Những năm gần đây, huyện Phú Xuyên dần "thay da đổi thịt" với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, diện mạo đô thị hiện đại hơn. Thị trường nhà đất Phú Xuyên vì thế cũng có những chuyển biến nhất định, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Vị trí địa lý
Phạm vi ranh giới của huyện Phú Xuyên như sau:
-
Phía Bắc huyện Phú Xuyên tiếp giáp 2 huyện Thanh Oai và Thường Tín, TP. Hà Nội;
-
Phía Nam huyện Phú Xuyên tiếp giáp thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam;
-
Phía Đông huyện Phú Xuyên tiếp giáp 2 huyện Kim Động và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với sông Hồng là ranh giới tự nhiên.
-
Phía Tây huyện Phú Xuyên tiếp giáp huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội.
Nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, Phú Xuyên cách khu vực trung tâm TP khoảng 30km, cách Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài hơn 60km, cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 110km.
Huyện Phú Xuyên có tổng diện tích đất tự nhiên là 170,8 km2; quy mô dân số theo số liệu thống kê năm 2020 vào khoảng 226.752 người, mật độ dân số 1.327 người/km2.
Địa hình - Khí hậu
Địa hình huyện Phú Xuyên khá bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Đây là huyện trũng nhất của TP. Hà Nội, với sông Nhuệ chảy từ bắc xuống Nam. So với các khu vực lân cận, Phú Xuyên có cốt đất thấp hơn và phía Đông cao hơn phía Tây nên dễ bị ngập úng vào mùa mưa. Các sông chảy qua địa bàn huyện gồm sông Hồng, sông Vân Đình, sông Lương, sông Duy Tiên và sông Nhuệ với tổng chiều dài hơn 30km.
Về khí hậu, Phú Xuyên thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều, có đủ 4 mùa trong năm. Mùa xuân ấm, mùa hè nóng bức, mùa thu mát mẻ và mùa đông khô lạnh. Nền nhiệt trung bình từ 23 - 24 độ C.
|
Bản đồ hành chính huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội |
Hành chính huyện Phú Xuyên
Hiện tại, huyện Phú Xuyên có tổng cộng 27 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 2 thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên - huyện lỵ và 25 xã: Vân Từ, Văn Hoàng, Tri Trung, Tri Thủy, Tân Dân, Sơn Hà, Quang Trung, Quang Lãng, Phượng Dực, Phúc Tiến, Phú Yên, Phú Túc, Nam Triều, Nam Tiến, Nam Phong, Minh Tân, Khai Thái, Hồng Thái, Hồng Minh, Hoàng Long, Đại Xuyên, Đại Thắng, Chuyên Mỹ, Châu Can, Bạch Hạ.
Huyện Phú Xuyên vào đời nhà Trần có tên gọi là Phù Lưu, sang thời Lê Sơ đổi tên thành Phù Vân, rồi Phù Nguyên. Đến đời Mạc, tên huyện được đổi thành Phú Xuyên. Đời vua Minh Mạng năm 1831, huyện Phú Xuyên thuộc phủ Thường Tính, tỉnh Hà Nội. Năm 1888, Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Tây, rồi Hà Sơn Bình. Sau khi tách Hà Sơn Bình thì huyện Phú Xuyên lại thuộc tỉnh Hà Tây với 27 xã.
Vào ngày 01/08/2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ, huyện Phú Xuyên được sáp nhập vào TP. Hà Nội với 25 xã và 2 thị trấn như hiện nay.
Kinh tế
Với tiềm năng đất đai trù phú, cộng với nguồn lao động dồi dào, nông nghiệp vẫn là thế mạnh chính của nền kinh tế huyện Phú Xuyên. Khu vực phía Đông là vùng đất đai màu mỡ, chiếm 17,4% diện tích đất canh tác, thuận lợi để phát triển cây công nghiệp, hoa màu, chăn nuôi. Trong khi đó, miền Tây là vựa lúa của Thủ đô Hà Nội, chiếm hơn 60% diện tích canh tác, thuận lợi phát triển các loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt.
Công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung, vùng rau an toàn, rau sạch được quan tâm, mang lại giá trị thu nhập cho hộ chăn nuôi
Phú Xuyên cũng là nơi tập trung nhiều làng nghề nổi tiếng như may mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, khảm trai Chuyên Mỹ, cơ kim khí Đại Thắng, đồ gỗ Văn Nhân, Tân Dân. Các ngành, nghề truyền thống được duy trì và phát triển, có thị phần trong nước và trên thế giới. Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế khá cao, được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Phi như mây giang đan, cỏ tế Phú Túc.
Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện góp phần giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, nâng cao thu nhập và ổn định tình hình chính trị - xã hội. Toàn huyện có 37 làng nghề được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp TP.
Các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện nằm trong chiến lược phát triển kinh tế. Định hướng phát triển kinh tế của huyện: Công nghiệp - Thủ công nghiệp - Xây dựng chiếm 40%; nông nghiệp chiếm 26%; thương mại - dịch vụ chiếm 34%. Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, tạo giá trị sản xuất cao. Đồng thời, tập trung xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội quy mô khoảng 500 ha. Cùng với đó, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhất là các nghề truyền thống của địa phương để giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Tuy chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế Phú Xuyên năm 2021 vẫn đạt được mức tăng trưởng khá với tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 3,6%. Lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng cao, công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng với 2 cụm công nghiệp Phú Túc, Đại Thắng chính thức được khởi công xây dựng.
|
Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội trên địa bàn huyện Phú Xuyên |
Văn hóa
Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, thuộc nền văn minh đồng bằng sông Hồng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng văn hóa cổ truyền của Kinh đô Thăng Long nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Văn hóa vùng đất Phú Xuyên được biết đến với những lễ hội cổ truyền nổi tiếng như hội rước nước ở Cát Bi, xã Thụy Phú; hội chạy lợn ở Trại Diền, xã Hồng Thái; hội đánh gậy ở Thượng Liễu, xã Tân Dân; hội vật cầu... Rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện được duy trì, bảo tồn và xếp hạng như di tích Quang Lãng, đình Mễ, đình Mai Xá, đình Sảo Thượng, đình Tri Chỉ,... Phú Xuyên là vùng đất tổ nghề khảm - làng Chuôn, xã Chuyên Mỹ với nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ giá trị, có thị phần trong nước và quốc tế.
Giáo dục
Toàn huyện Phú Xuyên có 01 trường cao đẳng nghề, 01 trường trung cấp nghề với khoảng trên 1.000 học viên hàng năm. Các ngành nghề đạo tạo khá đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn.
Hệ thống trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT được chú trọng đầu tư, cải thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lẫn chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh. Huyện có 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên Phú Xuyên và các trường THPT Tân Dân, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Đồng Quan, THPT Phú Xuyên A, THPT Phú Xuyên B...
Y tế
Hệ thống y tế trên địa bàn huyện Phú Xuyên gồm Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên, Trung tâm y tế huyện Phú Xuyên và hơn 25 trạm y tế thuộc các xã. Cùng với đó là các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà thuốc/quầy thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Giao thông
Phú Xuyên là một trong những huyện của TP. Hà Nội có hệ thống giao thông thuận lợi, đa dạng vồm đủ loại hình đường bộ, đường thủy, đường sắt. Các tuyến đường được huyện nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện kết nối nội huyện, liên vùng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội.
Đường bộ huyện Phú Xuyên
Một trong những tuyến đường bộ huyết mạch chạy qua huyện Phú Xuyên là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng chiều dài 7km. Điểm đầu tuyến nằm tại Cầu Giẽ kết nối huyện với tỉnh Ninh bình. Bên cạnh đó, tuyến tỉnh lộ 428 cũng được nâng cấp, cải tạo phục vụ lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao.
Quốc lộ 1A đoạn chạy qua Phú Xuyên có tổng chiều dài 12km, điểm đầu từ Km207+319,9 và điểm cuối tại Km208+58,5 kết nối huyện với các tỉnh lân cận và kết nối nội vùng.
Tuyến đường Đỗ Xá - Quan Sơn chạy qua địa giới hành chính thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên và các xã lân cận. Điểm đầu tuyến giao với tuyến đường trên đê hữu ngạn Sông Hồng, điểm cuối giao với đường quy hoạch mặt cắt ngang 40m. Tuyến đường chạy song song về phía Đông, cách Quốc lộ 1A khoảng 1 - 1,5km.
Các tuyến đường liên khu vực qua đô thị vệ tinh Phú Xuyên với bề rộng từ 34 - 40m. Trong khi đó, các tuyến đường chính khu vực có bề rộng mặt cắt ngang từ 25 - 40m. Ngoài ra còn có một số trục chiến lược khác qua Phú Xuyên gồm đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên quy mô 6 làn xe, rộng 40m; cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5 quy mô 6 làn xe, bề ngang 90m.
|
Giao thông huyện Phú Xuyên đa dạng với nhiều loại hình khác nhau, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Đường thủy huyện Phú Xuyên
Sông Hồng và sông Nhuệ chảy qua địa phận huyện Phú Xuyên, tạo điều kiện để phát triển giao thông đường thủy. Trong đó, sông Hồng có tiềm năng để phát triển hệ thống các cảng sông nội địa phục vụ vận tải đường sông. Hệ thống giao thông đường thủy phát triển hỗ trợ hình thức giao thương đa dạng hơn.
Trên địa bàn huyện có cảng Phú Xuyên nằm ở cuối trục Đỗ Xá - Quan Sơn. Đây là trung tâm tiếp vận đường thủy của đô thị vệ tinh Phú Xuyên với công suất đến năm 2030 ước đạt 2,5 triệu tấn, cỡ tàu tiếp nhận 800 tấn. Bên cạnh đó, đường đê sông Hồng cũng sẽ được mở rộng quy mô bề ngang lên 8 - 10m.
Đường sắt
Đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua huyện Phú Xuyên với tổng chiều dài 12km. Dự án đường sắt cao tốc trong phạm vi huyện Phú Xuyên có 1 nhà ga xe lửa đặt tại tiểu khu Mỹ Lâm. Tuyến đường sắt này có khổ đường 1435mm, đường đôi, 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa. Tuyến đường được sắp xếp song song hoặc tách rời từng khu vực tùy kiểu địa hình nó đi qua. Hiện Chính phủ đã phê duyệt đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt cấp quốc gia nói chung và đường sắt đô thị tại huyện Phú Xuyên nói riêng.
Giao thông tĩnh
- Bến xe Thường Tín, Minh Tân, Phú Xuyên
- Bến xe Giáp Bát, Tân Dân, Phú Xuyên
- Bến xe Giáp Bát, Phú Minh, Phú Xuyên
- Bến xe Trường Phú Xuyên A, đối diện ga Phú Xuyên
Quy hoạch đô thị
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050, Phú Xuyên cùng với Xuân Mai, Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn là 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Trong đó, mỗi đô thị có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, dịch vụ và công nghiệp.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên gồm 2 thị trấn Phú Xuyên, Phú Minh và các xã lân cận. Về chức năng, đây là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây cũ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên sẽ hình thành các khu nhà ở công nhân, các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa và nhiều tiện ích đô thị khác như y tế, đào tạo chất lượng cao. Cùng với đó, xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước lớn phục vụ thoát nước và phù hợp với địa hình thấp trũng của huyện.
Theo phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên với tỷ lệ 1/10.000, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện khoảng 17.104,6ha, gồm toàn bộ diện tích 2 thị trấn và 25 xã hiện tại. Đến năm 2020, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 1.500 ha, đến năm 2030 khoảng 2.250 ha.
Quy mô dân số huyệ Phú Xuyên đến năm 2020 khoảng từ 220.000 - 240.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 40.000 - 60.000 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 20 - 25%, đến năm 2030 là 25 - 30%.
Quy hoạch chung huyện Phú Xuyên nhằm mục tiêu mở rộng, xây dựng các liên kết vùng: Liên kết giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm và liên kết vùng lưu vực sông Nhuệ, liên kết đầu mối tiếp vận, dịch vụ cảng, kho, công trình đầu mối. Đồng thời, quy hoạch nhằm xây dựng hệ thống các trung tâm chuyên ngành cấp vùng mới về thương mại, công nghiệp, đào tạo, y tế...
Thị trường bất động sản huyện Phú Xuyên
Huyện Phú Xuyên được xem là cửa ngõ phát triển trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại phía Nam Thủ đô, trong tương lai sẽ trở thành đơn vị phát triển hỗn hợp, góp phần thúc đẩy đô thị hóa vùng ngoại thành, phát huy các các điều kiện địa lý thuận lợi trong việc kết nối với các khu vực kinh tế xung quanh.
Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng quyết định tiềm năng phát triển bất động sản của mỗi khu vực chính là đô thị hóa. Đối với huyện Phú Xuyên cũng vậy, sự hiện diện của các khu đô thị mới, khu - cụm cộng nghiệp, các dự án quy mô lớn góp phần thúc đẩy thị trường nhà đất Phú Xuyên trở nên sôi động hơn thời gian gần đây.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, huyện Phú Xuyên có hệ thống giao thông đa dạng với nhiều loại hình khác nhau tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nơi đây.
Bên cạnh đó, Phú Xuyên cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, hệ thống khu - cụm - điểm công nghiệp thu hút đầu tư. Huyện cũng có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, lễ hội.
Như vậy, với những điều kiện, yếu tố trên, thị trường bất động sản Phú Xuyên dang dần nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt là thị trường mua bán đất Phú Xuyên, đất phân lô và đất nền đấu giá.
Dữ liệu lớn của batdongsan.com.vn cho biết, giá bất động sản tại Phú Xuyên có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Đặc biệt, đất thổ cư Phú Xuyên tăng giá 47% , từ 4 - 6,5 triệu đồng/m2. Khảo sát tin rao bán đất Phú Xuyên trên chuyên trang này cho thấy, giá bán đất nền phân lô, đất mặt đường, đất thổ cư dao động từ 8 triệu đồng/m2 đến hơn 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích.
Cụ thể, đất cụm công nghiệp Phú Xuyên 8 triệu đồng/m2; đất làng nghề 11,7 triệu đồng/m2; đất phân lô thôn Nội, xã Văn Hoàng 13,9 triệu đồng/m2; lô đất mặt đường Tỉnh lộ 429 giá 27 triệu đồng/m2; đất phân lô tiểu khu Mỹ Lâm giá 32 triệu đồng/m2; đất đấu giá trung tâm thị trấn Phú Xuyên 41,5 triệu đồng/m2...
Trên đây là thông tin tổng quan huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội mà người mua nhà đất ở thực hoặc đầu tư có thể tham khảo, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là pháp lý dự án, lô đất - cần rõ ràng, đầy đủ và minh bạch để đảm bảo an toàn cho suất đầu tư.
Lam Giang (TH)