SearchNews

Thị trường BĐS lên, xuống còn phụ thuộc nhiều yếu tố

05/11/2010 10:16

Nghị định 71 vừa ban hành, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là yếu tố giúp thị trường BĐS hoạt động ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng Nghị định 71 còn nhiều quy định chưa phù hợp.

Nghị định 71 vừa ban hành, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là yếu tố giúp thị trường BĐS hoạt động ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng Nghị định 71 còn nhiều quy định chưa phù hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam

Thưa Thứ trưởng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 71/2010/NĐ-CP và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2010/TT-BXD theo hướng thông thoáng hơn hay thắt chặt hoạt động kinh doanh BĐS?

Có thể khẳng định ngay, 2 văn bản trên được ban hành theo hướng thông thoáng hơn cho thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS hoạt động.

Tại điều 8, Thông tư 16 quy định, chủ đầu tư được phép phân chia cho các đối tượng huy động vốn tới 20% số lượng nhà ở thương mại mà không phải thông qua sàn giao dịch. Cũng theo hướng dẫn của 2 văn bản trên, chủ đầu tư được quyền ra quyết định đầu tư thay vì chính quyền địa phương ra quyết định đầu tư v.v..

Ngoài ra, các quy định hướng dẫn liên quan đến mọi lĩnh vực kinh doanh BĐS cũng cụ thể và rõ ràng hơn trước. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Bởi lẽ những giao dịch BĐS không hợp pháp sẽ được loại bỏ khiến thị trường BĐS trở nên minh bạch hơn, thuận lợi hơn.

Có thể nói, việc ban hành Nghị định 71 và Thông tư 16 sẽ là “cú huých” cho thị trường BĐS trong thời gian tới, thưa ông?

Chúng tôi không kỳ vọng việc ban hành 2 văn bản trên sẽ ngay lập tức tạo thành “cú huých” cho thị trường BĐS.

Bởi việc lên hay xuống của thị trường BĐS đôi khi còn phù thuộc vào nhiều thị trường khác, như chứng khoán, ngoại tệ, vàng… Tuy nhiên, về lâu dài những văn bản pháp quy trong lĩnh vực BĐS được ban hành luôn theo hướng tạo sự thuận lợi và phát triển bền vững.

BĐS luôn là một thị trường quan trọng có tác động và chi phối mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế.

Có một thực tế hiện nay là, trong khi thị trường BĐS phía Nam dồi dào sản phẩm, thị trường nghiêng về phía người mua còn ở Hà Nội thì ngược lại, thị trường BĐS hiện chủ yếu là của các doanh nghiệp. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Hiện nay, thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh nguồn cung về nhà ở rất nhiều, người mua có nhiều sự lựa chọn. Trong khi ở Hà Nội, vấn đề này lại chưa xảy ra.

Ở TP HCM, người mua có nhiều lợi thế, còn ở Hà Nội sự lựa chọn về sản phẩm vẫn chưa có nhiều, đó là tình trạng cung chưa đáp ứng cầu đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh BĐS thường đầy rủi ro về phía người mua.

Sắp tới, Hà Nội sẽ “cởi trói” cho hơn 800 dự án, hy vọng sẽ giúp cho nguồn cung về nhà ở tại Hà Nội được dồi dào hơn và người mua sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.

Hiện nay, quy định doanh nghiệp phải niêm yết giá bán công khai bằng tiền đồng, nhưng có một số doanh nghiệp đã lách luật bằng cách niêm yết tiền Đồng, thanh toán tiền Đồng nhưng quy ra giá trị tương đương với tỉ giá USD ở thời điểm thanh toán. Thứ trưởng có ý kiến gì về việc này?

Đây là lách luật, vì vậy người mua nên thỏa thuận thắng thắn với người bán, nếu thuận thì mua, bởi nếu USD lên thì người mua thiệt, nhưng nếu USD giảm thì người bán thua.

Tuy nhiên, đây thực sự là vấn đề rất khó khi mà ở thị trường BĐS Hà Nội, nếu một căn nhà bán có đến 5 người muốn mua thì việc thỏa thuận được với người bán là rất khó.

Bên cạnh đó, để tránh thiệt thòi, người mua cần xem kỹ các điều khoản hợp đồng, giá trị, để tránh hiện tượng ký hợp đồng rồi lại bị tính thêm thuế VAT.

Theo quy định của pháp luật về nhà ở, sau khi hoàn thành xây dựng các hạng mục trong khu đô thị, chủ đầu tư phải bàn giao lại các hạng mục hạ tầng công cộng trên cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ đầu tư không chuyển giao các hạng mục công trình công cộng lại cho địa phương mà vẫn quản lý, sử dụng nhằm thu lợi nhuận?

 Việc chủ đầu tư chưa bàn giao lại các hạng mục công trình công cộng lại cho chính quyền địa phương là có xảy ra.

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, lý do của việc chưa chuyển giao các hạng mục trên như trường học, đường trong các khu đô thị… thường không phải lỗi chủ quan của các chủ đầu tư. Quy định chủ đầu tư phải bàn giao cho chính quyền địa phương thì có nhưng hướng dẫn cụ thể thì chưa.

Hiện nay, vẫn chưa có quy định nào nói chủ đầu tư phải bàn giao các hạng mục hạ tầng kỹ thuật công cộng lại cho ai, đơn vị nào? Nhìn chung quy trình và đối tượng bàn giao cần được cụ thể hóa như: ai chịu trách nhiệm, đơn vị nào tiếp nhận, thủ tục ra sao...

Tôi cho rằng, đã đến lúc, chúng ta cũng phải đưa ra những quy định cụ thể về vấn đề trên.

 (Theo Infotv)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu