SearchNews

“Lấp biển” làm dự án

05/12/2010 09:17

Sau khi xây dựng những dự án nghỉ dưỡng dọc bờ biển, một số doanh nghiệp đang tính cả chuyện “lấp biển”.

Sau khi xây dựng những dự án nghỉ dưỡng dọc bờ biển, một số doanh nghiệp đang tính cả chuyện “lấp biển”.

Các dự án bất động sản đảo nhân tạo và công trình lấn biển đã được một số quốc gia trên thế giới thực hiện thành công như Dubai, Singapore, Trung Quốc và đã tạo được những điểm nhấn du lịch. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn thử sức với loại hình bất động sản này.

Tạo sự khác biệt

Giữa tháng 10.2010, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Công ty Cổ Phần Đầu tư và Dịch vụ HBC đã tổ chức hội thảo đánh giá tính khả thi của ý tưởng xây dựng Đảo nhân tạo Mũi Tấn. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 130 triệu USD, trong đó bao gồm xây dựng một ốc đảo ngoài biển có tổng diện tích 12 ha, với đầy đủ các dịch vụ đạt chất lượng quốc tế.

Đồng thời, Dự án cũng sử dụng quỹ đất liền bờ làm khu vực hậu cần bao gồm bãi đỗ xe, nơi tiếp đón và các dịch vụ hỗ trợ khác. Ngoài ra, còn có một bến thuyền hiện đại đưa đón du khách tham quan các điểm du lịch biển lân cận như Khu Du lịch Hải Giang, Life Resort… Nếu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định thông qua, đây sẽ là dự án đảo nhân tạo thứ 2 ở Việt Nam.

Trước đó, đầu tháng 8.2010, Tập đoàn Daso (TP.HCM) đã khởi công tổ hợp resort cao cấp Đảo nhân tạo Hoa Phượng tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Đảo Hoa Phượng có diện tích gần 60 ha, được quy hoạch và đầu tư thành một khu resort cao cấp với khách sạn 5 sao, khu mua sắm, phố ẩm thực, công viên nước trong nhà, rạp chiếu phim và hơn 200 căn biệt thự cao cấp. Dự án này cách bờ biển khoảng 200 m, được chủ đầu tư tiến hành san lấp từ năm 2002.

Không chỉ đảo nhân tạo, một số chủ đầu tư cũng đang thực hiện các dự án lấn biển. Tiêu biểu là Khu Đô thị Du lịch biển Saigon Sunbay của Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC). Saigon Sunbay nằm cách trung tâm TP.HCM 50 km về phía Đông Nam, có diện tích lên đến 600 ha và được bao quanh bởi hệ thống rừng ngập mặn.

Saigon Sunbay được khởi công từ năm 2007, nhưng đã phải tạm hoãn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo chủ đầu tư, dự án này dự kiến sẽ được khởi động lại vào quý I/2011. Trước đó, một số dự án bất động sản lấn biển cũng đã được triển khai tại Đà Nẵng và Kiên Giang.

Các chủ đầu tư cho biết, ngoài yếu tố kinh doanh, việc triển khai các dự án đảo nhân tạo, lấn biển là vì họ muốn tạo nên nét đặc trưng riêng cho khu vực nơi có dự án. “Nếu được thông qua, dự án Đảo Mũi Tấn không những tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước, mà còn khai thác tốt tiềm năng du lịch của Khu tượng đài Trần Hưng Đạo tại bán đảo Phương Mai và kết nối với Khu Du lịch Hải Giang thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội”, bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty HBC, nói.

Đối với dự án Đảo Hoa Phượng, ông Nguyễn Quốc Huy, phụ trách Dự án, cho rằng, ở phía Bắc, tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng là rất lớn, đặc biệt ở Hải Phòng. Tuy nhiên, khu vực này chưa có một dự án nào được xem là tiêu biểu cho thành phố cảng. Đó là lý do vì sao Dự án được thiết kế theo hình hoa phượng, loài hoa biểu tượng của thành phố này.

Về lý do chọn dự án lấn biển ở Cần Giờ, ông Nguyễn Đình Thái, Tổng Giám đốc CTC, cho biết, huyện Cần Giờ hội tụ những điều kiện rất lý tưởng để phát triển đô thị du lịch sinh thái. Đó là lợi thế biển cùng với hệ thống rừng ngập mặn đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Không dễ làm

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được tung ra thị trường, việc các chủ đầu tư muốn tạo ra sự khác biệt độc đáo cho dự án của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án này không dễ.

Thực tế cho thấy, đã có một chủ đầu tư tuyên bố rút lui khỏi một dự án đảo nhân tạo ở Kiên Giang vì tính khả thi thấp. Theo ông Huy, khó khăn lớn nhất của các dự án đảo nhân tạo tại Việt Nam là tìm đất để san lấp. Chẳng hạn, để san lấp 60 ha diện tích của dự án Đảo Hoa Phượng, Công ty đã mất gần 7 năm với hơn 4 triệu m3 cát.

Trong khi đó, đối với Saigon Sunbay, theo ông Thái, việc đưa vào khai thác bãi biển Cần Giờ là một vấn đề nan giải do nước biển tại đây không được trong xanh. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao để việc xây dựng không tác động xấu đến môi trường sinh thái xung quanh, đặc biệt là không ảnh hưởng đến hơn 30.000 ha diện tích rừng ngập mặn.

“Đối với những dự án lấn biển như Saigon Sunbay phải trải qua các đánh giá cấp quốc gia của các nhà khoa học đầu ngành về tác động đối với môi trường. Để Dự án được triển khai, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được Viện Môi trường và Tài nguyên phê duyệt”, ông Thái nói.

Căn cứ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, khi triển khai dự án Saigon Sunbay, sẽ có một số vấn đề phát sinh như xảy ra bùn lắng khi thi công. Theo chủ đầu tư, giải pháp cho tình trạng này là thực hiện hệ thống đê tạm nhằm tránh bùn lắng lan sang khu vực lân cận. Đây là kỹ thuật cũng từng được các nhà xây dựng áp dụng thành công ở những dự án đảo nhân tạo tại Dubai.

(Theo NCĐT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu