SearchNews

Xây cao ốc chợ Trung Kính: Tiểu thương bị đẩy ra đường?

11/11/2011 08:12

Hàng trăm tiểu thương chợ Trung Kính (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) đang có nguy cơ đẩy ra đường khi chính quyền lấy chợ để xây chung cư 27 tầng.

Hàng trăm tiểu thương chợ Trung Kính (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) đang có nguy cơ đẩy ra đường khi chính quyền lấy chợ để xây chung cư 27 tầng.

Những ngày qua, có nhiều đơn kiến nghị của các tiểu thương chợ Trung Kính về việc di dời giải tỏa khu chợ để xây chung cư cao tầng gửi đến cho báo chí. Để tìm hiểu rõ hơn về đơn khiến nghị, PV đã xác minh sự việc như sau.

Chợ Trung Kính là chợ dân sinh có hạ tầng tốt, tổng diện tích đạt khoảng 2.800m2 thuộc tổ 9, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là khu chợ gần như duy nhất cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày cho khoảng 4 vạn dân thuộc phường sở tại.

Nhưng hơn 1 năm nay, cuộc sống của tiểu thương khu chợ đã bị đảo lộn từ khi có quyết định lấy đất chợ để xây chung cư 27 tầng.

Bỏ tiền triệu nhận tiền trăm

Chợ Trung Kính được xây dựng năm 2003, trực thuộc sự quản lý Hợp tác xã Nông nghiệp và kinh doanh Trung Hòa. Theo quy định, các xã viên của hợp tác xã được mua quyền thuê kiot tại chợ để kinh doanh với số tiền phải nộp 5-7 triệu đồng/kiot và tiền thuê hàng tháng 2-3 triệu đồng/kiot.

Căn cứ đơn khiếu nại các tiểu thương, sau khi nhận bàn giao nhiều cán bộ quản lý và xã viên của Hợp tác xã do không có nhu cầu kinh doanh nên đã bán các suất mua kiot cho các tiểu thương khác với giá 100-150 triệu đồng/kiot. Sự chuyển nhượng này cũng đã được hợp tác xã chấp thuận. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi xây dựng phương án đền bù thì các hộ dân này không được đưa vào diện được hỗ trợ.

Theo thông báo của hợp tác xã từ tháng 7/2011, các tiểu thương không phải xã viên Hợp tác xã thì không được về chợ tạm để kinh doanh. Còn các kiot của xã viên do tuổi cao không có sức khỏe để kinh doanh mà đang cho thuê cũng không sắp xếp về chợ tạm mà chỉ nhận mức hỗ trợ 3 tháng mỗi tháng 830.000 đồng/tháng.

Theo chị Nguyễn Minh T - quầy hàng khô, tại thời điểm chị mua kiot tại chợ Trung Kính những người làm trong Ban quản lý chợ đều nói chợ này xếp vào diện tồn tại lâu dài bởi được đầu tư rất khang trang. Chính vì vậy, gia đình chị xoay sở vay mượn tiền để mua kiot kinh doanh kiếm sống. Thế nhưng, từ năm 2009 chính quyền thông báo sẽ lấy đất khu chợ để xây chung cư khiến gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, trước chủ trương của Thành phố thì các hộ kinh doanh chấp hành nhưng "ngặt" một nỗi là trong phương án hỗ trợ danh sách các hộ kinh doanh không phải là xã viên đều bị gạt ra ngoài và không có bất cứ khoản bồi thường nào.

"Chúng tôi đã phải bỏ gần 200 triệu để mua kiot của các xã viên, trong hợp đồng mua bán có xác nhận hợp tác xã cho chuyển nhượng, được quyền đứng tên chính chủ kiot và hàng năm chúng tôi nộp thuế đầy đủ. Vậy mà khi lên phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ khi di dời chợ các hộ kinh doanh như chúng tôi lại bị đẩy ra đường" chị T nói

Anh Nguyễn Hoàng Long, kiot 38 cho biết trong phương án đền bù hỗ trợ các tiểu thương di dời khởi chợ Trung Kính những hộ đang kinh doanh không phải các xã viên tại đây hầu như không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Trong khi chúng tôi bỏ mấy trăm triệu mua kiot mà giờ chẳng đền bù gì cả. Số tiền tích cóp bỏ ra gần mua kiot gần như mất trắng, quầy không có, chợ tạm cũng không được vào.

Bác V - bán hàng nước chợ Trung Kính bức xúc chia sẻ, chúng tôi đã chấp nhận chịu thiệt thòi khi bỏ tiền mua kiot này. Giờ Thành phố quyết định lấy chợ thì phải có phương án hỗ trợ sao cho đảm bảo quyền lợi người dân. Tại các cuộc họp dân, chúng tôi đã đề nghị việc lên phương án phải dựa trên tất cả các quyết định của UBND TP về việc di dời, đền bù, hỗ trợ. Phương án phải thực sự công bằng và thỏa đáng.

Nói có sách mách có chứng bác V cho biết, vài năm trước khi di dời chợ Trần Duy Hưng để xây dựng chung cư. Chợ này cũng nằm trong phường Trung Kính nhưng các hộ tiểu thương nhận mức đền bù gấp 10 lần mức đền bù mà Quận đưa ra là 800 nghìn/tháng.

Cấp quản lý: Chịu!

Trước thắc mắc, bức xúc của tiểu thương, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Đình Chung - trưởng ban quản lý chợ Trung Kính. Theo ông Chung thì trách nhiệm của Ban quản lý chợ là duy trì và quản lý hoạt động của chợ Trung Kính. Những vấn đề liên quan đến quyền lợi của các tiểu thương thì PV phải liên hệ với ông Nguyễn Thanh - Chủ nhiệm hợp tác xã mới có thể biết được chính xác.

Sau khi liên hệ với ông Nguyễn Thanh – Chủ nhiệm Hợp tác xã, PV lại nhận được câu trả lời tương tự PV muốn biết phải liên hệ với Quận Cầu Giấy bởi tất cả các chủ trương đều do Quận đưa xuống, Hợp tác xã chỉ biết thi hành các quyết định.

Ngoài ra, ông Thanh cho biết thêm các mức đền bù là do ban quản lý giải phóng mặt bằng của quận đưa ra và đã được Quận phê duyệt chứ Hợp tác xã không được tham gia.

"Tại các buổi họp giao ban, tôi cũng đã kiến nghị với lãnh đạo Quận về phương án hỗ trợ cho các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ nhưng lãnh đạo Quận không đồng ý với lý do không có căn cứ, cơ sở để xem xét. Vì vậy, Hợp tác xã cũng đành chịu.


Diễn biến việc giải tỏa chợ Trung Kính

-Đầu năm 2004, chợ Trung Kính chính thức bàn giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp và kinh doanh Trung Hòa.

Ngày 20/2/2009 Công ty CP Đầu tư Khu đô thị và Công nghiệp Sông Đà 7 có công văn số 45 về việc xin thuê đất lập dự án đầu tư toà nhà 27 tầng ở khu đất.

Ngày 16/4/2009, UBND phường Trung Hoà đã có văn bản đồng ý chấp thuận. cho Sông Đà 7 vào lập dự án.

Ngày 14/12/2009 của UBND thành phố Hà Nội cũng đã có công văn chấp thuận cho nghiên cứu lập dự án.

Đầu năm 2011, Chính quyền Quận, Phường thông báo phương án hỗ trợ đền bù di dời các tiểu thương. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu thương đều không ủng hộ


(Theo Vnmedia)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu