Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 1.800 cơ sở sản xuất VLXD, chiếm khoảng 16% tổng số các cơ sở sản xuất của toàn ngành công nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, các DN sản xuất VLXD Thái Nguyên đã liên tiếp gặp khó bởi thị trường “nóng, lạnh” thất thường.
Cty CP Gang thép Thái Nguyên là một trong những DN có truyền thống về sản xuất và kinh doanh thép không chỉ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà chiếm lĩnh một thị phần khá lớn thị trường trong nước. Thế nhưng, trước tác động của chính sách thắt chặt tín dụng, sự trầm lắng của thị trường BĐS, việc ngừng hoặc giãn tiến độ thi công của những công trình lớn đã đặt ra không ít thách thức đối với DN này. Nếu như 6 tháng đầu năm Cty CP Gang thép Thái Nguyên tiêu thụ được trên 281 nghìn tấn (bằng 47% kế hoạch năm) thì cả quý III/2011 mức tiêu thụ mới được hơn 100 nghìn tấn.
Tương tự, các DN sản xuất xi măng trên địa bàn Thái Nguyên cũng trong cảnh tăng, giảm thất thường. Ví dụ, Cty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn - đơn vị có công suất lớn nhất cả tỉnh hiện nay (1,5 triệu tấn/năm), những tháng đầu năm cũng đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 3 - 3,5 nghìn tấn/ngày, nhưng trong quý III/2011 chỉ tiêu thụ được khoảng 2 nghìn tấn/ngày trong khi đó sản lượng của Cty xi măng đạt 4 nghìn tấn/ngày... Theo nhận định của Cty thì từ nay đến cuối năm cũng chỉ thực hiện được khoảng 70 - 80% kế hoạch cả năm.
Có nhiều khả quan hơn bởi lượng khách hàng ổn định từ nhiều năm, đến hết tháng 8 Cty CP Xi măng La Hiên đã sản xuất và tiêu thụ được trên 431 nghìn tấn xi măng và clinker, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, trong tháng 9 lượng tiêu thụ xi măng La Hiên cũng đã giảm dù đã bước vào mùa xây dựng chính trong năm.
Lượng tồn kho ở một số nhà máy xi măng của tỉnh tại thời điểm tiêu thụ thấp nhất (khoảng từ tháng 5) cũng hơn mức bình thường. Cty CP Xi măng La Hiên còn tồn kho trên 3 nghìn tấn xi măng các loại, Cty CP xi măng Cao Ngạn cũng tồn kho khoảng 0,7 - 1 nghìn tấn…
Theo chủ DN tư nhân Hoa Xuân, P.Phú Xá (TP Thái Nguyên), đơn vị chuyên kinh doanh các sản phẩm xi măng trên địa bàn thì sản lượng cung cấp xi măng đến thời điểm này của đơn vị chỉ đạt khoảng 30 nghìn tấn, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các nguyên nhân như chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, mặt bằng lãi suất ngân hàng tăng khá cao thì nguyên nhân từ đầu năm đến nay, các sản phẩm xi măng nói chung và xi măng Thái Nguyên nói riêng đã trải qua 3 lần tăng giá cũng đã tác động không nhỏ tới tiêu thụ. Hiện nay, giá xi măng các loại đang dao động từ 1,1 - 1,4 triệu đ/tấn, tăng hơn 270 nghìn đ/tấn so với trước khi điều chỉnh.
Theo lãnh đạo Cty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn, hiện nay Cty đang xuất ra thị trường với giá 1,17 triệu đ/tấn. Các đơn vị khác như: Cty CP Xi măng La Hiên, Xi măng Quan Triều, Xi măng Cao Ngạn, Xi măng Lưu Xá, giá bán ra cũng ở mức tương tự, độ chênh lệch không đáng kể.
Theo TCty Công nghiệp Xi Măng Việt Nam (VICEM), nhiều khả năng tới đây giá xi măng sẽ điều chỉnh lần 4, tăng thêm khoảng 120 nghìn đ/tấn. Trong bối cảnh chung ấy, các DN sản xuất xi măng tại Thái Nguyên cũng sẽ phải tăng giá để đảm bảo chi phí đầu vào. Và, như vậy việc xi măng tăng giá mà lượng tiêu thụ sụt giảm thì các nhà máy sản xuất xi măng nói riêng, các DN sản xuất VLXD tại Thái Nguyên nói chung sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi.
(Theo Xây Dựng)