SearchNews

Khu đô thị mới “treo” sổ đỏ

28/12/2011 09:17

Mặc dù đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng số dự án cấp sổ đỏ cho người dân chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mặc dù đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng số dự án cấp sổ đỏ cho người dân chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho người mua nhà tại các dự án rất thấp, chỉ đạt 19,3%, trong đó Hà Nội chỉ đạt 9,3%, TPHCM đạt 30%.

Từ năm 2011 tới nay, tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM có 952 dự án phát triển nhà ở, tổng số căn hộ chung cư và nhà liên kế theo dự án đã được duyệt khoảng 330.000 căn.

Trong 19 dự án kiểm tra, tổng số 9.151 căn hộ theo thiết kế được phê duyệt, chủ đầu tư đã bán và giao cho người mua nhà 8.660 căn. Nhưng chủ dự án mới nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho 2.850 căn hộ, chiếm 32,9%; mới cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà 2.052 căn.

Số đông vẫn phải sống không chủ quyền trong khu đô thị mới.

Trong số 9 dự án tại Hà Nội được kiểm tra, chủ đầu tư đã bàn giao được giấy tờ cho 557 căn hộ (chiếm 26,4% số căn hộ đã bán) và nộp hồ sơ cho 710 trường hợp (chiếm 23,7%). Tại TP HCM, kiểm tra 10 dự án, chủ dự án mới nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho 2.140 căn hộ (chiếm 37,8% số căn hộ đã bán) và mới cấp cho 1.495 trường hợp.

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, nguyên nhân cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà chậm do chủ đầu tư, cơ quan nhà nước và cả chính những người mua nhà.

Nhiều chủ đầu tư vi phạm pháp luật về xây dựng với nhiều hình thức khác nhau như xây dựng không đúng số tầng, số căn hộ theo phê duyệt, phân chia diện tích lô không đúng quy hoạch hoặc xây nhà vượt diện tích so với giấy phép xây dựng,…Ngoài ra một số dự án nhà ở thấp tầng không xây dựng nhà để bán mà vẫn phân lô bán nền dẫn tới tình trạng bỏ hoang nhiều năm.

Chủ đầu tư chưa làm xong thủ thục pháp lý về đất đai nhà ở nhưng đã xây dựng và bán xong nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Đối với các dự án tại Hà Nội, còn một số trường hợp công ty mẹ được giao đất, nhưng việc xây dựng và ký hợp đồng bán nhà thì lại do công ty con thực hiện.

Chủ đầu tư được giao đất xây dựng nhà chung cư và được miễn phí sử dụng đất nhưng khi chủ đầu tư bán căn hộ vẫn thu cả giá trị tiền sử dụng đất mà không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, cụ thể như dự án Ciputra.

Chủ đầu tư bán một số diện tích đất trong dự án được giao cho một cơ quan, đơn vị của Nhà nước để chia cho các hộ xây dựng nhà ở nhưng không có hợp đồng chuyển nhượng nhà đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Chủ đầu tư đã xây dựng và bán xong nhà nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì chủ đầu tư giải thể như dự án khu đô thị mới Định Công – Đại Kim của Công ty giấy ảnh Bình Minh. Hay, tại dự án The Manor của Bitexco, chủ đầu tư đã thu phí cấp giấy chứng nhận bằng 0,5% giá trị hợp đồng.

Đánh giá của Bộ TNMT, tiến độ cấp giấy chứng nhận còn quá chậm, kết quả cấp giấy chứng nhận đạt thấp, thời gian thực hiện thủ tục thường vượt quá quy định, chủ yếu do tình trạng vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý xây dựng trong quá trình thực hiện dự án.

Việc quản lý giám sát của các cơ quan chức năng đối với quá trình thực hiện dự án chưa chặt chẽ. Việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật xây dựng còn chậm.

Tình trạng mua đi bán lại nhà ở các dự án rất lớn nhưng không làm theo thủ tục quy định tạo nên thị trường ngầm ngoài kiểm soát của nhà nước, gây khó khăn phức tạp cho việc cấp Giấy chứng nhận và nguy cơ tiềm ẩn gây tranh chấp nhà ở sau này.

DK

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu