SearchNews

Thị trường BĐS 2013: Không nỗ lực sẽ “vỡ trận”

28/02/2013 21:40

Tất cả các giải pháp liên quan đến thị trường BĐS đều phải đặt mục tiêu chung là góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ là bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

“Tất cả các giải pháp liên quan đến thị trường BĐS đều phải đặt mục tiêu chung là góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ là bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nếu không nỗ lực thì sẽ “vỡ trận” không ổn định được kinh tế vĩ mô, cũng không có một thị trường BĐS ổn định và bền vững, các hỗ trợ đã được đưa ra trong Nghị quyết cần phải triển khai. Giải pháp phải đồng bộ vì không thể chỉ một giải pháp mà giải quyết được tất cả các bài toán khó khăn, cần tăng thanh khoản, thu hút vốn từ xã hội. Thị trường BĐS tuy chưa khởi sắc rõ ràng nhưng từ cuối năm 2012 đã bắt đầu lấy lại lòng tin do đó càng phải chú ý tăng tính minh bạch”. Đó là chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại kỳ họp lần thứ X của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS.

Hoàn thành chính sách là nghệ thuật điều hành của Nhà nước

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng vì tác động mạnh và trực tiếp đến thị trường. Khi phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường, nếu Nhà nước can thiệp quá sâu, sẽ hạn chế tính thị trường. Nghệ thuật trong điều hành là phải xác định được đúng mức độ tham gia, can thiệp của Nhà nước, nên cảnh báo kịp thời, tránh thả nổi dẫn đến phát triển tự phát như thời gian qua. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng xác định việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường phải gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở. NƠXH có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng có cạnh tranh, Nhà nước khuyến khích nhưng giá được kiểm soát để phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Khi Nghị định NƠXH được ban hành thì đối tượng sẽ được cụ thể và phủ kín, thay thế cho Nghị định 66, 67. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2013, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện các Luật như: Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về vốn, rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án, đề nghị chính sách hỗ trợ về thuế và lãi suất cho DN BĐS và người mua... linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM bức xúc khi cho rằng các DN BĐS phải chịu “bất công” khi lãi suất hiện nay đang là 8% nhưng thực tế phải vay đến 12%. Tư duy của Nhà nước cũng chưa thay đổi thay vì “giảm thu để tăng thu” thì vẫn thực hiện “tận thu” với BĐS tiếp tục phát triển đến giai đoạn năm 2015 và là ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Về chính sách tài chính tiền tệ, ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Ban Chỉ đạo cam kết, thời gian tới lãi suất có thể thấp hơn. Phối hợp thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 02, Ngân hàng Nhà nước sẽ có 20 - 24 nghìn tỷ đồng dành cho vay thuê, mua NƠXH, mua nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2. Giao cho 5 Ngân hàng thương mại Nhà nước cho DN đầu tư dự án NƠXH. Xây dựng đề án xử lý nợ xấu trong đó có nợ xấu trong BĐS, thành lập cơ quan xử lý BĐS để hỗ trợ thị trường BĐS, tạo thanh khoản trong thu và cho vay vốn đầu tư.

NƠXH được tháo gỡ khó khăn: Sẽ làm thị trường ấm lên

Hiện cả nước có 56 dự án nhà ở thu nhập thấp (TNT) khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 10 ngàn tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 1,8 triệu m2 sàn đáp ứng 130 ngàn người có TNT. Trong đó đã hoàn thành được 27 dự án với tổng mức đầu tư 4.595 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 800m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 55 ngàn người có TNT. Riêng Hà Nội đã hoàn thành 3.127 căn hộ nhà ở cho người TNT và 120 ngàn m2 sàn nhà ở công nhân khu công nghiệp. TP.HCM đã hoàn thành 502 căn hộ nhà ở cho người TNT và khoảng 200 ngàn m2 sàn cho công nhân. Dự kiến trong năm 2013, theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia thì giai đoạn 2012 - 2015 sẽ phải đầu tư xây dựng 10 triệu m2 NƠXH. Kế hoạch riêng trong năm 2013 sẽ triển khai đầu tư tối thiểu khoảng 3 triệu m2 NƠXH.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS cho biết: Hà Nội cần hơn 10.000 căn hộ, TP. HCM cần 130.000 căn hộ TNT chưa nói đến các tỉnh lớn khác. Nhiều dự án chủ đầu tư xin chuyển sang NƠXH nhưng các địa phương chưa vào cuộc. “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải gắn liền với Chiến lược nhà ở quốc gia. Các Chương trình nhà ở cho người nghèo 167, nhà ở cho người có công, nhà ở cho học sinh sinh viên... chúng ta đã làm tốt. Riêng nhà ở cho người nghèo ở đô thị còn khó khăn cần tập trung thực hiện. Gắn nhiệm vụ tháo gỡ thị trường BĐS với Chiến lược Nhà ở quốc gia là phát triển NƠXH”. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây là gói kích cầu gián tiếp để tăng cầu, tháo gỡ cho không chỉ thị trường BĐS mà còn cho hàng trăm ngành sản xuất khác, làm nền kinh tế ấm nên”.

Công khai minh bạch dự án BĐS: Lấy lại niềm tin cho thị trường

Cho rằng, công tác quản lý của các địa phương còn yếu kém, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam - ông Trần Ngọc Hùng đề xuất Ban Chỉ đạo cần trực tiếp kiểm tra các dự án, rà soát, dừng, chuyển đổi hay thu hồi. Đồng thời trong bối cảnh các chủ đầu tư không đủ năng lực cần công bố công khai minh bạch mọi thông tin trên về dự án, chủ đầu tư, tiến độ, vốn, cập nhật hiện trạng xây dựng...

Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò tham mưu của các hội nghề nghiệp, chỉ đạo công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông và website chuyên ngành ở nhiều nơi. Tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Rà soát các dự án đã xây, đã hoàn thành. Vướng gì, cơ chế gì cần tháo gỡ. Với 20% NƠXH lẫn trong đô thị thương mại, người dân TNT vẫn hưởng hạ tầng tốt, xóa ranh giới phân cấp giàu nghèo, các địa phương cần linh hoạt giải quyết. Cơ cấu lại thị trường BĐS: Chuyển dần phân khúc cao sang phân khúc nhu cầu lớn. Mỗi giải pháp thực hiện sẽ có tác dụng một ít, tháo gỡ dần dần, cùng với sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô sẽ lấy lại lòng tin vào thị trường.

Theo Bao Xaydung

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu