Thị trường bất động sản khó khăn cũng là lúc có nhiều cơ hội.
Là một trong những chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam, ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV Dothi.net về tình hình thị trường trong quý vừa qua và những lời khuyên cho những nhà đầu tư.
- Ông có thể cho biết những điểm nổi bật của thị trường bất động sản Hà Nội trong quý vừa qua?
Thời gian vừa qua, thị trường gặp khó khăn, số lượng giao dịch chững lại, không còn hào hứng như trước kia. Việc thắt chặt tín dụng đã tác động một phần không nhỏ đến kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Thị trường BĐS Việt Nam về cơ bản cũng không khác gì so với những thị trường khác trên thế giới. Tức là thị trường cần trải qua tất cả các giai đoạn của chu trình phát triển. Thị trường hiện tại có vẻ trằm lắng, nhưng đây là điều hết sức bình thường trong chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2008, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng của thị trường, và như một điều bình thường, giá của sản phẩm bất động sản luôn tăng.
Trên thực tế, giá của bất động sản cũng có thể điều chỉnh giảm, như chúng ta thấy hiện nay. Điều này có thể gây ra lo lắng và thiệt hại cho các nhà phát triển bất động sản, nhà đầu tư, và các thành phần tham gia thị trường.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư nghiêm túc, cam kết dài hạn hướng đến người sử dụng cuối cùng thì vẫn thành công. Lấy ví dụ thị trường căn hộ diện tích nhỏ, giá cả vừa phải vẫn có giao dịch. Trong TP Hồ Chí Minh, những căn hộ lớn hơn 100 m2 khó bán, nhưng những sản phẩm nhỏ có giá phù hợp vẫn “hút” khách.
- Liệu thị trường bất động sản Hà Nội đã chạm đáy thưa ông?
Nói đến giá của BĐS phải nói đến 2 mặt của vấn đề: cân bằng giữa chi phí, lợi nhuận đầu tư và khả năng chi trả của người mua. Bằng phép phân tích khách quan, chúng ta có thể thấy giá bất động sản Việt Nam phụ thuộc vào nhiều tham số đầu vào, từ giai đoạn lập dự án, phê duyệt dự án, giao đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng, chi phí vốn, lợi nhuận của chủ đầu tư.
Trong cả quy trình đó, thực tế có nhiều việc nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư. Hiện tại thị trường đang có dấu hiệu điều chỉnh giảm do chủ đầu tư đã chủ động điều chỉnh cầu trúc lợi nhuận, và đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng khó có thể kết luận là giá BĐS đã chạm đáy hay chưa?
- Trong những lúc khó khăn cũng là lúc có nhiều cơ hội. Vậy cơ hội lúc này là gì thưa ông?
Những người sử dụng cuối cùng sẽ có nhiều cơ hội để chọn lựa. Họ sẽ được chào mua, với nhiều ưu đãi.
Đối với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và dày dặn kinh nghiệm, đây sẽ là cơ hội để họ phát triển dự án, chuẩn bị sản phẩm để sau khủng hoảng có thể “xuất” hàng. Đây cũng là lúc có thể mua bán những dự án tiềm năng đồng thời sàng lọc những dự án không đáp ứng đủ tốt so với yêu cầu thị trường.
Ở góc độ quản lý, thời điểm này là cơ hội để đưa ra những cơ chế chính sách, về mặt ngắn hạn có thể hỗ trợ thị trường, về mặt dài hạn có thể giúp định hướng lại thị trường phát triển bền vững hơn.
- Hiện nhiều nhà đầu tư đang lo lắng về thị trường. Ông có thể đưa ra những lời khuyên gì cho họ?
Hiện tại, thị trường bất động sản đang trải qua quá trình điều chỉnh để trở nên chuyên nghiệp hóa hơn và phát triển bền vững hơn. Mối quan hệ cung cầu được điều chỉnh cân bằng dưới tác động của bàn tay vô hình của thị trường và những điều chỉnh kinh tế vĩ mô từ phía các cơ quan quản lý. Với thị trường rộng lớn, tốc độ tăng trưởng đô thị cao, thu nhập người Việt Nam đang tăng lên, thị trường BĐS có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai dài hạn. Các nhà đầu tư không nên lo lắng quá.
Khi nền kinh tế vĩ mô ổn định và bền vững, những khó khăn sẽ qua đi. Và ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải chuẩn bị để đón đầu khi thị trường sôi động trở lại. Nên suy nghĩ tích cực và có tầm nhìn dài hạn là để thoát ra mọi khó khăn.
Duy Khánh thực hiện