Trong bối cảnh chạy đua nước rút để đưa tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% trước 30/6, không ít nhà băng lo toát mồ hôi, phải hạn chế tối đa việc cho vay bằng cách nâng lãi suất lên cao và siết chặt điều kiện.
Chị Ngọc ở Tôn Thất Tùng (Hà Nội) cho biết, chị cần vay 400 triệu đồng để sửa nhà, nhưng đến rất nhiều nhà băng gõ cửa đều bị từ chối. Tại ngân hàng Đông Á chi nhánh Bạch Mai (Hà Nội), các nhân viên gợi ý nếu có cửa hàng thì chị nên chuyển sang vay diện dành cho người kinh doanh. Còn hiện tại, ngân hàng đang dừng cho cá nhân vay để xây dựng, sửa chữa nhà.
"Họ hẹn khoảng một tháng nữa thì đến hỏi lại", chị Ngọc kể.
Chị Thanh Hương ở Bình Tân, TP HCM cũng mất cả tuần rồi cầm giấy tờ nhà đôn đáo đến mấy ngân hàng vay 1 tỷ đồng thanh toán tiền cho căn nhà mới mua nhưng không được.
"Tôi đến HDBank thì nhân viên nhà băng này cho biết đang hạn chế cho vay bất động sản kinh doanh. Họ chỉ xem xét cho những hồ sơ vay mua nhà lần đầu", chị Hương nói.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho hay, tổng dư nợ tín dụng phi sản xuất của nhà băng đến thời điểm này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn dưới 22%. Nhưng HDBank hiện nay gần như đóng cửa hoàn toàn với cho vay bất động sản kinh doanh, còn với khách có nhu cầu mua nhà để ở thì còn cơ hội. Đối tượng được xem xét vay phải là người mua nhà lần đầu tiên; có đủ điều kiện để trả nợ vay... "Số đối tượng này không nhiều bởi rất ít trường hợp thỏa mãn được điều kiện mà nhà băng yêu cầu", bà Thảo nói.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ vừa bộc bạch, hiện nay khó khăn về nguồn vốn khiến nhân viên phòng giao dịch, tín dụng đều phải trực tiếp đi huy động, nên việc cho vay, nhất lại là vay bất động sản của khách hàng gần như không thể. Ngay cả khi có đầy đủ hồ sơ chứng minh được mức thu nhập có thể đủ để chi trả và chấp nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 22%-24% một năm, khách cũng được hẹn ra về, chờ nhân viên tín dụng thông báo kết quả.
Ông này cho biết, ngoài lãi suất cao thì các loại phí trong đó có phí quản lý tài sản đảm bảo cũng tăng so với trước. Hiện tại, ở nhà băng này, mức phí là 2,5% cộng thêm thuế VAT là 2,75% trong khi trước đó chỉ khoảng trên dưới 1%. Hơn nữa, thời điểm này các ngân hàng đang siết cho vay bất động sản nên cần phải điều tra thật kỹ lưỡng tài sản đảm bảo của khách mới dám cho vay.
Chia sẻ vấn đề này, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu cho hay, nhà băng này cũng đã hạn chế cho vay bất động sản từ trước đây rất lâu chứ không phải đợi đến giờ mới siết. Dư nợ vay bất động sản của ACB hiện chưa đến ngưỡng yêu cầu, ngân hàng vẫn mở cửa cho vay nhưng cũng rất thận trọng, chỉ những dự án khả thi, mãi lực lớn mới tài trợ vốn cho vay.
Không siết mạnh tới mức dừng hẳn nhưng Vietcombank hiện nay cũng giới hạn thời gian vay và lãi suất thì tăng cao hơn trước. Chị Mai, nhân viên của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Ngô Quyền (Hà Nội) cho biết, nếu khách có tài sản thế chấp thì sẽ được hỗ trợ vay đến 70% nhưng lãi suất hiện nay là 20%, tính cả phí là gần 22% mỗi năm. Trong khi đó, khách hàng chỉ được vay từ một đến 5 năm, tài sản thế chấp nếu là căn hộ thì phải có diện tích từ 30m2 trở lên và người vay phải chứng minh được nguồn tài chính trả nợ trong thời hạn ký kết.
"Lãi suất gần 22% mỗi năm như trên mới được ngân hàng áp dụng từ ngày 10/5", chị Mai nói.
Nhân viên tín dụng ngân hàng Eximbank cũng tiết lộ, lãi suất mua đất, mua căn hộ của nhà băng này phổ biến 22,2 đến 23,8% một năm nhưng thủ tục xét duyệt hồ sơ rất kỹ càng. Nguyên nhân là cho vay bất động sản là một trong những hình thức có thủ tục xét duyệt hồ sơ khắt khe nhất do hàm chứa rủi ro.
Tuy nhiên, lãi suất trên chỉ mang tính tham khảo. Mức cụ thể sẽ căn cứ vào hồ sơ và giá trị tài sản đảm bảo của khách hàng. Thường mức lãi sẽ dao động khoảng 23,8% đối với đất nội thành, đất vùng ven cao hơn, khoảng 24,1%. Số tiền vay trên lý thuyết có thể chiếm 70% giá trị tài sản thế chấp và lãi suất sẽ điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, nhưng thực tế được bao nhiêu anh này cũng không dám nói trước.
Trong khi đó, với những nhà băng lỡ để tỷ lệ cho vay phi sản xuất ở mức quá cao, giờ là thời điểm "vắt chân lên cổ" chạy để đưa về tỷ lệ 22% sao cho đúng thời điểm 30/6. Việc giảm này theo đánh giá của một số ngân hàng là vô cùng khó khăn vì đa số đều cho vay trung và dài hạn.
Tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ tại TP HCM chia sẻ, dù nhà băng ông đã dừng hẳn cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có cho vay bất động sản, tiêu dùng từ tháng trước, nhưng khả năng vẫn khó giảm được tỷ lệ xuống 22% đúng thời hạn 30/6.
Bởi theo vị này, dư nợ phi sản xuất của ngân hàng hiện nay còn ở tỷ lệ quá cao, chiếm đến trên 35% trong đó rất nhiều khoản vay thuộc trung và dài hạn. "Để có thể đưa về đúng 22% trước ngày 30/6 quả là một việc quá sức đối với nhà băng", ông này nói.
Một số ngân hàng khác cho biết, tiến trình thu hồi nợ bất động sản của đơn vị họ tương đối khả quan. "Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết khả năng để làm đúng như quy định của Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa dư nợ cho vay phi sản xuất (trong đó có cho vay bất động sản) về 22%. Còn kết quả đến đâu thì chưa thể nói trước được", Phó tổng giám đốc một ngân hàng nói.
(Theo Ebank)