Theo Bộ TN&MT, việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở... có lỗi lớn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hà Nội.
Kết quả là đến hiện tại, chỉ có 9,3% số căn hộ của các các dự án phát triển nhà tại Hà Nội được cấp Giấy chứng nhận.
Theo Bộ TN&MT, việc quản lý, kiểm tra giám sát các cơ quan chức năng của 2 TP, nhất là Hà Nội đối với quá trình thực hiện dự án phát triển nhà ở chưa được coi trọng thực hiện, do đó chưa nắm chắc được tình hình thực hiện dự án sau khi được giao đất, cho thuê đất hoặc để cho nhiều trường hợp chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đã triển khai xây dựng, hoặc vi phạm quy hoạch xây dựng mà không được kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, theo Bộ TN&MT, việc xác định và thu thuế nghĩa vụ tài chính tiền sử dụng đất) tại nhiều dự án còn chưa đầy đủ, kịp thời hoặc chưa đúng quy định (Hà Nội có 4 dự án và TP Hồ Chí Minh có 3 dự án), như chưa thu hoặc chưa thu đủ tiền sử dụng đất hoặc chưa thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất khuôn viên xung quanh nhà chung cư. Ngoài ra, tại Hà Nội có dự án phát triển nhà vẫn áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm với thời hạn 20 năm hoặc diện tích khuôn viên xung quanh nhà chung cư không áp dụng hình thức thu tiền sử dụng đất mà tách ra cho chủ đầu tư thuê đất trả tiền hàng năm, hoặc chậm xử lý thu tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng vượt thiết kế.
Cũng có nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ hoặc chưa chấp thuận cấp GCN trong một số trường hợp không hợp lý như: dự án đã hoàn thành xây dựng và chuyển nhượng nhà ở nhưng còn một số hộ khiếu nại, chưa nhận tiền đền bù khi thu hồi đất hoặc dự án đã xây dựng và chuyển nhượng xong một số khu nhà nhưng còn một số diện tích đất ở các khu khác liền kề chưa giải phóng xong mặt bằng; một số dự án nhà chung cư có vi phạm xây dựng ở một số tầng nhưng các tầng còn lại vẫn chưa cấp GCN vì chờ xử lý vi phạm của Chủ đầu tư.
Chậm cấp
Bộ TN&MT nhận định, việc tổ chức xử lý tồn tại, vi phạm pháp luật tại các dự án phát triển nhà ở của các cơ quan chức năng, nhất là ở Hà Nội còn chậm, thiếu chủ động, quyết liệt nên nhiều trường hợp tồn đọng kéo dài, không cấp được GCN, ảnh hưởng đến lợi ích của người mua nhà.
Ngoài ra, việc luân chuyển hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và cơ quan thuế vẫn chưa được thực hiện liên thông giữa cơ quan đăng ký với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật đất đai; thực tế người sử dụng đất vẫn phải tự mang hồ sơ đến cơ quan thuế để tính thu nghĩa vụ tài chính.
Bộ TN&MT cũng cho biết, nhiều văn phòng đăng ký cấp quận thực hiện một số thủ tục công việc không đúng thẩm quyền như: kiểm tra điều kiện chuyển nhượng của Chủ đầu tư hoặc đo đạc lại diện tích từng căn hộ chung cư (là công việc thuộc trách nhiệm của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP đã thực hiện trước đó.
Ngoài ra, tại nhiều quận, huyện ở thành phố Hà Nội vẫn tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp GCN tại bộ phận "một cửa" mà chưa chuyển về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP và chỉ đạo của Thù tướng Chính phủ tại Công văn số 6698/VPCP-TCCV ngày 21/9/2010; hơn nữa, tại nhiều quận, huyện ở thành phố Hà Nội còn yêu cầu cả Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố hoặc UBND phường, xã khi chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận đều phải chuyển qua bộ phận "một cửa", làm kéo dài thêm thời gian thực hiện thủ tục và cản trở việc trao đối nghiệp vụ giữa các cơ quan đối với các hồ sơ luân chuyển để xử lý.
Bộ TN&MT cũng cho rằng, tại Hà Nội, UBND TP đã ban hành Công văn số 8732/UBND-TNMT chỉ đạo các cấp GCN cho chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư khi được giao đất và chỉ cấp GCN cho người mua căn hộ sau khi hoàn thành xây dựng là không đúng với quy định tại các Điều 106, 122 của Luật Đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầu tư. Mặt khác, Công văn này còn chỉ đạo chỉ thu tiền sử dụng đất đổi với diện tích xây dựng nhà chung cư, phân diện tích còn lại xung quanh nhà chung cư để làm sân, lối đi, trồng cây xanh và bố trí hạ tầng kỹ thuật cho nhà chung cư đó đều không thu tiền sử dụng đất và không cấp GCN cho các chủ căn hộ mà cho chủ đầu tư thuê đất trong thời hạn 50 năm là không phù hợp với quy định tại Điều 85 của Luật Đất đai và khoản Điều 46 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận tại các Văn phòng đăng ký của các quận, huyện còn thiếu so với yêu cầu công việc dẫn đến thời hạn giải quyết thủ tục thường kéo dài quá thời hạn quy định, gây tình trạng ùn tắc hồ sơ chậm giải quyết.
(Theo Vnmedia)