Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về thông tin Dự án Nam An Khánh do Cty sudico làm chủ đầu tư bị Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng thực hiện. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, Trung tâm Thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bộ Tư Pháp khẳng định: Không có căn cứ pháp luật để buộc tạm dừng thực hiện dự án này.
Bãi miễn chức vụ Tổng Giám đốc là đúng luật
Ngày 24/9/2011, Hội đồng quản trị (HĐQT) Cty Sudico tổ chức họp để kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong 9 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện Quý IV/2011. Theo báo cáo của Tổng Giám đốc (TGĐ), hoạt động sản xuất kinh doanh của Sudico đạt kết quả rất thấp: Giá trị sản xuất kinh doanh đạt 18%, doanh thu đạt 6%, lợi nhuận đạt 3% so với kế hoạch.
Sau cuộc họp, HĐQT đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh TGĐ của ông Vi Việt Dũng. Ngay sau đó, Tập đoàn Sông Đà có rất nhiều văn bản gửi Sudico và các cơ quan liên quan về sự việc này, thậm chí còn yêu cầu HĐQT Sudico dừng thực hiện quyết định trên, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tạm dừng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Thông tin trở nên hết sức phức tạp khi có Văn bản số 2821/TTCP-V.1 ngày 17/10/2011 do ông Nguyễn Văn Sản, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký về việc kiến nghị tạm dừng dự án Nam An Khánh.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 4/11/2011, PGS-TS Dương Đăng Huệ, Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ - Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời như sau:
Cuộc họp ngày 24/9/2011 và việc biểu quyết thông qua các quyết định của HĐQT Cty Sudico là hợp lệ, phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ Cty.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, HĐQT Cty cổ phần có thể họp định kỳ hoặc bất thường (Khoản 2, Điều 112) để giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của HĐQT, trong đó có việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với TGĐ Cty (Điểm h, Khoản 2, Điều 108).
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và tại Khoản 8, Điều 28, Điều lệ Cty Sudico thì “Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp”. Với sự có mặt của đầy đủ các thành viên HĐQT (5/5) thì cuộc họp ngày 24/9/2011 của HĐQT Cty Sudico là hoàn toàn hợp pháp.
Tại thời điểm HĐQT biểu quyết thay TGĐ, ông Vi Việt Dũng (thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) đã tự ý bỏ về nên cuộc họp chỉ còn 4/5 thành viên. Việc ông Dũng bỏ về không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của cuộc họp HĐQT vì thành phần cuộc họp (4/5) vẫn thỏa mãn yêu cầu về số lượng tối thiểu thành viên dự họp theo quy định của pháp luật và Điều lệ Cty Sudico.
Việc miễn nhiệm, cách chức TGĐ là quyền của HĐQT được quy định tại điểm h, Khoản 2, Điều 108 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điểm c, Khoản 3, Điều 25, Điều lệ Công ty Sudico. Theo đó, HĐQT có quyền tiến hành biểu quyết và ra quyết định miễn nhiệm, cách chức đối với TGĐ vào bất kỳ thời điểm nào. Theo quy Khoản 5, Điều 31, Điều lệ Cty Sudico thì “HĐQT có thể bãi nhiệm TGĐ khi có từ 2/3 thành viên HĐQT trở lên biểu quyết tán thành (trong trường hợp này không tính biểu quyết của TGĐ và bổ nhiệm một TGĐ mới thay thế”.
Như vậy, ông Dũng (thành viên HĐQT đang kiêm giữ TGĐ tại thời điểm đó) không được tham gia biểu quyết việc bãi nhiệm chức danh TGĐ của mình. Trên thực tế, tại thời điểm thực hiện biểu quyết có 4/5 thành viên tham dự họp là hợp lệ và đã tiến hành biểu quyết với kết quả biểu quyết cụ thể là: 03 thành viên đồng ý, 01 thành viên không đồng ý bãi nhiệm ông Dũng. Như vậy, kết quả biểu quyết này tương đương với tỷ lệ 3/4 ý kiến tán thành, hoàn toàn thỏa mãn điều kiện về tỷ lệ biểu quyết tối thiểu là 2/3 để thông qua quyết định bãi nhiệm TGĐ.
Đề nghị tạm dừng dự án Nam An Khánh thiếu căn cứ pháp lý
Việc Thanh tra Chính phủ đề nghị dứng dự án nam An Khánh là thiếu căn cứ pháp lý.
Thứ nhất, trong hệ thống pháp luật hiện hành không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về biện pháp chế tài, theo đó một dự án đầu tư xây dựng nếu có sai sót trong việc chuyển nhượng dự án thì bị đình chỉ thực hiện. Mặt khác, việc buộc phải dừng thực hiện một dự án đầu tư xây dựng là một chế tài nghiêm khắc mà nhà nước chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, các tài liệu Cty Sudico cung cấp cho thấy, các sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án nêu trên là chưa đến mức phải áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc này.
Thứ hai, các sai sót, vi phạm pháp luật trong quá trình chuyển nhượng cũng như thực hiện dự án Nam An Khánh không chỉ có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp mà còn xuất phát từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan trong việc quản lý nhà nước đối với dự án nêu trên.
Thứ ba, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam An Khánh là công trình có quy mô lớn, vì vậy việc tạm đình chỉ thực hiện dự án sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đồng thời có khả năng gây mất ổn định kinh tế xã hội tại địa phương.
Trong khi đó, kể từ khi cổ phần hoá, Công ty Sudico luôn là một trong những đơn vị đứng đầu Tập đoàn Sông Đà về hiệu quả sản xuất kinh doanh và hàng năm Cty này luôn đóng góp khoảng 50% lợi nhuận của Tập đoàn Sông Đà, góp phần quan trọng đến việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng, riêng Dự án Nam An Khánh đã nộp ngân sách vào nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng.
Việc cấp Giấy đăng ký kinh doanh theo đúng luật định
TGĐ là người đại diện theo pháp luật của Cty và phải được ghi tên trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do đó, sau khi bổ nhiệm TGĐ thì Cty Sudico có nghĩa vụ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật với cơ quan đăng ký kinh doanh. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh tiến hành cấp thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là đúng pháp luật.
|
(Theo PLVN)