SearchNews

Giới đầu cơ BĐS tại Sóc Sơn đua nhau tháo chạy

09/05/2011 14:33

Cơn sốt đất ở Sóc Sơn chỉ diễn ra một thời gian ngắn thì nguội dần. Và, cho đến thời điểm hiện tại, giới đầu cơ đang đua nhau bán đất để tháo chạy khỏi khu vực này.

Cơn sốt đất ở Sóc Sơn chỉ diễn ra một thời gian ngắn thì nguội dần. Và, cho đến thời điểm hiện tại, giới đầu cơ đang đua nhau bán đất để tháo chạy khỏi khu vực này.

Sóc Sơn – “bản sao” cơn sốt đất Ba Vì
 
Chị Nguyễn Thị Thanh, một nhà đầu cơ BĐS nhỏ lẻ tại quận Cầu Giấy cho biết: Khi giá nhà đất tại Sóc Sơn có dấu hiệu tăng, chị “đánh liều” chung tiền với một người bạn mua một mảnh đất thổ cư ở xã Phú Cường, rộng 400m2, với giá 3 triệu đồng/m2. Sau một thời gian ngắn, đất Sóc Sơn bỗng lên cao, dựa cơ chị bán thẳng cho một chủ đầu tư khác với giá 7 triệu đồng/m2.
 
Chị Thanh cho biết, nếu xác định đầu tư đất Sóc Sơn, một là ăn non hẳn, mua rồi được giá bán trao tay ngay hoặc phải có nhiều vốn đầu tư dài hạn mới có lãi, chứ ngắn hạn sẽ rất nguy hiểm vì khả năng thanh khoản kém; chẳng biết bao giờ cơ sở hạ tầng mới phát triển. Chị nhẩm tính, nếu mảnh đất 400 m2 chị ôm đến bây giờ, muốn bán, chị đã lỗ ít nhất một nửa mà có khi còn chẳng ai mua.


 
Ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ một văn phòng nhà đất tại xã Hiền Ninh, Sóc Sơn cho biết: mấy tháng trước còn thấy người về hỏi mua đất, nhưng hơn tháng trở lại đây, không thấy ai lên hỏi mua nữa. Các trung tâm môi giới thi nhau chào bán, nhưng người nào nhiệt tình lắm họ trả giá bâng quơ 2 triệu/m2, hẹn hôm sau trở lại nhưng cũng "biệt vô âm tín"...
 
Ông Thuấn cho biết thêm: cách đây gần 1 tháng, cũng có một số người về hỏi mua đất thô cư sổ đỏ. Lác đác một vài người có ý định mua đất nông nghiệp diện tích lớn nhưng, ngay sau đó họ tung hàng bán trao tay ngay để thu hồi vốn chứ không… "ngâm" lâu. Nhưng cho đến thời điểm này, chính những người có máu mua bán kiểu "ăn sổi" như thế cũng không xuất hiện trên thị trường giao dịch này nữa. Họ đã chuyển đi nơi khác đầu tư sau khi kiếm bộn tiền từ việc tung hàng bán giá cao.
 
Trong khi đó, rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường muộn lại đang muốn bán tháo sản phẩm để chuyển sang đầu tư tại khu vực khác khiến thị trường BĐS tại Sóc Sơn hiện càng thêm ảm đạm.
 
Thông tin từ nhiều trung tâm môi giới BĐS tại đây cho biết, hiện tại nhiều nhà đầu tư BĐS đang rất giảm giá và rất muốn bán nhưng không bán được hàng. Đại diện một văn phòng nhà đất tại Sóc Sơn cho biết, hiện hầu như không có nhà đầu tư mới tìm đến Sóc Sơn khiến giao dịch BĐS trầm lắng.
 
Qua cơn sốt BĐS ngắn hạn tại Sóc Sơn cho thấy, rõ ràng trong bối cảnh đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao, nhiều người muốn mua đất để giữ tiền. Thế nhưng, bài học từ cơn sốt đất Ba Vì vừa qua vẫn chưa đủ thức tỉnh nhiều nhà đầu tư BĐS vấn chỉ đầu tư theo đám đông.
 
Đông Anh lại sốt!
 
Trái ngược với thị trường nhà đất Sóc Sơn, tại thị trường BĐS Đông Anh, giao dịch BĐS lại rất sôi động. Đặc biệt ở những dự án trọng điểm của huyện đang thi công như cầu Nhật Tân. Tại thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, một "cò đất làng" tên Khu dẫn chúng tôi đi tham khảo một số mảnh mà theo anh ta là ngon ăn. Nhưng để tới được vị trí khu đất, chúng tôi phải đi qua mấy ngõ ngoằn ngèo. Chỉ tay ra mảnh vườn có ngôi nhà cấp 4 lụp sụp, “cò” BĐS này cho biết: mảnh này hôm trước có người trả giá hơn 80 triệu đồng/m2. Nếu “kết” thì chúng tôi cần quyết nhanh, chứ chần chừ, người khác nẫng tay trên ngay.
 
Từ khi có thông tin xây cầu Nhật Tân, giá đất tại khu vực liên tục tăng, khiến người dân kỳ vọng khi cây cầu hoàn thiện, giá đất còn tăng hơn nữa.
 
Tại xã Hải Bối, đất sâu trong làng hiện cũng lên tới 60 triệu/m2 trong. Không chỉ đất ở gần cầu Nhật Tân tăng giá mà đất ở gần những dự án khu đô thị, trung tâm thương mại tại thị trấn cũng dần "bốc hoả". Đất tại xã Bắc Hồng, Đông Anh hiện giờ cũng có giá trung bình 25-30 triệu đồng/m2, trong khi đất mặt đường rộng gần chợ giá cao hơn, khoảng 40-50 triệu/m2.
 
Chị Nguyễn Kim Anh sàn BĐS Virex cho biết giá đất tại đây đang tăng một cách bất thường, thậm chí là quá nóng, trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn rất ngổn ngang.
 
Cụ thể, cầu Nhật Tân ít nhất ba năm nữa mới có thể hợp long, các gói thầu tiếp theo chưa tìm được chủ đầu tư trong khi hạ tầng xã hội tại các làng xã xung quanh vẫn chưa phát triển.
 
Theo chị Oanh, việc giá nhà đất tại Đông Anh tăng vẫn là thủ thuật "kích" giá của những môi giới và "cò đất". Bởi nhiều “cò” vẫn dùng chiêu giả vờ mua – bán để tạo sốt nóng và làm nhiễu thị trường. Trong khi dân cư trong xã, những người có nhu cầu bán đất rất ít.
 
Nhìn lại thị trường BĐS hai huyện phía Bắc Hà Nội vừa qua vấn đề giá đất tăng cao đúng là có tin đồn quy hoạch tác động. Việc thông tin quy hoạch không rõ ràng khiến thị trường địa ốc có những cơn sốt cục bộ. Tình trạng sốt nóng tại thị trường BĐS Sóc Sơn thời gian qua chính là một ví dụ điển hình.
 
Rõ ràng, sự thiếu ổn định, chưa khoa học trong quy hoạch đã dẫn tới những bất cập. Đó là chưa kể tới quy trình công bố quy hoạch mập mờ khiến người dân rất khó tiếp cận, dẫn tới việc mua bán tù mù, chạy theo tin đồn và là kẽ hở cho giới đầu cơ thao túng.

(Theo PNĐS)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu