Nằm ngay sát tuyến quốc lộ 1A, Khu công nghiệp (KCN) Phước Nam có tổng diện tích 370 ha, do Công ty cổ phần đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại, bên ngoài hai mặt tiền, nhà đầu tư chỉ mới xây hai vách tường dài khoảng chục mét dùng làm pa-nô với hàng chữ "Khu công nghiệp Phước Nam". Cạnh đó, là hai trụ cổng đúc bằng xi-măng cao khoảng 1,8 m nhưng chưa được lắp cửa cổng mà thay vào một hàng cọc tiêu thấp giăng ngang. Phía bên trong là khu đất trống bỏ hoang, cây xanh, cỏ dại mọc um tùm, một số hạng mục hạ tầng xây dựng dang dở... Bốn dự án của nhà đầu tư thứ cấp, tuy đã khởi công mấy năm nay, giờ vẫn là những dự án "rỗng".
Tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, toàn bộ diện tích 407 ha của KCN Du Long do Công ty TNHH MTV đầu tư quốc tế Hoa Thìn Long Ðức Phong (Trung Quốc) làm chủ đầu tư cũng đang gây lãng phí quỹ đất. Lối cổng chính dẫn vào KCN, nhà đầu tư chỉ làm một con đường tạm, trải sỏi, rộng khoảng 6m, dài khoảng 500 m, phía trước dựng các thanh sắt chắn ngang, bên trong là hai căn nhà cấp bốn đã xuống cấp nằm lọt thỏm trên khu đất trống mà trước đó là bạt ngàn những ruộng lúa xanh tốt, năng suất cao của nông dân canh tác từ hai đến ba vụ/năm.
Trước đây, KCN này do Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân ở TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Tập đoàn Hoa Chen Long Ðức Phong cùng liên danh thực hiện. Tuy nhiên, sau khi khởi công từ tháng 5-2008 đến nay, tiến độ xây dựng hạ tầng dường như "dậm chân" tại chỗ, hai nhà đầu tư liên danh cũng đã "chia tay" nhau, Công ty TNHH MTV đầu tư quốc tế Hoa Thìn Long Ðức Phong hoàn lại số tiền đã đóng góp cho đối tác và chuyển sang đầu tư 100% vốn nước ngoài rồi bỏ hoang nhiều năm liền.
Hạ tầng KCN Phước Nam chỉ là hai bức tường pa-nô phía trước cổng ra vào.
Trước những bức xúc của dư luận được đại biểu cử tri phản ánh nhiều lần tại các kỳ họp HÐND cấp tỉnh cũng như đã có hàng chục cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Ninh Thuận với nhà đầu tư hạ tầng, nhưng phía tỉnh vẫn luôn chỉ nhận những lời hứa từ phía chủ đầu tư. Và ngay sau đó, công ty liên tục sử dụng "chiêu" thay thế người đại diện hoặc khi nghe dư luận phản ứng thì công ty thuê vài chiếc xe ủi đất "chạy tới, chạy lui" để "an dân".
Theo lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận, đến nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN Phước Nam mới đạt khoảng 35%, và do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, cho nên mới thu hút được bốn dự án thứ cấp với tổng diện tích đất cho thuê hơn 43 ha. Tuy nhiên, khi tiếp xúc các hộ dân, chúng tôi nhận thấy bà con rất bức xúc về việc lãng phí quỹ đất sản xuất, chăn nuôi. Nhiều người dân bày tỏ, nếu trước đây tỉnh chưa thu hồi đất, vừa làm rẫy vừa lập trang trại chăn nuôi gia súc, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, giờ xem như thất nghiệp, đời sống vô vàn khó khăn.
Ngày 28-7, làm việc với phóng viên về công tác quản lý và sử dụng đất phát triển công nghiệp tại địa phương, lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận thừa nhận, đã bảy năm mà hai KCN nêu trên chưa hình thành và đi vào hoạt động là gây lãng phí quỹ đất, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình phát triển công nghiệp của tỉnh.
Theo nhận định của cơ quan quản lý, nhà đầu tư hạ tầng KCN Du Long, thường xuyên thay đổi tiến độ, cố tình thực hiện không đúng kế hoạch đã đăng ký với UBND tỉnh và Ban quản lý các KCN. Do chậm triển khai xây dựng hạ tầng, Ban quản lý các KCN tỉnh đã đề nghị nhà đầu tư để cho dân tiếp tục canh tác trên vùng đất đã thu hồi mà chưa sử dụng. Theo Phó trưởng Ban quản lý các KCN Ninh Thuận Trương Thị Liễu, tháng 5-2014, Ban quản lý đã lấy ý kiến tư vấn của các sở, ngành có liên quan về việc thu hồi dự án và có báo cáo UBND tỉnh xem xét. Căn cứ Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đang tham mưu cho tỉnh xúc tiến việc thu hồi đất của KCN Du Long. Tuy nhiên, dự án này do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, cho nên việc xem xét, xử lý vi phạm tiến độ phải tính đến nhiều yếu tố sao cho phù hợp.
Ðối với KCN Phước Nam, Ban quản lý các KCN sẽ đôn đốc nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời phối hợp xúc tiến thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Võ Văn Tiến, gần đây, một số doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư các dự án ngoài KCN này và huyện đã đề xuất lên UBND tỉnh nhưng không được chấp thuận, vì theo Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2-3-2012, sẽ kiên quyết không thu hồi thêm diện tích đất cho các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài KCN, cụm công nghiệp. Như vậy, buộc nhà đầu tư phải đưa dự án vào trong KCN mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án. Trong khi đó, các nhà đầu tư thứ cấp cho rằng, hiện tại, cơ sở hạ tầng trong KCN chưa hoàn chỉnh, không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, giá cho thuê đất do chủ đầu tư hạ tầng đưa ra từ 20 đến 25 USD/m2 là quá cao.