SearchNews

Tổng quan huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội

23/06/2022 13:27

Huyện Thanh Oai trước đây thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) sau Nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/08/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào TP. Hà Nội, theo đó Thanh Oai trở thành một huyện của Thủ đô.

Tọa lạc ở phía Nam của TP. Hà Nội, huyện Thanh Oai có quỹ đất khá dồi dào, giá "mềm" hơn so với khu vực nội đô, cộng với cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng hoàn thiện, thị trường bất động sản nơi đây dần trở nên hấp dẫn giới đầu tư.

1. Vị trí địa lý

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Nam, huyện Thanh Oai có tổng diện tích đất tự nhiên 129,6km2, dân số theo số liệu thống kê năm 2020 khoảng 207.640 người, mật độ dân số đạt 1.602 người/km2. Phạm vi ranh giới cụ thể của huyện như sau:

2. Địa hình - Khí hậu

Địa hình huyện Thanh Oai tương đối bằng phẳng, trải dài từ Bắc xuống Nam, phân chia làm hai vùng: Vùng đồng bằng sông Nhuệ và vùng bãi sông Đáy. Sông Đáy nằm ở phía Tây, sông Nhuệ ở phía Đông của huyện.

Huyện Thanh Oai thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, mùa Đông khô, lạnh. Địa phương có 4 mùa rõ rệt trong năm là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Bản đồ hành chính huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội
Bản đồ hành chính huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội

3. Hành chính huyện Thanh Oai

Từ ngày 01/08/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII ngày 29/05/2008. Theo đó, Thanh Oai trở thành một huyện thuộc TP. Hà Nội.

Hiện tại, huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn huyện lỵ Kim Bài và 20 xã: Xuân Dương, Thanh Văn, Thanh Thùy, Thanh Mai, Thanh Cao, Tân Ước, Tam Hưng, Phương Trung, Mỹ Hưng, Liên Châu, Kim Thư, Kim An, Hồng Dương, Đỗ Động, Dân Hòa, Cự Khê, Cao Viên, Cao Dương, Bình Minh, Bích Hòa.

4. Kinh tế

Về cơ bản, kinh tế huyện Thanh Oai chủ yếu là nông nghiệp và thủ công nghiệp truyền thống với nhiều làng nghề, ngành nghề mang lại giá trị kinh tế khá cao. Trong những năm gần đây, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Thanh Oai là vùng đất được biết đến với nhiều làng nghề, hiện có 118 làng nghề, trong đó có 27 làng nghề đã được công nhận, như tương Cự Đà, nón lá làng Chuông, giò chả Ước Lễ, quạt nan, mây tre, giang đan Canh Hoạch làng Vác,... Huyện Thanh Oai hiện là vùng nông sản trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, trồng lúa, cây ăn quả, rau an toàn tập trung tại các xã Kim An, Cao Viên, Thanh Mai, Kim Thư, Hồng Dương, Bình Minh, Xuân Dương, Tam Hưng, Thanh Thùy, Tân Ước...

Trên địa bàn huyện hiện có 7 điểm công nghiệp thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất đạt 21.295 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,9 %, cao hơn so với bình quân chung của TP. Hà Nội. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách đạt 990.178 tỷ đồng, bằng 183,9% dự toán chỉ tiêu pháp lệnh TP giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,18 triệu đồng/người/năm.

Năm 2022, huyện Thanh Oai phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,4 %; thu ngân sách nhà nước dự kiến 1.831,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 65 triệu đồng/người/năm.

5. Giao thông

Một trong những tuyến giao thông quan trọng chạy qua địa bàn huyện Thanh Oai là Quốc lộ 21B. Tuyến đường này từ quận Hà Đông đi chùa hương, sang Hà Nam và qua thị trấn Kim Bài, Thanh Oai.

Quốc lộ 6 chạy qua phía Tây Bắc của huyện Thanh Oai, đường trục phía Nam Thủ đô đi qua huyện được nâng cấp thành Quốc lộ 21C. Bên cạnh đó còn có các tỉnh lộ như tỉnh lộ 71 (tỉnh lộ 427). Tuyến đường sắt vành đai phía Tây TP. Hà Nội chạy qua phía Đông Bắc của huyện, tới ga Văn Điển.

