SearchNews

Về An Khánh xem dân “lật kèo” bán đất

12/05/2011 09:32

Đã gần một tháng nay, cái tin ông nguyễn Văn Trường, một nông dân thôn An Thọ (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) bán được chữ ký với giá 1,6 tỷ đồng khiến người dân cả xã An Khánh nức lòng.

Đã gần một tháng nay, cái tin ông nguyễn Văn Trường, một nông dân thôn An Thọ (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) bán được chữ ký với giá 1,6 tỷ đồng khiến người dân cả xã An Khánh nức lòng.

Đó là một chữ ký đắt giá nhất mà một nông dân tại đây bán được. Trong khi đó, chuyện những nông dân tại đây bán được chữ ký với giá 100-200 triệu đồng thì nhiều vô kể. Cứ tưởng đây chỉ là chuyện bịa, nhưng hoá ra đó lại là chuyện có thật 100%, đã được nhiều người dân sống tại xã An Khánh thừa nhận.

Lạ kỳ chuyện nông dân bán chữ ký giá bạc… tỷ!
 
Anh Nguyễn Văn Hào, một nhà môi giới BĐS tại thôn An Thọ (xã An Khánh), cũng là cháu họ ông Nguyễn Văn Trường thừa nhận: việc ông Trường bán được chữ ký giá cao chót vót là chuyện có thật chứ không phải chuyện bịa. Nhưng theo anh Hào, số tiền 1,6 tỷ đồng ông Trường có được vì bán chữ ký là không chính xác. Bởi công ký tá của ông Trường được trả bằng cả một xuất đất dịch vụ, nếu bán số tiền thực tế lên đến hơn 1,7 tỷ đồng.
 
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà môi giới BĐS tại Thôn An Thọ cũng xác nhận việc ông Trường được nhà đầu tư trả hẳn một suất dịch vụ để có chữ ký của ông là có thật.


 
Theo lời anh Hùng, mấy năm trước đây, người dân thôn An Thọ và xã An Khánh có trào lưu bán đất dịch vụ. Do bán đất dịch vụ theo kiểu “bán lúa non” nên số tiền các gia đình nhận được rất thấp. Gia đình ông Trường khi ấy có 3 suất dịch vụ, ông đã bán cả cho một nhà đầu tư ngoài Hà Nội để lấy tiền xây nhà.
 
Gần đây, gia đất dịch vụ tại thộn An Thọ lên cao, chủ đầu tư kia muốn bán đã phải tìm đến nhà ông Trường xin chữ ký xác nhận cho hợp đồng mua bán mới. Nhưng vì giá đất lên quá cao khiến ông Trường tiếc của, nhất định không ký xác nhận cho chủ đầu tư, mà nghĩ cách “lật kèo”, đòi chữ ký cả tỷ bạc, nếu nhà đầu tư muốn có chữ ký của ông để bán đất.
 
Theo anh Hùng, việc nông dân tại xã An Khánh tìm cách “lật kèo” bán đất dịch vụ không chỉ bây giờ mới xuất hiện. Bởi vài năm trước, nhiều hộ dân sau khi bán đất dịch vụ, thấy giá đất lên cao nên tiếc của, vì vậy, khi nhà đầu tư muốn đến xin chữ ký để bán hang kiếm lời, họ đều đòi giá 5-10 triệu đồng mới cho chữ ký. Sau này, giá chữ ký cứ liên tục tăng lên cùng với sự tăng giá của đất dịch vụ.
 
Đến thời điểm hiện tại, việc nhà đầu tư muốn bán đất cần xin chữ ký của chủ đất phải trả 100-200 triệu như là một chuyện hiển nhiên. Bởi, nếu không giao tiền, chủ đất nhất định không cho chữ ký, thậm chí, nhiều người còn doạ trả tiền để đòi lại đất.

Phần lớn người dân có đất tại đây đều đã “bán lúa non” khi đất còn rất rẻ.Giờ đây, nhiều chủ đất đang tính chuyện “lật kèo” đòi đất hoặc bán chữ ký với giá cắt cổ!

Nhà đầu tư đất dịch vụ đang phải trả giá đắt!
 
Không chỉ tại xã An Khánh mới có chuyện nông dân bán được chữ ký giá bạc triệu. Bởi tại nhiều địa phương lân cận khác như xã Song Phương, An Thượng (huyện Hoài Đức), hay Dương Nội (quận Hà Đông)…, nhiều nông dân cũng ra giá cả trăm triệu đồng cho một chữ ký bán đất.
 
Anh Nguyễn Văn Cường, một nhà môi giới BĐS tại thôn La Cả (phường Dương Nội) cho biết, hiện mỗi suất đất dịch vụ tại Dương Nội có giá hơn 2 tỷ đồng. Vì vậy, nhà đầu tư nào muốn bán đất dịch vụ cần chữ ký chủ đất cũng đều phải chi cả trăm triệu đồng cho chủ đất.
 
Cũng theo anh Cường, tại Dương Nội, có chủ đất, nhờ “buôn” chữ ký của chính mình, họ đã kiếm được bạc tỷ trên suất đất dịch vụ mà họ đã bán và tiêu hết tiền từ nhiều năm trước!
 
Anh Nguyễn Danh Tuấn, giám đốc văn phòng nhà đất Tuấn Thái tại xã An Thượng cũng cho biết: Dù nông dân mất đất tại xã An Thượng mới có thông báo có đất dịch vụ chưa lâu, nhưng chuyện mua bán, sang nhượng của nhà đầu tư diễn ra rất sôi động. Và, khi giá đất dịch vụ tại đây tăng cao, nhiều chủ đất cũng lật kèo bằng cách doạ đòi lại đất hoặc bán chữ ký với giá hàng trăm triệu!
 
Mặc dù phong trào bán đất dịch vụ tại nhiều địa phương rất sôi động, nhưng theo đại diện nhiều địa phương, chính quyền không hề ký xác nhận cho việc mua bán này. Do tính pháp lý của việc mua bán không chặt chẽ nên chủ đất tha hồ bắt chẹt, còn người mua, vì đuối lý, họ vẫn phải làm theo các yêu cầu của chủ đất.
 
Ông Nguyễn Huy Hoán, Phó chủ tịch xã An Khánh (Hoài Đức) cho biết: Từ năm 2008, theo chỉ đạo của huyện Hoài Đức, để tránh gây thiệt hại cho nông dân mất đất khi bán “lúa non”, địa phương đã không xác nhận cho trường hợp mua bán đất dịch vụ nào. Vì vậy, việc mua bán chỉ là giao dịch giữa các cá nhân.
 
Mới đây, xã An Khánh bắt đầu tiền hành thu tiền làm cơ sở hạ tầng với những gia đình có đất dịch vụ, thì những mâu thuẫn giữa chủ đất và nhà đầu tư bắt đầu xuất hiện ngày một căng thẳng.
 
Theo ông Hoán, một khi xảy ra tranh chấp giữa bên mua và bên bán, thì cả hai sẽ phải kéo nhau ra toà án dân sự xử lý, chứ xã không có thẩm quyền giải quyết.
 
Ông Lê Khánh Đồng, chủ tịch phường Dương Nội (quận Hà Đông) cũng cho biết: Việc giao dịch đất dịch vụ tại Dương Nội đúng là xuất hiện từ vài năm trước, nhưng người mua bán chỉ thoả thuận “tay bo” với nhau, chứ chính quyền địa phương thì chưa xác nhận cho một hợp đồng mua bán đất dịch vụ nào.
 
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS-TS Đặng Hùng Võ: Những hợp đồng mua bán đất dịch vụ chỉ có giá trị khi được sự đồng ý của UBND xã hoặc hợp đồng đó đã được công chứng.
 
Trong trường hợp hợp đồng mua bán đất được công chứng thì người bán đất phải chứng minh được đầy đủ quyền sở hữu đất hợp pháp và được UBND xã xác nhận.
 
Trong khi đó, những hợp đồng mua bán đất dịch vụ chỉ là những giao dịch cá nhân. Người bán người mua muốn hợp đồng có giá trị hơn bằng biệc mượn ông này, ông kia đứng ra làm chứng và hợp đồng không hề được công chứng (do không được chính quyền xã xác nhận) thì hợp đồng đó là không có giá trị.
 
Với những trường hợp này, nếu xảy ra tranh chấp, toà án dân sự chắc chắn sẽ huỷ ngay hợp đồng mua bán và đất sẽ lại trả về những người chủ cũ - đó là những nông dân. Ông Võ khẳng định.
 
Và, cho tới hiện tại, dù chưa có vụ kiện tụng nào liên quan đến mua bán đất dịch vụ. Song với nhiều nhà đầu tư, rõ ràng họ cũng nhận thấy mình không đủ cơ sở pháp lý kể thắng kiện một khi kéo nhau ra toà.
 
Vì thế, nhiều nhà đầu tư đất dịch vụ hiện đang phải trả giá đắt khi phải đối diện nguy cơ lật kèo của chủ đất và phải chấp nhận những yêu cầu vô lý của những chủ đất nông dân. Đó là việc phải mua lại chữ ký với giá cắt cổ, nếu muốn bán đất hoặc muốn tiếp tục được quyền sở hữu mảnh đất dịch vụ mà họ đã mua sau này!

(Theo Phụ nữ ngày nay)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu