Cơm giá rẻ: hãi hùng!
Cốm làng Vòng mập mờ câu chuyện phẩm màu
Thực phẩm bẩn tấn công thành phố
Rau muống chắc chắn là một trong những thứ rau phổ biến nhất trong bữa ăn của mọi gia đình. Hiện chưa thể có thống kê về lượng rau muống tiêu thụ hàng ngày ở các đô thị, song con số ấy mỗi ngày chắc chắn lại tăng thêm nhanh đến chóng mặt. Việc đa phần rau muống cung cấp cho thành thị được trồng ở các nguồn cung bẩn với công nghệ trồng rau siêu tốc đã nhiều lần được nhắc tới nhưng đến nay vẫn chưa có các hoạt động kiểm soát tốt từ phía các cơ quan chức năng.
Vị trí trồng rau muống lí tưởng là… khu nước xả thải công nghiệp
Hà Nội và TP HCM là hai thành phố tiêu thụ lượng rau muống cao nhất cả nước cũng là những địa chỉ tập kết nhiều nhất rau muống bẩn. Các khu vực trồng để cung cấp cho hai thị trường này là các vùng, khu vực, tỉnh lân cận. Khảo sát ở bất cứ vùng trồng rau muống nào cung cấp cho hai thị trường này cũng đều thấy cảnh tượng “rờn rợn”.
Chẳng hạn, một trong những khu trồng rau muống cung cấp tới thị trường Hà Nội là vùng Hưng Yên. Tại KCN Phố Nối, dọc tuyến đường vào khu công nghiệp, trong những mương nước xả thải của các nhà máy là rau muống nhiều vô kể. Càng ở những đoạn mức độ ô nhiễm lớn thì rau càng nhiều. Đặc biệt là ở khu vực ngay tại miệng cống xả thải của các nhà máy với đầy đủ các chất thải đen, vàng, trắng đục như các miệng cống xả thải của Nhà máy Bia Hưng Yên, Nhà máy Thức ăn gia súc Thái Dương … thì rau lại càng non và xanh mơn mởn.
Tại TP.HCM, mỗi ngày hàng chục tấn rau muống được tiêu thụ. Tại một số khu vực ngoại thành như ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Q.12… cung cấp rau muống cho thành phố đều phổ biến một hình ảnh quen thuộc: rau muống mọc trên những vùng nước đen ngòm. Thực tế, nhiều năm nay tại Thạnh Xuân (Q.12), Trường Thọ, Linh Trung (Q.Thủ Đức), xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Nhị Bình, Đông Thạnh (Hóc Môn), người trồng rau muống đều sử dụng diện tích mặt nước thải từ các khu công nghiệp để trồng rau. Chẳng hạn, ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM, hàng trăm hecta trồng rau muống nước hàng ngày vẫn được nhiều nông dân đang chăm sóc, tưới tắm bằng nguồn nước ô nhiễm từ các kênh rạch chảy vào.
Công nghệ trồng rau muống quen thuộc: chất kích thích + dầu nhớt + nước rửa bát +…
Để tăng năng suất cho rau muống, người trồng rau sử dụng nhiều loại thuốc kích thích, diệt bọ phun vào rau với cường độ liên tục.
Ở nhiều nơi, người trồng rau mua nhớt thải pha chung với nước rửa chén để tưới vào gốc rau muống mới thu hoạch. Rau muống là một loại cây hút kim loại nặng nên nhớt thải chính là chất bổ dưỡng cho rau muống, chúng sẽ tích tụ trong thân cây rau và dạng chất này khi vào cơ thể người sẽ tích tụ lại rất độc hại. Trong dầu nhớt có chứa nhiều hydrocacbon, chất này sẽ giúp nước trong rau khó bay hơi. Vì vậy khi phun dầu nhớt với nồng độ nhẹ lên rau, nhớt sẽ phủ lớp mỏng trên bề mặt thân và lá rau, làm rau muống có màu xanh mướt, tươi lâu và không bị sâu ăn lá.
Để rau xanh và non mơn mởn trước khi thu hoạch từ 1 - 3 ngày, người trồng rau sẽ dùng thuốc mo (thuốc mo là loại thuốc trừ sâu có cấp độc 3) của Trung Quốc để tưới cho rau (loại thuốc đã bị Việt Nam cấm nhập khẩu nhưng bằng đường tiểu ngạch vẫn xuất hiện trên các ruộng rau muống). Để loại bỏ lá vàng cho rau, trước khi thu hoạch 1-2 ngày người dân sẽ bơm thuốc diệt cỏ, khi thu hoạch lá vàng sẽ tự động rụng hết mà không mất công nhặt.
Những công đoạn sản xuất rau theo “công nghệ” thủy canh này hiện nay vẫn là một thách thức đối với các cơ quan bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm … Hiện nay chưa có một văn bản nhà nước nào quy định cụ thể mức phạt, xử lý và theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất rau của người nông dân, buộc người trồng rau phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm trên các ruộng rau muống. Cán bộ quản lý chi cục bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm với lực lượng mỏng cũng đành “bó tay”. Chỉ có người tiêu dùng là chịu nguy hại khi hàng ngày rau muống bẩn vẫn vô tư lên phố !
TH (tổng hợp)