FDI vào bất động sản năm 2011 đạt mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến 15/12/2011, vốn đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, bằng 74% so với năm 2010. Riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, bằng 65% năm 2010 nhưng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Vốn đăng ký năm 2011 tập trung 76,4% vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này năm 2010 (54,1%).
Đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2011 chỉ chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký, trong khi năm 2010 lĩnh vực này chiếm 34,3% tổng vốn đăng ký.
Xu hướng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án quy mô lớn và rất lớn với quy mô vốn đăng ký hàng tỷ USD, nhất là các dự án bất động sản, đã giảm hẳn.
Nếu như năm 2008, năm thu hút FDI đạt mức 71,7 tỷ USD, cao nhất trong 25 năm thực hiện thu hút FDI có đến 11 dự án có quy mô vốn đăng ký từ 1 tỷ USD trở lên với tổng vốn đăng ký của các dự án này là 45,7 tỷ USD (chiếm tới 64% tổng vốn đăng ký năm 2008) thì năm 2011, chỉ có 2 dự án có mức vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.
Cục đầu tư nước ngoài nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, mặc dù thu hút đầu tư năm 2011 của Việt Nam không đạt được mục tiêu đã đề ra, và chỉ bằng 74% so với năm 2010, nhưng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai.
Theo CBRE Việt Nam, nguyên nhân FDI giảm mạnh do nền kinh tế Mỹ vẫn còn chịu ảnh hương của suy thoái, khu vực kinh tế Châu Âu đang bất ổn với tình trạng nợ công, còn khu vực châu Á lại đối mặt với nhiều vấn đề thiên tai lũ lụt,... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Malaysia hay Singapore vẫn coi Việt Nam là khu vực hấp dẫn đầu tư bất động sản.
DK