Về giao thông công cộng, các tuyến buýt chạy qua địa bàn huyện Thanh Oai gồm: Xe 33, xe 78, xe 91, xe 94, xe 103A, xe 103B, xe 115, xe 125.

Hệ thống giao thông huyện Thanh Oai ngày càng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện.
Hệ thống giao thông huyện Thanh Oai ngày càng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện.

6. Văn hóa

Là một huyện thuộc TP. Hà Nội, Thanh Oai mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ với nhiều làng nghề truyền thống từ lâu đời, nhiều đình chùa cổ kính. Các làng nghề truyền thống thủ công xưa và làng nghề mới trên địa bàn huyện Thanh Oai gồm:

  • Giò chả, thực phẩm Hoàng Trung, Hồng Dương
  • Làng mộc truyền thống Áng Phao, Cao Dươn
  • Nghề khâu bóng thể thao ở Tam Hưng
  • Có nghề làm nón thôn Động Giã, Đỗ Động
  • Làng nghề vòng nón Đôn Thư, Kim Thư
  • Làng nghề cơ khí Dụ Tiền, Thanh Thùy
  • Làng nghề thêu ren ở Cao Mật, Thanh Cao
  • Chế biến lương thực Nga My Thượng, Thanh Mai
  • Giò chả bánh, tăm hương Hồng Dương
  • Làng nghề bún Thanh Lương, Bích Hòa
  • Làng nghề cơ khí Rùa Hạ, Thanh Thùy
  • Trồng lá dong Tràng Cát, Kim An
  • Làng miến, tương, tiểu hổ Cự Đà, Cự Khê
  • Làng nghề mây tre đan thôn Mùi, Bích Hòa
  • Làng nghề cơ khí Từ Am, Thanh Thùy
  • Mũ, nón lá một số ở xã Tân Ước
  • Làng nghề giò chả Ước Lễ, Tân Ước
  • Làng trứng gia cầm Châu Mai, Liên Châu
  • Làng nghề cơ khí Rùa Thượng, Thanh Thùy
  • Giết mổ gia súc Bình Đà, Bình Minh
  • Làm pháo Bình Đà
  • Nghề làm nón ở Cao Dương
  • Làng nghề cơ khí Gia Vĩnh, Thanh Thùy
  • Làng nghề chế biến gỗ Tiên Lữ, Dân Hòa
  • Làng nghề bún Kỳ Thủy, Bích Hòa
  • Làng nghề tạc tượng Vũ Lăng, Dân Hòa
  • Làng nghề điêu khắc gỗ Dư Dụ, Thanh Thùy
  • Làm quạt giấy, quang gánh, lồng chim, đèn kéo quân Canh Hoạch, Dân Hòa
  • Làm nón Chuông

Thanh Oai bảo tồn, lưu giữ được nhiều đình, đền, chùa được xây dựng từ xưa như đền Nội Bình Đà ở Bình Đà, xã Bình Minh; đền Hoàng Trung ở xã Hồng Dương; đình Mai ở xã Thanh Mai; đình Cự Đà ở xã Cự Khê; chùa Sổ ở xã Tân Ước; chùa Bối Khê ở xã Tam Hưng,...

Về tôn giáo, chủ yếu là đạo Phật và Công giáo. Hầu hết các làng đều có đình, chùa, đền cổ kính. Trong khi đó, nhà thờ Từ Châu xã Liên Châu và nhà thờ Thạch Bích tại xã Bích Hòa là trung tâm của Công giáo trong vùng. Cùng với đó là các nhà thờ lớn như Giáo xứ Đàn Giản,  Giáo xứ Cao Bộ,  Giáo xứ Cao Mật Bến...

7. Y tế

Hệ thống y tế trên địa bàn huyện Thanh Oai gồm:

  • Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai
  • Trung tâm y tế huyện Thanh Oai
  • Phòng khám đa khoa khu vực Dân Hòa
  • Phòng khám đa khoa công ty cổ phần Y Dược 198
  • Trạm y tế tại các xã, thị trấn thuộc huyện
  • Các phòng khám tư nhân, nhà thuốc/quầy thuốc tư nhân

8. Giáo dục

Năm học 2021 - 2022, toàn huyện Thanh Oai có 71 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập. Trong đó, có 26 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 21 trường THCS với 1. 319 lớp, 45.050 học sinh. Có 1 trường mầm non và 4 trường tiểu học và trung học cơ sở tư thục với 141 lớp, 3.352 học sinh.

Thanh Oai có 5 trường THPT gồm 3 trường THPT công lập và 2 trường THPT tư thục. Cùng với đó còn có 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với 151 lớp, 6.661 học sinh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có Trường Cao đẳng kỹ thuật Phòng không không quân.

Trong những năm gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh của huyện Thanh Oai được đầu tư nâng cấp, cải thiện rõ rệt so với trước đây, đáp ứng nhu cầu học tập, hướng nghiệp của con em trên địa phương.

Danh sách các trường học tại huyện Thanh Oai:

STT Tiểu học THCS THPT
1 Tiểu học Thanh Mai THCS Kim An THPT Thanh Oai A
2 Tiểu học Mỹ Hưng THCS Kim Thư THPT Thanh Oai B
3 Tiểu học Kim An THCS Bích Hòa THPT Thanh Xuân
4 Tiểu học Xuân Dương THCS Bình Minh THPT Nguyễn Du - Thanh Oai
5 Tiểu học thị trấn Kim Bài THCS Cao Dương Trường THPT Bắc Hà - Thanh Oai
6 Tiểu học Thanh Văn THCS Cao Viên  
7 Tiểu học Thanh Cao THCS Cự Khê  
8 Tiểu học Tân Ước THCS Tam Hưng  
9 Tiểu học Tam Hưng THCS Phương Trung  
10 Tiểu học Phương Trung I THCS Nguyễn Trực - TT Kim Bài  
11 Tiểu học Phương Trung II THCS Mỹ Hưng  
12 Tiểu học Liên Châu THCS Dân Hòa  
13 Tiểu học Thanh Thuỳ THCS Đỗ Động  
14 Tiểu học Kim Thư THCS Hồng Dương  
15 Tiểu học Hồng Dương THCS Liên Châu  
16 Tiểu học Đỗ Động THCS Xuân Dương  
17 Tiểu học Dân Hòa  THCS Thanh Văn  
18 Tiểu học Cự Khê THCS Thanh Thùy  
19 Tiểu học Cao Viên I THCS Tân Ước  
20 Tiểu học Cao Viên II THCS Thanh Cao  
21 Tiểu học Bích Hòa THCS Thanh Mai  
22 Tiểu học Cao Dương    
23 Tiểu học Bình Minh A    
24 Tiểu học Bình Minh B    

9. Quy hoạch đô thị huyện Thanh Oai

Theo quy hoạch chung huyện Thanh Oai đến năm 2030, là huyện ngoại thành phía Tây Nam của TP. Hà Nội, thuộc hành lang xanh của TP với tính chất cơ bản là nông nghiệp sinh thái kết hợp các làng nghề, cụm đổi mới gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bảo vệ giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái chất lượng cao và phát triển kinh tế tổng hợp.

Quy hoạch huyện Thanh Oai nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của TP, khu vực, các quy hoạch chuyên ngành và hỗ trợ phát triển đô thị trung tâm cũng như các đô thị vệ tinh.

Về định hướng phát triển không gian đô thị và nông thôn, huyện xác định động lực phát triển đô thị, mô hình, hướng phát triển các hệ thống trung tâm, khu vực dân cư nông thôn, tổ chức không gian kiến trúc đối với các vùng cảnh quan, quy mô và phạm vi các khu chức năng trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, hệ thống cơ sở kinh tế, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của TP. Hà Nội trên địa bàn huyện... mục đích là để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo hướng đô thị hóa ổn định, bền vững. Mặt khác, đảm bảo các yêu cầu phát triển hài hòa giữa văn hóa, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo tồn di sản, an ninh quốc phòng.

