SearchNews

Siết nhập cư: Đà Nẵng khẳng định không sai phạm

21/02/2012 14:07

Sở Tư pháp Đà Nẵng vừa cho biết quy định tạm dừng đăng ký mới vào khu vực nội đô của UBND TP Đà Nẵng không trái với Luật cư trú.
>  Đà Nẵng "thí điểm" đóng cửa với dân thất nghiệp

Đà Nẵng "thí điểm" đóng cửa với dân thất nghiệp

Chiều 20/2, Sở Tư pháp Đà Nẵng đã hoàn tất báo cáo với Bộ Tư pháp, nêu rõ quan điểm về quá trình thẩm định dự thảo và tự kiểm tra 4 vấn đề "nóng" trong Nghị quyết 23 (ngày 23/12/2011) của HĐND TP Đà Nẵng, theo yêu cầu của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tại công văn 12/KTrVB (7/2/2012).

Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là quy định tại điểm 9, khoản III, Điều 1 Nghị quyết 23: "Trong khi chờ xin ý kiến của Trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự".

Đà Nẵng

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đã có cuộc trả lời riêng về quan điểm của Sở trong báo cáo với Bộ Tư pháp. Ông Nguyễn Bá Sơn nêu rõ: "Qua quá trình thẩm định, Sở Tư pháp Đà Nẵng nhận thấy nội dung của Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng về việc "tạm dừng đăng ký mới vào khu vực nội đô TP để xin chỉ đạo của cấp trên" là không trái với Luật Cư trú và các quy định pháp luật khác có liên quan".

- Thưa ông, cơ sở nào để Sở Tư pháp Đà Nẵng khẳng định điều đó?

Trước hết là từ thực tế. Phải thừa nhận trong thành tích chung của Đà Nẵng 15 năm qua có đóng góp quan trọng của một bộ phận dân nhập cư. Nhưng bên cạnh đó cũng có một bộ phận không nhỏ người nhập cư không nghề nghiệp, không nhà cửa, không có chỗ ở ổn định hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị vào loại cao nhất cả nước hiện nay.

Từ đó khiến sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự các loại diễn biến phức tạp, trật tự, an toàn xã hội bị đe doạ. Một số mục tiêu mà Đà Nẵng đạt được 15 năm qua trong các chương trình "5 không", "3 có" nhằm xây dựng một TP có thiên nhiên trong lành, đời sống văn hoá cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức, một trong những TP hài hoà, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống... có nguy cơ bị phá vỡ hoặc không thể thực hiện được.

- Nhưng để giải quyết vấn đề đó phải bằng những biện pháp đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật?

Vâng! Cơ sở pháp lý để khẳng định Nghị quyết 23 của HĐND TP. Đà Nẵng không sai chính là Luật Cư trú. Một trong những nguyên tắc quan trọng của luật này được quy định tại khoản 2 Điều 4. Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện luật phải bảo đảm hài hoà quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện các mục tiêu mà nguyên tắc trên đặt ra, có một công cụ quan trọng mà pháp luật giao cho các cấp chính quyền trong việc quản lý, điều tiết dân cư của mỗi địa phương. Đó là quản lý cư trú, mà cốt lõi của vấn đề nằm ở công tác quản lý đăng ký nhân khẩu.

đà nẵng

Tại khoản 3 Điều 6, Luật Cư trú đã giao trách nhiệm cho UBND các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ. Điều 12 Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003) quy định: HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ có thẩm quyền "phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương". Đồng thời Điều 18 của luật này cũng quy định: HĐND TP trực thuộc TƯ có thẩm quyền "quyết định biện pháp quản lý dân cư ở TP và tổ chức đời sống dân cư đô thị".

Tại Điều 3 Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng quy định rõ: "HĐND và UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên". Từ trước đến nay, Chính phủ, Bộ Công an chưa có văn bản nào chứa đựng nội dung các tỉnh, TP được "đóng cửa" với dân nhập cư. Như vậy, liệu Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng có vượt quá thẩm quyền theo quy định tại điều này?

Sau khi Nghị quyết 23 ra đời, đã có một số ý kiến cho rằng Đà Nẵng "cấm cửa" người nhập cư. Hiểu và nhận định như vậy là không chính xác. Xuất phát từ thực tiễn khi nhận thấy có những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai Luật Cư trú nên HĐND TP Đà Nẵng ra Nghị quyết tạm dừng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Và từ ngày 16/1/2012, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này (tuy nhiên đến nay chưa được hồi âm).

Việc cấp dưới trong quá trình thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của mình mà phát hiện, nhìn thấy trước hoặc nảy sinh vướng mắc có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý khác hay những hậu quả thực tế ngoài dự kiến thì việc tạm dừng, xin chỉ đạo của cấp trên để tháo gỡ, để thực hiện cho tốt là một công việc thường xuyên của bất cứ cơ quan hay tổ chức nào.

Đó cũng là thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của cấp trên, chắc chắn cơ quan chức năng cấp dưới phải thi hành. Đó cũng là một nguyên tắc trong hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Nếu cấp dưới nhìn thấy vấn đề mà không báo cáo cấp trên để kịp thời xử lý, cứ nhắm mắt làm theo quy định sẵn có để dẫn tới những hậu quả thì đó mới là làm không đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

Cần khẳng định rằng Đà Nẵng không "cấm cửa" dân nhập cư. Chủ trương tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới nói trên là để chờ chỉ đạo của TƯ, và cũng chỉ áp dụng trong phạm vi các quận trung tâm TP, nơi có mật độ dân cư cao; còn đối với các quận, huyện ngoại thành có mật độ dân cư không cao thì không áp dụng.

Hơn nữa, Luật Cư trú quy định cư trú bao gồm cả tạm trú và thường trú. Trong khi tạm dừng đăng ký thường trú mới như vừa nêu thì TP Đà Nẵng vẫn giải quyết tạm trú cho người nhập cư để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, thu nhập ổn định, có cơ hội có nhà ở và từ đó có thể được giải quyết đăng ký thường trú như mọi công dân khác của TP.

Từ những cơ sở thực tiễn và pháp lý nêu trên, trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp, chúng tôi khẳng định Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng về việc tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới là không trái với quy định của Luật Cư trú và các quy định hiện hành của pháp luật.

- Xin cám ơn ông!

Bài đọc nhiều:

> Hà Nội: Các phố chính sẽ được thiết kế kiến trúc lại

> TP Hạ Long hoàn thành chỉnh trang đô thị

> Thành phố biển Quy Nhơn đẹp lung linh trong nắng

> Xe Piaggio lần đầu tiên bốc cháy khi đang lưu thông

> Đã bắt được hung thủ vụ tiệm vàng Vững Bắc

> 8 tình tiết mới quan trọng trong vụ án tiệm vàng Vững Bắc

> Người Hà Nội mỏi mắt tìm chỗ gửi xe

> Tòa án Hải Phòng truy cứu trách nhiệm vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng

> Chờ đón lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012

(Theo Infonet)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu