Chỉ thị 01 của NHNN một lần nữa tái khẳng định chủ trương siết tín dụng với doanh nghiệp bất động sản.
Tình trạng nợ dây chuyền sẽ tiếp tục diễn ra, nguy hiểm hơn là khách hàng đang mất dần niềm tin vào thị trường.
Theo chỉ đạo của NHNN, các TCTD kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của TCTD trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến gồm dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Có một số nhóm cho vay bất động sản được loại trừ gồm dư nợ cho vay đối với xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.
Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm cho biết, kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản gần như không có gì thay đổi so với các quy định trước đây. Việc mở hướng ra cho những dự án có cam kết hoàn thành và bàn giao nhà cho khách hàng năm 2012 hầu như không có tác động nào tới các doanh nghiệp. Trên thực tế, những dự án có cam kết bàn giao nhà năm 2012, khách hàng nộp tiền theo tiến độ hiện cũng đạt ít nhất 50%.
Với giá trị căn hộ như vậy, khả năng khách bỏ của không tham gia tiếp việc đóng tiền để mua nhà không nhiều (do mức phạt huỷ hợp đồng rất lớn). Với những dự án như vậy, chủ đầu tư dễ dàng có khả năng tài chính để hoàn thiện nốt sản phẩm bàn giao cho khách hàng. Bên cạnh đó, những dự án chủ đầu tư đã cất nóc thường được các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho áp dụng hình thức trả chậm khi mua hàng. Do đó, yêu cầu về tài chính đối với các dự án này không quá cấp thiết. Quy định trên vô hình trung ”có cũng như không”.
Với các dự án xây dựng nhà để bán, cho thuê dành cho người thu nhập thấp, một lãnh đạo của Vinaconex cho biết, sẽ không có chủ đầu tư nào mạo hiểm trong thời điểm này. Lãi suất các khoản vay nếu được giải ngân vào khoảng 17,5 - 18%/năm, trong khi tỷ lệ lợi nhuận biên cho các dự án nhà thu nhập thấp bị khống chế từ 10% trở xuống, chưa kể những rắc rối trong việc bán nhà. Chỉ cần phép tính đơn giản trên, dễ thấy các chủ đầu tư không hề mặn mà với phân khúc thị trường này.
Về phía các ngân hàng, sau cú sốc năm 2011, sự thận trọng đã thể hiện rõ, chỉ rất ít dự án, rất ít chủ đầu tư được cấp hạn mức tín dụng. Các ngân hàng nước ngoài càng tỏ ra thận trọng.
Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Khối nguồn vốn Ngân hàng HSBC cho biết, Ngân hàng chỉ ưu tiên cho cá nhân vay tiền mua nhà tín chấp bằng lương. Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của các ngân hàng là khả năng thu hồi các khoản cho vay chứ không phải cho vay.
Bên cạnh đó, bản thân khái niệm tín dụng bất động sản cũng chưa rõ ràng, khiến ngân hàng e ngại. Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, có khách hàng làm hồ sơ vay vốn theo diện hộ sản xuất xây dựng đầu tư trang trại, song ngân hàng không rõ đầu tư xây dựng trang trại có bị xếp vào bất động sản hay cho vay nông nghiệp nông thôn, nên tạm thời gác hồ sơ của khách hàng lại.
(Theo ĐTCK)