Thị trường bất động sản Hải Phòng điều chỉnh phù hợp quy luật cung-cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng đã có cuộc trao đổi về thị trường bất động sản tại đây.
-Đang có nhiều thông tin đáng lo ngại về thị trường bất động sản cả nước hiện nay, ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Có thể nói đây là thời kỳ có nhiều thách thức đối với thị trường bất động sản do tác động của những chính sách và các yếu tố khách quan. Cụ thể, các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát đòi hỏi thắt chặt tín dụng, dẫn đến những dự án đang đầu tư sử dụng nguồn vốn tín dụng sẽ khó khăn và sự đình trệ trong quá trình triển khai các dự án này là rõ.
Trong hệ thống các giải pháp có chính sách về lãi suất, lãi suất có kiểm soát, để bảo đảm dòng chảy của đồng tiền trong xã hội, nhưng giai đoạn này những giải pháp này không hiệu quả như những giai đoạn trước, vì lãi suất ngân hàng đang trong chiều hướng giao cho các ngân hàng tự cân đối và hiện tăng cao. Trong lĩnh vực bất động sản, với lãi suất ngân hàng hiện nay buộc các dự án phải điều chỉnh, trước hết là xây dựng đầu vào phù hợp với lãi suất; một số dự án phải thoái vốn, đẩy mạnh bán ra để thu hồi vốn trả lãi vay. Vì vậy, thị trường bất động sản, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, có mức giá giảm mạnh vì nhu cầu thu hồi vốn để trả ngân hàng.
-Theo ông tình trạng này có diễn ra đối với thị trường bất động sản Hải Phòng ?
Thị trường bất động sản Hải Phòng cũng không nằm ngoài quy luật chung và đang thể hiện ở một số yếu tố. Trước hết là kết quả mua bán trên thị trường giảm mạnh. Khảo sát tại các sàn giao dịch, lượng giao dịch giảm 70-80% so với cùng kỳ, đó thực sự là tín hiệu đáng lo ngại. Nguyên nhân cơ bản không phải do nhu cầu xã hội giảm mà do tác động của đồng tiền, người mua đang cân nhắc, nguồn vốn đầu tư vào bất động sản đem lại hiệu quả ít hơn là gửi ngân hàng hưởng lãi suất.
Vì vậy, họ sẵn sàng xếp lại nhu cầu mua bất động sản mà chuyển sang khai thác lợi nhuận từ lãi suất ngân hàng, dẫn đến giao dịch chậm trễ. Mặt khác, đây là thời điểm giữa năm, thường là thời kỳ chuyển giao thị trường, các nhà đầu tư thường có tâm lý quan sát, nghe ngóng, chuẩn bị cho cuối năm, đặc biệt với những người chuẩn bị đầu tư, thường không chọn thời điểm này.
Do biến động giá cả thị trường, lãi suất ngân hàng tăng cao nên chi phí phát sinh đầu vào các dự án đều tăng. Đây là trạng thái bất lợi cho nhà đầu tư, vì vậy, xuất hiện 2 xu hướng: đối với các dự án sắp hoàn thành, các nhà đầu tư sẽ tập trung vốn để hoàn thành, nhanh chóng đưa ra thị trường; những dự án mới triển khai, khả năng thực hiện tiếp khó, nên nhà đầu tư phải xác định lại lộ trình, có dự án phải dừng, có khả năng thiếu nguồn cung trong thời gian tới.
Tiếp đó, do tác động của các giải pháp kiềm chế lạm phát, thị trường và nhu cầu xuất hiện sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, hướng tới gia tăng các sản phẩm có giá trị trung bình và thấp, nhằm thích ứng yêu cầu thị trường. Đây cũng là yếu tố tích cực, khả năng cân đối cung cầu cao hơn, mang tính xã hội cao hơn.
-Vậy ông có khuyến cáo gì với nhà đầu tư ?
Quá trình phát triển thị trường bất động sản đang có sự điều chỉnh phù hợp hơn với quy luật cung-cầu, điều này thể hiện rõ ở thị trường Hải Phòng. Đối với người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn vì quá trình điều chỉnh đó sẽ hướng tới nhu cầu đại chúng của xã hội, với nhiều mô hình nhà ở phù hợp.
Các nhà đầu tư cần tích cực và chủ động trong cơ cấu sản phẩm, cùng với lợi ích của doanh nghiệp cần chia sẻ trách nhiệm đối với xã hội. Sự điều chỉnh đó không chỉ phục vụ nhu cầu xã hội mà còn tạo cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi các nhà môi giới kết nối giữa người tiêu dùng-nhà đầu tư, đưa đến nhiều thông tin cho người tiêu dùng để có sự lựa chọn tốt nhất.
-Xin cảm ơn ông !