Thực tế cho thấy, huyện Thanh Oai đang phát triển theo hướng đô thị hóa với tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành một số khu đô thị, dự án nhà ở quy mô lớn như Khu đô thị Thanh Hà, Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5, đường Vành đai 4, cụm công nghiệp Cao Viên - Đình Bà...

Thị trấn Kim Bài là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện Thanh Oai. Theo quy hoạch, Kim Bài là đô thị loại 5 - là đầu mối hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ của huyện. 

Theo quy hoạch, thị trấn Kim Bài sẽ phát triển trục bố cục không gian chính của đô thị trên tuyến quốc lộ 21B, phát triển theo hướng cân đối và hài hòa. Trong khi đó, Khu đô thị Mỹ Hưng, Khu đô thị Thanh Hà cũng như các khu thuộc quy hoạch phân khu đô thị GS sẽ được thực hiện theo quy hoạch phân khu đô thị GS, S4 đã được phê duyệt bởi UBND TP. Hà Nội.

Các khu đô thị mới hiện đại cải thiện diện mạo đô thị Thanh Oai.
Các khu đô thị mới hiện đại cải thiện diện mạo đô thị Thanh Oai.

10. Bất động sản huyện Thanh Oai

Cách trung tâm TP. Hà Nội chỉ 15km, huyện Thanh Oai được thừa hưởng nhiều thuận lợi về hạ tầng, chính sách phát triển. Cùng với những làng nghề truyền thống, các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, tạo công căn việc làm cho người dân trên địa bàn và thu hút lao động từ các nơi khác đến. Theo đó, nhu cầu về nhà ở tăng cao - là một trong những yếu tố thuận lợi để thị trường bất động sản nơi đây chuyển biến tích cực.

TP. Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng nhiều dự án nhà ở, bất động sản, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Thanh Oai. Điển hình là trục đường phía Nam TP đi xuyên qua huyện, kết nối với các khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B, Mỹ Hưng. Sự phát triển của hạ tầng giao thông, đô thị, cụm dân cư tạo điều kiện cho thị trường đất nền Thanh Oai khởi sắc trong những năm gần đây.

Thực tế cho thấy, thị trường đất nền một số khu vực như Bình Minh, Cự Khê, Bích Hòa... đang được giao dịch khá sôi động. Hòa chung xu hướng đầu tư nhà đất vùng ven, ngoại thành TP. Hà Nội, bất động sản Thanh Oai trở nên nhộn nhịp hơn so với trước đây, đặc biệt là phân khúc đất thổ cư, đất nền dự án, căn hộ chung cư.

Khảo sát tin rao trên trang Batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường mua bán nhà đất Thanh Oai khá nhộn nhịp trong những ngày gần đây. Tùy từng phân khúc, vị trí và diện tích, giá rao bán bất động sản rất đa dạng, dao động từ hơn 13 triệu đồng/m2 lên tới hơn 90 triệu đồng/m2.

Cụ thể, đất đấu giá cụm công nghiệp Thanh Thùy - Thanh Oai giá 17,5 triệu đồng/m2, diện tích 550m2; đất đấu giá Sinh Quả, Bình Minh giá 67,3 triệu đồng/m2, diện tích 67,3m2; đất trục Thanh Hà Cienco 5 kéo dài, mặt đường liên xã, liên huyện giá 14,8 triệu đồng/m2, diện tích 200m2.

Giá rao bán nhà liền kề sát Khu đô thị Thanh Hà ô tô vào được giá 73,4 triệu đồng/m2, diện tích 32m2; đất đấu giá thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa giá 54,7 triệu đồng/m2, diện tích 64m2; nhà phố 5 tầng hai mặt tiền rộng rãi kinh doanh tốt giá 90,3 triệu đồng/m2, diện tích 31m2...

Trên đây là thông tin tổng quan về huyện Thanh Oai mà người mua nhà đất để ở hoặc đầu tư tại khu vực này có thể tham khảo, góp phần đưa ra quyết định phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của mình. Dù mua đất thổ cư, đất nền dự án, đất đấu giá hay nhà chung cư... người mua cần tìm hiểu kỹ pháp lý khu đất, dự án để đảm bảo suất đầu tư.

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu