SearchNews

Giá vật liệu xây dựng tăng, "khổ chủ" méo mặt

01/03/2011 14:13

"Sắt có chưa anh ơi? Sao vẫn chưa có? Đã quá hợp đồng cả tuần rồi? Giá đang cao thế này mà anh còn găm hàng thì chết tụi em à?" - Nghe quen quen. Không ít nhà thầu kêu như vậy trong tuần qua.

"Sắt có chưa anh ơi? Sao vẫn chưa có? Đã quá hợp đồng cả tuần rồi? Giá đang cao thế này mà anh còn găm hàng thì chết tụi em à?" - Nghe quen quen. Không ít nhà thầu kêu như vậy trong tuần qua.

Chủ đầu tư, nhà thầu cùng... tái mặt

Cuối năm 2010, bà Dương Thị Thùy Trang, kế toán tổng hợp Công ty Xây dựng Bách Khoa (Đồng Nai) có ký hợp đồng xây dựng một căn nhà một trệt, một lầu, diện tích 60m2 , dự kiến cuối quý I năm nay sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 2/2011 đến nay, giá xi măng tăng hơn tháng trước đó là 6%. Sắt thép vừa lên thêm 10% - 15%. Thép pi 10, pi 25 của Tập đoàn Thép Hòa Phát cuối năm 2010 là 100.000 đồng/cây và 693.000 đồng/cây, nay đã lên 112.000 đồng/cây và 784.000 đồng/cây, thép Việt-Úc pi25 cũng lên giá 780.000 đồng/cây. Gạch xây đặc và gạch 2 lỗ loại A có giá 1.250 đồng/viên, cát đen có giá 95.000 đồng/m3, cát vàng là 200.000 đồng/m3.

“Với đơn giá như trên, chi phí sửa chữa căn nhà này đã đội lên ít nhất gần 20 triệu đồng. Tháng 3 điện tăng và chi phí vận tải cũng tăng thêm 15%, chắc chắn nếu không được gia chủ chấp nhận điều chỉnh hợp đồng, chúng tôi sẽ phải ngừng thi công!”, bà Trang nhẩm tính.

Tại Đà Nẵng, giá thép tăng giá đến 4 - 5 lần chỉ trong vòng hơn một tháng. Một tấn thép đầu tháng 1/2011 có giá 14,8 triệu đồng/1 tấn, đến giữa tháng 1 tăng lên hơn 15 triệu đồng, và đến đầu tháng 2 là 16 triệu đồng/tấn. Theo đại diện nhà thầu xây dựng Cty CP Vinaconex 25, xi măng tăng giá 60 - 70.000 đồng/1 tấn (hiện có giá hơn 1,1 triệu đồng/1 tấn), cát và gạch cũng tăng giá 20 - 30%.

Đáng nói, các đơn vị cung ứng chỉ chốt giá thép theo ngày. Muốn mua, các chủ thầu phải lấy phiếu đặt hàng rồi họ sẽ tính giá tại thời điểm xuất kho.

Ông Phạm Văn Đức (46 tuổi, trú đường Ngô Quyền - Đà Nẵng) đang mất ăn mất ngủ vì những khoản chi phí phát sinh từ giá VLXD, ông nói: "Lúc xây nhà giá VLXD vẫn còn thấp, ai ngờ mới bắt tay vào làm, giá cả các loại cứ tăng vùn vụt. Cứ đà này, nhà hai mê (tầng), nhưng tính ra phải bù trượt giá lên đến hơn 100 triệu đồng”.

Còn tại căn nhà đang xây dở dang của ông Nguyễn Phú Minh trên đường Núi Thành (Đà Nẵng), “khổ chủ” cũng đang phải "tái mặt" thi công cầm chừng trước diễn biến giá cả VLXD. 

“Tôi phải xin cắt giảm lao động để lấy tiền bù vào mức chênh lệch của vật liệu. Muốn làm nhanh cũng khó vì số tiền đã dôi ra quá nhiều. Chỉ tính riêng giá cát, gạch cũng đang tăng từng ngày”, ông Minh nói.

Không bán sắt vì kiêng "tháng giêng xây nhà"?

"Kẹt quá, sếp ơi, đại lý người ta không chịu giao hàng. Công nhân thì đang đánh bài vì không có sắt. Cát, gạch, xi măng cũng sắp hết rồi".

Ngày nào anh Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội cũng nhận được những cuộc điện thoại như vậy từ các công trường về.

Trước Tết, dự đoán được giá VLXD sẽ tăng cao ngay từ tháng giêng, anh Minh đã đặt trước khá nhiều hàng với các đại lý. Tuy nhiên, ra Tết, khi đến kỳ hạn lấy hàng thì nhiều chủ đại lý lại từ chối vì "tháng giêng kiêng xây nhà", nên các chủ hàng cũng đóng cửa nghỉ đi "lễ chùa".

"Theo hợp đồng, tháng 2 này, tôi sẽ lấy hơn 200 tấn thép về, nhưng giờ thì chịu. Cứ đà này, chắc tôi cũng phải cho công nhân nghỉ để đi "lễ chùa", chờ có nguyên vật liệu", anh Minh dự tính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hùng, chủ đại lý thép trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM thì lý giải, trước Tết Tân Mão, nhiều chủ thầu xây dựng “mối ruột” đặt cọc mua và gửi lại kho đại lý, chờ ra giêng lấy hàng. 

Nay thì giá cả lên nhanh theo tỷ giá và giá nhiên liệu, coi như những lô hàng gửi nhờ kho, chưa xuất hóa đơn bán hàng, phía đại lý chịu thiệt vì cùng mã hàng và ngày xuất hóa đơn lại có giá khác nhau (người mua mới và người đặt cọc gửi nhờ kho). Thuế thì tính trên căn cứ hóa đơn thực xuất, nên trên thực tế phía bán hàng bị lãi ảo từ những lô hàng dằn cọc trước đó.

“Cuối năm ngoái đúng là chúng tôi có dằn cọc tiền cho gần nửa triệu tấn sắt. Nay giá lên cao quá, giữ được chữ "tín" với khách hàng thì mình phá sản", ông Hùng phân bua.

Giá sẽ còn tăng?

Tuy nhiên, lý do thực sự khiến các đại lý "đóng cửa", theo nhiều chủ đầu tư là vì họ muốn găm hàng, chờ sang tháng 3, khi giá các yếu tố cơ bản như điện, xăng được điều chỉnh, sẽ mượn cớ ép các nhà thầu phải mua với giá cao hơn nữa.

Anh Trọng, một chủ thầu công trình xây dựng trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) kể, cách đây 2 hôm, vì "bí" thép quá, anh có tìm đến một mối thân quen, là chỗ anh em "cọc chèo" với nhau. Mặc dù chấp nhận lỗ, mua với giá hiện tại nhưng anh vẫn nhận được một lời từ chối: "1 tuần nữa chú quay lại đây, bao nhiêu anh cũng bán".

"Giá sẽ còn tăng", nhiều chủ đại lý vật liệu xây dựng tuyên bố chắc nịch như vậy. Thông qua tiếp thị, phía cung cấp hàng cho đại lý cho biết ngoài chuyện giá thép tăng do chịu tác động của giá thép thế giới liên tục tăng và sự điều chỉnh tỷ giá, thì một số ngân hàng hạn chế bán ngoại tệ cho doanh nghiệp theo tỷ giá công bố là một rào cản mà doanh nghiệp không thể vượt qua.  

Hệ lụy là để có ngoại tệ thanh toán các hợp đồng nhập khẩu, không ít doanh nghiệp phải mua USD trên thị trường tự do với giá cao hơn, dẫn đến giá nhập khẩu phôi thép, thép phế bán thành phẩm tăng cao.

Không chỉ chuyện ngoại tệ. Giá điện trong cơ cấu giá thành sản xuất thép chiếm khoảng 10%. Giá điện tăng sẽ khiến giá thành thép tăng thêm khoảng 3-4%. Nhiều đại lý kinh doanh thép dự báo trong tháng 3, giá thép sẽ tăng thêm hàng trăm nghìn đồng/tấn.

(Theo Bee)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu