Kinh doanh trong điều kiện kinh tế thuận lợi cũng đã đủ khiến các doanh nhân nhiều khi bị stress, căng thẳng. Kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay khiến nhiều doanh nhân bị trầm cảm nặng nề.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) thì trong điều kiện bình thường như những năm trước đây, tỉ lệ số người bị trầm cảm, rối loạn tâm thần chiếm khoảng 1% dân số.
Nhưng thời gian gần đây, bác sỹ Dũng cho biết mật độ bệnh nhân trầm cảm xuất hiện và nhập viện dày hơn, trong đó đáng chú ý là đối tượng làm ăn kinh doanh lớn có sự gia tăng đáng kể.
Nguyên nhân chủ yếu khiến họ lâm vào tình trạng này là do quá bế tắc trong công việc. Có lẽ chưa khi nào tình trạng nợ lương, khát vốn, tài sản bốc hơi, đáo hạn ngân hàng lại đang khiến doanh nghiệp, doanh nhân “quằn quại” như ở thời điểm này, đặc biệt là các doanh nhân làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, xây dựng.
“Chết” trên đống tài sản, mỗi ngày trả lãi cả tỷ đồng
Một trong những doanh nhân ở Hà Nội bị stress nặng nề, phải cần đến sự chăm sóc riêng của bác sỹ tâm thần tại
Doanh nhân Việt Nam stress thứ 3 thế giới
Tháng 3/20120, công ty Nghiên cứu và Kiểm toán Grant Thornton đã đưa ra một nghiên cứu, kết quả cho thấy trong năm 2009 doanh nhân Việt Nam đứng thứ ba trong bảng xếp hàng stress toàn thế giới, chỉ sau đồng nghiệp Trung Quốc và Mexico.
Các nguyên nhân gây stress đối với các doanh nhân gồm: Mức độ cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp với nhau; Giá xăng dầu và điện tăng; Thiếu vốn kinh doanh so lãi suất ngân hàng cao; Thiếu thời gian nghỉ ngơi; Mối quan hệ gia đình bị ảnh hưởng vì họ không có thời gian đầu tư cho mái ấm riêng; Sức khỏe suy giảm; Ô nhiễm môi trường và kẹt xe.
nhà là một doanh nhân kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Vị doanh nhân này có nhiều cao ốc đang xây dựng dở dang, nhiều chung cư đã hoàn thành nhưng đống tài sản đó hoàn toàn “đắp chiếu” khiến tiền bạc đóng băng một chỗ dù đã đưa ra nhiều hình thức cắt lỗ như khuyến mại tặng quà, giảm giá bán, vv…
Trong khi tài sản đắp chiếu, vị này có hàng núi việc cần đến tiền. Đó là việc trả lương cho hệ thống nhân viên của công ty và đặc biệt là tiền lãi ngân hàng.
“Mỗi ngày vị này phải trả đến cả tỷ đồng tiền lãi vì số vay ngân hàng là rất lớn, anh ta cũng không thể xoay sở tiền ở các ngân hàng khác vì lãi suất rất cao, huy động vốn từ các cá nhân cũng khó vì vỡ nợ rất nhiều. Vậy là vị này bị bế tắc toàn tập, gây nên một áp lực lớn, khiến anh ta lâm vào tình cảnh căng thẳng cao độ trong thời gian dài”, ông Dũng nói.
Một trường hợp khác phải nhập viện điều trị là chủ một doanh nghiệp xây dựng. Vị này không xoay sở được vốn và nợ lương công nhân 6 tháng nay khiến công nhân chán nản.
Một số đã bỏ việc, số còn lại kiên quyết bám trụ để đòi lương. Họ thậm chí còn kéo đến cả nhà ông chủ để đòi giải quyết quyền lợi khiến ông này tìm cách lẩn trốn bởi có ra mặt cũng không đào đâu ra tiền để trả.
Đỉnh điểm của sự lo lắng là đến hạn trả tiền ngân hàng. Số tiền vị này đã vay trước đó lên tới hàng chục tỷ đồng. Ông đã bán 2 chiếc xe hơi trong nhà đi để lấy vốn làm ăn và lấy tiền trả nợ nhưng khoản này không thấm vào đâu so với số nợ đang phải gánh trên lưng.
Từ những khó khăn trong làm ăn, bệnh nhân này dần bộc lộ những dấu hiệu bất thường về tâm lý, tính cách như hay cáu gắt, quát mắng người nhà, thậm chí đập phá đồ đạc.
Nguy hiểm là ông rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên, tinh thần sa sút nghiêm trọng và sụt cân nhanh chóng. Khi đưa vào viện sức khỏe tâm thần khám, bác sỹ đã kết luận ông bị rối loạn tâm thần thể nhẹ.
“Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến trầm cảm nặng”, bác sỹ Dũng nói.
Vào viện, con nợ vào theo đòi tiền!
Một trong những trường hợp khiến bác sỹ Dũng ấn tượng nhất là một thanh niên ngoài 30 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội.
Trước khi phá sản thì cậu là một người thành đạt sớm khi sở hữu trong tay khối tài sản lớn dưới nhiều hình thức như cổ phiếu, đất đai, xe cộ, nhà cửa, vv…
Nhưng đến khi kinh doanh khó khăn, khối tài sản lớn đó thi nhau “bốc hơi”. Cậu đang từ một doanh nhân thành đạt bỗng trở thành một con nợ khổng lồ.
Cú sốc này khiến tinh thần cậu suy sụp và khủng hoảng, không kiểm soát được hành vi của mình. Gia đình đã nhiều lần đưa thầy cúng về nhà để giải hạn nhưng không đỡ.
Cuối cùng, cậu đã phải nhập viện khi những biểu hiện rối loạn tâm thần trên ngày một nặng nề hơn.
“Điều đặc biệt là khi cậu ta vào viện rồi, có rất nhiều người tìm đến hỏi thăm tình hình sức khỏe (có cả người nhà lẫn người lạ). Hỏi ra tôi mới biết họ đều là những người cho cậu ta vay tiền hoặc chung vốn làm ăn, nay bị phá sản nên họ tìm đến xem cậu ta có khỏe mạnh bình thường không để còn tính toán vớt vát chút ít tài sản”, bác sỹ Dũng nói.
Ngoài ra, còn nhiều bệnh nhân đều là những nhà đầu tư, kinh doanh lớn cũng rơi vào cảnh cùng quẫn phải tìm đến bệnh viện tâm thần.
Trước đó, gia đình họ cũng đã đổ vỡ vì không muốn chung gánh nợ nần. Đó là chưa kể đến những trường hợp chưa đến mức phải điều trị nhưng đã cần đến sự tư vấn của bác sỹ tâm thần.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Dũng, con số vào viện hoặc phải nhờ tới bác sỹ tâm thần riêng có lẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số những người bị stress trên thực tế. Bởi hiện nay, ở Việt Nam người dân vẫn còn mặc cảm với việc đi khám tâm thần.
Không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh, bác sỹ Dũng cho biết tình trạng này còn ảnh hưởng đến sự bền vững của các gia đình. Vì thế, khi có dấu hiệu căng thẳng thì người bệnh nên có biện pháp kiểm soát bệnh sớm, tránh trường hợp đáng tiếc (bởi có người đã uống thuốc ngủ tự tử vì phá sản).
Doanh nghiệp phá sản hàng loạt
Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, tính đến giữa tháng 3/2012, trong số hơn 600.000 doanh nghiệp đã được cấp phép đăng ký kinh doanh, chỉ có hơn 400.000 doanh nghiệp hiện vẫn còn đóng thuế.
Như vậy, đã có gần 200.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động/ngừng nghĩa vụ thuế.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết chỉ tính riêng trong năm 2011, trung bình số doanh nghiệp phá sản/giải thể cao gấp 8 lần so với những năm trước đó.
|
(Theo Vietnamnet)