Trái ngược với cảnh tấp nập người xe của đường Trần Duy Hưng, nơi khởi đầu Đại Lộ Thăng Long, là sự ảm đạm của khu vực văn phòng cho thuê thuộc Toà tháp Grand Plaza (từ tầng 10 đến tầng 27).
Mặc dù được khánh thành từ giữa năm 2010, với diện tích lên tới 54.000 m2, nhưng đến nay, mới có 7 tầng được thuê kín, hàng chục ngàn mét vuông sàn của các các tầng còn lại vẫn bị bỏ trống.
Ông Hoàng Ngọc Thức, Giám đốc quản lý khối Văn phòng (Tòa nhà Grand Plaza) cho biết, trước tình trạng ế ẩm của khối văn phòng cho thuê, Ban quản lý mặt bằng Toà nhà đã phải giảm phí dịch vụ, giảm giá thuê trong 3 tháng đầu... để giữ chân khách cũ và thu hút thêm khách mới.
Cũng trong tình trạng ế ẩm còn có BIDV Tower (số 194 - Trần Quang Khải). Toà tháp này được khai trương từ đầu năm 2010, nhưng đến nay, diện tích văn phòng bỏ trống chưa có người thuê cũng còn tới hàng ngàn mét vuông.
Giám đốc một công ty truyền thông trong lĩnh vực phát triển thương hiệu và xử lý khủng hoảng cho các doanh nghiệp đóng tại BIDV Tower cho biết, trong năm 2010 và 2011, nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi toà nhà, để lại một diện tích văn phòng bỏ trống đáng kể. “Chưa bao giờ tôi phải chứng kiến cảnh tượng vắng vẻ trong toà cao ốc này như hiện nay”, vị giám đốc trên chia sẻ.
Tương tự, Tòa nhà Seabank 17 tầng toạ lạc tại 324 - Tây Sơn, vị trí được coi là đắc địa của quận Đống Đa, dù giá thuê đã giảm xuống chỉ còn 23 USD/m2/tháng (đã bao gồm cả phí dịch vụ), nhưng hiện chỉ có 4 tầng đế làm trung tâm thương mại được thuê kín (chủ yếu là siêu thị điện máy, điện tử...), còn từ tầng 6 trở lên là khu vực văn phòng cho thuê đang hoàn toàn trống trơn.
Vắng khách thuê không chỉ là mối lo của các toà cao ốc văn phòng do các công ty kinh doanh bất động sản xây dựng, mà còn là nỗi ám ảnh ngay với cả những công trình công cộng xây dựng từ nguồn vốn của chính quyền thành phố.
Khánh thành vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Cung Trí thức Hà Nội đã hoàn thành 2 khối nhà cao 16 tầng và 3 tầng, với tổng diện tích sàn gần 16.000 m2 tại Khu đô thị Cầu Giấy. Cung Trí thức Hà Nội có nhiều không gian chức năng, như phòng thư viện, trưng bày truyền thống, phòng hội thảo, hội trường, khu làm việc, căng tin... đảm bảo chỗ làm việc cho khoảng 1.500 người.
Tuy nhiên, sau 1 năm khánh thành, Cung Trí thức mới có lác đác vài văn phòng đến thuê, nhiều tầng hiện đang bị bỏ trống, thậm chí nhiều phòng còn nguyên dấu niêm phong của đơn vị quản lý nhà.
Sự dư thừa nguồn cung văn phòng cho thuê đang khiến giới chủ đầu tư lao đao. Điều đáng lo ngại là, đây chưa phải điểm cuối của sự xuống dốc thị trường văn phòng cho thuê, bởi trong khi hàng loạt doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động do khủng hoảng kinh tế, trong vòng 3 năm tới, thị trường Hà Nội sẽ lại có thêm khoảng 1,2 triệu m2 văn phòng cho thuê gia nhập thị trường, tạo sức ép giảm giá mạnh lên phân khúc vốn đã tiêu tốn nguồn vốn đầu tư khổng lồ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
(Theo Đầu tư)