếu BĐS bảo lãnh bằng quỹ nhà ở, làm cơ sở cho việc hình thành thị trường cầm cố, cho thuê các căn hộ mà lâu nay chỉ được khách hàng cá nhân thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún và không thể kết nối cung - cầu giữa nhà phát triển và nhà kinh doanh BĐS, vốn khác nhau về mô hình kinh doanh, nguồn lực phát triển dù có chung mục đích là khai thông và phát triển thị trường BĐS.
Đứng về phía NĐT, tôi nghĩ, thời gian tới, các NĐT cần có chiến lược xác định như: phân khúc thị trường đầu tư tùy theo chiến lược ngắn - trung - dài hạn và đòn bẩy tài chính sử dụng; loại hình đầu tư (ở hay thương mại); chiến lược rút lui trong tình huống xấu nhất; cơ cấu danh mục đầu tư phù hợp nhất...
Ths Lê Huỳnh Cương Nghi
Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển căn hộ Nam Long