SearchNews

TS. Vũ Đình Ánh: Giá BĐS khó có thể đi xuống nữa

01/11/2014 07:50

Trong cuộc trao đổi với phóng viên về giá cả BĐS, TS. Vũ Đình Ánh đã nhận định, giá nhà và giá BĐS khó có thể đi xuống nữa.

- Thưa ông, thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu nào để chúng ta dự đoán sẽ ấm lên không?

Theo tôi, giá nhà và giá BĐS hiện nay khó có thể đi xuống nữa. Còn trong thời gian tới có tăng hay không thì phải tiếp tục chờ đợi và theo dõi. Vì thực tế, sự phát triển của thị trường BĐS liên quan đến nhiều yếu tố như kinh tế, chính sách, ngân hàng ....

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cơ chế quản lý các nguồn lực dành cho thị trường này so với trước đây sẽ có nhiều sự đổi khác, đó là nguồn vốn trung và dài hạn được ưu tiên hơn, các nguồn vốn từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng được tập trung.

Thời gian gần đây, dù giá BĐS có ghi nhận tăng nhưng mức tăng này sẽ sát với giá thực của nó, tiến tới hạn chế bong bóng BĐS.

 giá nhà và giá BĐS hiện nay khó có thể đi xuống nữa.
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, giá nhà và giá BĐS hiện nay khó có thể đi xuống nữa. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet).

- Theo ông, liệu chu kỳ tăng giá BĐS có bắt đầu sớm hay không?

Nhu cầu của thị trường BĐS hiện nay chủ yếu là nhu cầu thực trên tất cả các phân khúc, nhu cầu đầu cơ đã giảm rất nhiều, nếu có chỉ là rất ít. Điều này đã tạo nên những tín hiệu tốt giúp thị trường trở lại lành mạnh.

Theo tôi, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là vấn đề nguồn cung cho BĐS. Các sản phẩm BĐS cần phải ngày càng đa dạng hóa và được chuẩn hóa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Do nguồn vốn cho thị trường BĐS là nguồn vốn trung, dài hạn nên nguồn vốn từ ngân hàng không phải là kênh tín dụng cơ bản cho BĐS mà phải là các kênh tài chính khác như: Vốn từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu DN…

Hiện người mua nhà có thu nhập thấp và các dự án nhà ở xã hội cũng đang nhận được những chương trình vay vốn ưu đãi từ phía ngân hàng. Về mặt nguồn lực, chúng ta sẵn sàng bố trí vốn cho các chương trình này, ưu đãi cả về lãi suất. Song, cũng cần lưu ý, bản chất của nhà ở xã hội hay nhà ở cho người thu nhập thấp là dành cho những người có khả năng thanh toán thấp đối với việc sở hữu nhà.

Có thể thấy, việc tiến hành cho vay với lãi suất thấp, dài hạn sẽ chứa đựng không ít rủi ro về tín dụng. Vậy nên, cần phải tính toán  tới những rủi ro đó, đồng thời vạch ra được các biện pháp phòng ngừa nhất định khi tiến hành thực hiện chương trình cho vay mua nhà ở với người thu nhập thấp.

- Nợ xấu BĐS vẫn đang là một vấn đề khó có thể giải quyết tốt. Vậy ông nghĩ sao trước những ý kiến cho rằng cần có một tiền lệ cho phép sửa đổi hàng loạt các quy định trong các luật liên quan để nợ xấu được bán đấu giá?

Không thể phủ nhận được rằng, hiện quy mô nợ xấu của ngành BĐS còn rất lớn. Số nợ xấu đó hầu hết là một tài sản đảm bảo của khoản vay mua BĐS. Vì lẽ đó, nếu muốn giải quyết dứt điểm nợ xấu thì trước hết chúng ta phải xử lý được thị trường BĐS.

Theo cá nhân tôi nghĩ, việc một loạt các quy định liên quan tới việc thanh lý hay xử lý các tài sản đảm bảo thế chấp cho khoản vay được sửa đổi cũng mới chỉ là một trong những điều kiện giúp chúng ta giải quyết nhanh hơn, cơ bản hơn về nợ xấu.

Và điều quyết định đến việc xử lý nợ xấu còn phụ thuộc vào vấn đề lớn hơn, đó là sức hồi phục của thị trường BĐS. Vì tính thanh khoảng của thị trường sẽ có tính chất quyết định rất lớn đến việc giải quyết nợ xấu, đồng thời, cũng phụ thuộc vào giá trị khi bán được để làm sao nó giảm bớt thiệt hại cho các ngân hàng.

- Theo sự nhìn nhận của ông, thị trường BĐS sẽ hồi phục hoàn toàn vào thời điểm nào?

Theo tôi, những biện pháp xử lý hiện nay của chúng ta chỉ mang tính chất tạm thời và là giải pháp tình thế cho tảng băng BĐS. Nếu để tháo gỡ được hết những bất lợi mà chúng ta gặp phải thì còn phải làm rất nhiều việc. Vì vậy, chúng ta cần phải có những cải cách mang tính cơ bản, cốt lõi trong thời gian tới.

Tôi nghĩ, sự đóng băng của thị trường trong những năm trước đó đã đưa lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm cũng như những bài học quý, từ đó sẽ giúp khắc phục thị trường BĐS không rơi vào trạng thái quá nóng hoặc quá lạnh trong thời gian tới. Và nguồn lực tài chính từ phía nhà đầu tư cũng như các cơ quan chức năng sẽ được đưa vào thị trường một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đó được rút ra và áp dụng như thế nào, cho kết quả ra sao thì còn phụ thuộc vào mỗi cá nhân và thực tế vận dụng.

Xin cảm ơn ông!

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu