Sau thời gian im ắng khá lâu, những dự án tại các khu đất “vàng” trung tâm TP.HCM đã khởi động trở lại, trong thời điểm thị trường nhà ở, văn phòng cho thuê đang trầm lắng.
> Đất vàng bị bỏ hoang
Sau thời gian im ắng khá lâu, những dự án tại các khu đất “vàng” trung tâm TP.HCM đã khởi động trở lại, trong thời điểm thị trường nhà ở, văn phòng cho thuê đang trầm lắng.
Cuối năm 2011, dự án Sài Gòn Centre giai đoạn 2 đã được khởi công xây dựng. Nằm tại một trong những vị trí đắc địa nhất của khu trung tâm TP giáp với ba mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Pasteur, dự án có vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng do liên doanh Keppel Land Watco làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án khởi động cho xu hướng trở lại khu đất “vàng” của các công ty kinh doanh địa ốc.
“Đua” tầng cao
Nhiều khu đất “vàng” chưa triển khai
Năm 2007, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc đề xuất các tiêu chí quy hoạch 20 ô phố thuộc những vị trí đẹp nhất của khu trung tâm TP (khu đất “vàng”) để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên đến nay chỉ mới có một nửa trong 20 khu đất trên đã, đang hoặc chuẩn bị triển khai như khu Eden, khu Sở Giáo dục - đào tạo, khu tứ giác Bến Thành, khu Nhà máy đóng tàu Ba Son, khu chung cư Cô Giang, khu trung tâm thương mại quốc tế TP.HCM (cũ)… Những khu đất “vàng” còn lại đang chọn nhà đầu tư hoặc đang kêu gọi đầu tư.
Theo thông tin từ UBND Q.1, dự án cao ốc văn phòng thương mại dịch vụ và căn hộ cho thuê tại khu tứ giác Bến Thành (giới hạn bởi các tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) đang chuẩn bị thủ tục để khởi công vào quý 1-2012.
Tại khu đất có tổng diện tích hơn 8.640m2 này sẽ mọc lên hai tòa tháp cao 55 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 137.000m2. Dự án do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 8.400 tỉ đồng (kể cả chi phí đền bù), dự kiến hoàn thành sau ba năm thi công.
Một dự án khác tại khu đất 1bis-1kép Nguyễn Đình Chiểu, do Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Bến Thành làm chủ đầu tư, cũng dự kiến khởi công trong quý 1 năm nay. Dự án gồm năm tòa tháp cao 34 tầng, xây dựng trên tổng diện tích đất gần 17.600m2, chức năng là căn hộ, trung tâm thương mại và khách sạn.
Cách khu tứ giác Bến Thành không xa, dự án khu căn hộ và trung tâm thương mại (P.Cô Giang, Q.1), do Công ty CP phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư, đang triển khai đền bù. Theo thông tin từ UBND Q.1, hiện có khoảng phân nửa số hộ dân đã ký biên bản bàn giao mặt bằng, với diện tích đất thu hồi trên 14.500m2, và trong quý 1-2012 sẽ hoàn tất việc di dời.
Tại khu tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng, một dự án do Công ty CP đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty Larkhall Holdings Limited làm chủ đầu tư, với tổng diện tích đất bị thu hồi hơn 11.000m2, cũng dự kiến tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng trong năm nay.
Vốn đâu ra?
Giải thích lý do dự án bị “ngâm” quá lâu, ông Trần Thanh Xa - giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Bến Thành - cho biết dù được giao thực hiện từ năm 1996, nhưng quá trình giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi và kéo dài đến cuối năm 2011 mới xong. Trước mắt, quý 1 năm nay sẽ khởi công xây dựng một tòa tháp cao 34 tầng để phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng và sau đó xây dựng tiếp bốn tòa tháp còn lại. Dự kiến dự án hoàn tất vào cuối năm 2013 đầu năm 2014.
Tương tự, theo Bitexco, dự án khu tứ giác Bến Thành và dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh đã được UBND TP chấp thuận chủ trương từ năm 2006, dự án tại khu đất Bệnh viện Sài Gòn được UBND TP chấp thuận năm 2007. Tuy nhiên trong giai đoạn 2006-2011 có nhiều thay đổi về quy định liên quan đến việc thực hiện dự án, đặc biệt là quy định về bồi thường, thủ tục đầu tư xây dựng… khiến dự án kéo dài thời gian thực hiện.
Bitexco khẳng định mặc dù hiện nay thị trường địa ốc đang trong giai đoạn trầm lắng, nhiều khó khăn nhưng đơn vị này vẫn triển khai các dự án để góp phần chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm TP.
Đề cập những băn khoăn về số vốn đầu tư cho dự án, theo ông Xa, do vốn đầu tư cho dự án 1bis-1kép Nguyễn Đình Chiểu rất lớn, khoảng 3.500 tỉ đồng (trong đó chi phí đền bù từ 700-800 tỉ đồng) nên vốn công ty chỉ đáp ứng một phần, còn lại đã được các ngân hàng đồng ý cho vay và huy động từ các nhà đầu tư khác.
“Việc huy động vốn trong thời điểm hiện nay khá khó khăn, nhưng với vị trí đất đẹp như trên nếu để trống kéo dài, chậm đầu tư sẽ lãng phí. Mặt khác, tình hình thị trường căn hộ, văn phòng cho thuê vào thời điểm hoàn thành dự án sẽ khả quan hơn nên việc đầu tư cần tính ngay bây giờ để đón đầu thị trường” - ông Xa nhấn mạnh.
Đón đầu xu hướng phục hồi
Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia về đầu tư tài chính, cho rằng so với những khu đất khác, vị trí đất “vàng” ngay trung tâm TP là một trong những lợi thế đảm bảo mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư. Điều này giải thích vì sao không ít công ty vẫn “ngắm nghía” các khu đất “vàng”. Tuy nhiên, ông Hiển nói để xây dựng một dự án thường mất ít nhất 2-3 năm (chưa kể các bước chuẩn bị thủ tục, giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án), do vậy việc triển khai các dự án hiện nay nhằm đón đầu xu hướng phát triển mới trong vài năm tới.
|
(Theo Tuổi Trẻ)