SearchNews

Thị trường 2007 chưa bứt phá

27/12/2006 10:18

Sau sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, nhiều người hy vọng thị trường bất động sản tăng trưởng vượt bậc. Song các chuyên gia cho rằng sẽ không có nhiều đột phá ngay trong 2007.

Sau sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, nhiều người hy vọng thị trường bất động sản tăng trưởng vượt bậc. Song các chuyên gia cho rằng sẽ không có nhiều đột phá ngay trong 2007.

Năm 2006, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau 2-3 năm trầm lắng. Giao dịch nhà đất dân sinh "nhúc nhích" với mảng biệt thự nhà vườn; kinh doanh căn hộ cho thuê với đầy đủ dịch vụ dọn phòng, giặt là... sôi động. Đặc biệt, văn phòng cho thuê và khách sạn 4-5 sao thường xuyên thiếu nguồn cung, đẩy giá lên cao. Đến cuối năm, gần một chục khu văn phòng và thương mại được đưa vào sử dụng đã giúp hạ nhiệt cơn sốt tại Hà Nội.

Trong năm tới, theo dự báo của các công ty cho thuê văn phòng, nhu cầu trong lĩnh vực này vẫn khá cao nhờ làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau sự kiện gia nhập WTO. Số lượng doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam sẽ tăng từ 700 hiện nay lên 1.200, đồng thời nhu cầu của các doanh nghiệp Mỹ và nhiều nước khác sẽ làm lợi đáng kể cho các công ty trong năm 2007.  

Tuy nhiên, với số lượng các cao ốc văn phòng và thương mại dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm 2007, nhu cầu sẽ không còn căng thẳng. Riêng tại Hà Nội, một loạt tòa nhà như MDC, Opera, Bắc Á và một phần Somerset Hòa Bình dành làm văn phòng... sẽ được hoàn thành. Đồng thời, trước việc văn phòng cho thuê khan hiếm cùng với yêu cầu có bộ mặt tươm tất, nhiều công ty sau khi cổ phần hóa bỏ tiền xây trụ sở và cho thuê phần diện tích không sử dụng hết. Tại Hà Nội, Vinaconex là một trong những doanh nghiệp đi đầu với hình thức này. Tại TP HCM, công ty bảo hiểm Manulife, Prudential, Unilever đều xây trụ sở mới, góp phần tăng nguồn cung văn phòng cho thuê. 

Các nhà kinh doanh căn hộ dịch vụ cũng tỏ ra lạc quan về năm 2007. Theo một đại diện của tập đoàn Ascott, tại Hà Nội sẽ có thêm 520 căn hộ cho thuê loại A, B tại các tòa nhà Skyline Tower, Atlanta Tower, Somerset Hòa Bình, 134 Quán Thánh. Còn tại TP HCM, riêng Bitexco sẽ đưa vào vận hành 270 căn hộ mới. Bên cạnh đó là khoảng 1.000 căn hộ hạng A, B, C tại quận 7 cũng sẽ hoàn thành trong năm 2007. Vì vậy, dù nhu cầu được dự báo tăng, nhu cầu căn hộ dịch vụ sẽ không quá nóng.  

Thị trường nhà ở dân sinh, mảng lớn nhất của thị trường bất động sản, lại được dự báo vẫn tương đối trầm lắng. Theo ông Vũ Duy Thái, Giám đốc công ty cổ phần bất động sản Hợp Phát kiêm Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, tình trạng người bán chờ giá tăng và người mua chờ giảm giá sẽ tiếp tục diễn ra. "Những nhà đầu cơ có vốn mạnh vẫn sẽ ghìm nhà đất chờ giá tăng mới bán", ông Thái cho hay.  

Trong khi sức mua của đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở phần nhiều là trên dưới 300 triệu đồng, giá tối thiểu của căn hộ chung cư tại Hà Nội vẫn là 350-400 triệu đồng. Các giao dịch trên thị trường, theo ông Thái, vẫn sẽ diễn ra lẻ tẻ ở những hộ có thể đáp ứng mức giá thị trường. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều và chưa đủ sức tạo ra đột biến.

Trong khi đó, theo ông Cao Thanh Bình, Giám đốc Công ty thẩm định giá Hoàng Quân tại Hà Nội, đến nay vẫn chưa có cú hích đáng kể nào về mặt pháp lý tạo động lực cho thị trường. Nghị định 17 ban hành đầu năm 2006 được hy vọng sẽ giúp phá băng trên thị trường bất động sản, nhưng đã không phát huy hiệu quả như được mong đợi. Đồng thời, theo ông Bình, thị trường bất động sản vốn chậm phản ứng trước các thay đổi. Vì vậy, ngay cả khi có những điều chỉnh từ phía nhà nước, vẫn cần thời gian nhất định để thấy chuyển biến rõ rệt.  

Nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế

Thông thường các nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với nhà đầu tư trong nước trong các dự án bất động sản, nhưng trong thời gian gần đây, do chính sách của chính phủ trong lĩnh vực này thông thoáng hơn, một số dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép. Tại Hà Nội, dự án cao ốc căn hộ - văn phòng trung tâm hội nghị tại đường Liễu Giai - Đào Tấn với chi phí đầu tư 115 triệu USD của công ty Coralis SA từ Luxembourg đang được xúc tiến.

Các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Hong Kong được dự báo là những người có tham vọng nhiều nhất bởi chính phủ Hàn Quốc và chính quyền Hong Kong đang cố gắng kiềm chế cơn sốt bất động sản trong nước, khuyến khích các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư bên ngoài. Các nhà đầu tư Mỹ cũng đang thăm dò khả năng xây dựng khu đô thị cao cấp tại Đông Anh - Hà Nội, nhà đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm dự án tại Sài Đồng, Gia Lâm.

Một xu hướng khác của các nhà đầu tư là mua lại dự án. Nhà đầu tư nước ngoài có vốn nhưng mất thời gian tiếp cận thị trường và quan trọng hơn, những vị trí đẹp hầu như không còn. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại yếu ở khâu quản trị và thiếu vốn. Một loạt dự án đang kêu gọi đầu tư như xây dựng sân golf 36 lỗ và công viên phức hợp giải trí tại Gia Lâm, cách bờ hồ Hoàn Kiếm khoảng 3 km, hay dự án bất động sản 16 ha tại Thanh Trì với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần IDJ, cho biết, hiện cơ sở dữ liệu của công ty này có 120 dự án mời gọi vốn đầu tư. 50 %trong số 69 dự án được giới thiệu từ tháng 10/2006 đã có đối tác đề nghị đầu tư, thậm chí nhiều dự án có 3-4 nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia.

Dự báo trong năm 2007, khá nhiều công ty niêm yết sẽ đổ tiền sang đầu tư bất động sản. Ngoài nhà Thủ Đức chuyên về bất động sản, Savico với vị trí đẹp tại TP HCM có kế hoạch hình thành các cao ốc, trung tâm thương mại dịch vụ. Hiện doanh nghiệp này có 16.000 m2 văn phòng cho thuê. Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Tổng giám đốc, cho hay, hiện cung trong lĩnh vực này tại TP HCM mới đạt 30-40% cầu, dự kiến trong 2 năm tới nhu cầu đầu tư sẽ bùng nổ.

N. Châu - P. Lan

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu