Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà Hà Nội cần tháo gỡ để có thể giải xong “bài toán” giao đất dịch vụ.
Kết quả còn khiêm tốn
Công tác giao đất dịch vụ được UBND thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ để sớm có quỹ đất giao cho các hộ dân theo quy định của nhà nước, đảm bảo ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Ngay sau khi hợp nhất , UBND thành phố luôn cố gắng vận dụng các chính sách của nhà nước nhằm tháo gỡ vướng mắc, đưa ra nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân.
Trong đó, không ít giải pháp linh hoạt đã được áp dụng, như: Trường hợp khu đất dịch vụ phù hợp với quy hoạch đất ở, thì được xem xét chuyển từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sang đất xây dựng nhà ở. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về công tác quy hoạch, GPMB và lập dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) các khu đất dịch vụ, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết; phê duyệt dự án xây dựng HTKT (không phân biệt về quy mô sử dụng đất).
UBND thành phố cũng chỉ đạo, ưu tiên dành quỹ đất phải bàn giao cho thành phố từ các dự án để sử dụng làm đất dịch vụ giao cho các hộ dân, trong đó cho phép sử dụng quỹ đất đấu giá, quỹ đất thương phẩm. Đơn cử, hơn 29 ha đất đấu giá tại huyện Mê Linh được ưu tiên xem xét bố trí quỹ đất dịch vụ để giao cho các hộ dân. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng có những giải pháp linh hoạt để tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng HTKT cho các khu đất dịch vụ, như: cho phép vay vốn từ quỹ phát triển đất; bố trí nguồn vốn từ các chủ đầu tư khu nhà ở, khu công nghiệp; nguồn đấu giá quyền sử dụng đất để lại; ứng vốn của các hộ dân có đất dịch vụ; xã hội hóa.
Mặc dù xác định là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều giải pháp được áp dụng, nhưng kết quả đạt được trong những năm qua xem ra còn rất khiêm tốn: Tổng diện tích cần dành cho quỹ đất dịch vụ là 842,66 ha (bao gồm cả diện tích xây dựng HTKT), nhưng đến nay mới chỉ có 86,33 ha diện tích đất dịch vụ đã được giao cho các hộ gia đình, cá nhân; diện tích đất dịch vụ đã hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng 314,05 ha; diện tích đất dịch vụ đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 51,55 ha; diện tích đất dịch vụ còn thiếu là 390,73 ha. Tính đến hết quý II/2014, đã giao cho 18.052 hộ, đạt khoảng 22,98 % số hộ có nhu cầu đất dịch vụ (trong đó từ đầu năm 2014 đến nay giao được cho 2.507 hộ).
Đi tìm nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến tiến độ giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội chậm, trước hết là do hệ thống chính sách về giao đất dịch vụ chưa thống nhất do áp dụng nhiều quy định chính sách của các địa phương trước khi hợp nhất (Quyết định số 1098/QĐ-UBND ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây; Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 04/4/2006 của tỉnh Vĩnh Phúc...). Trong khi đó, theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 và Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ quy định giao đất dịch vụ được thực hiện trong khoảng thời gian 2,5 năm. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn, như: việc chuẩn bị quỹ đất, bố trí nguồn vốn, xét duyệt và tổ chức giao đất dịch vụ; rất nhiều hộ gia đình được hưởng chính sách đất dịch vụ không sử dụng, chuyển nhượng cho người khác. Tình trạng tự chuyển nhượng quyền được hưởng đất dịch vụ diễn ra ở nhiều địa phương; một số nơi việc mua bán chuyển nhượng còn được UBND cấp xã chứng thực, như: huyện Thạch Thất, huyện Chương Mỹ...
Thực tế những năm qua cho thấy, sự vào cuộc của các cấp chính quyền tại địa phương còn hạn chế, chưa quyết liệt, chưa chủ động trong tổ chức thực hiện. Dẫn chứng điển hình, hiện nay, 314,05 ha quỹ đất dịch vụ trên toàn thành phố đã hoàn thành xây dựng HTKT nhưng nhiều địa phương chưa tổ chức giao cho các hộ dân, như: huyện Thạch Thất, huyện Hoài Đức, huyện Thanh Oai, huyện Chương Mỹ... Một số địa phương khi lập quy hoạch thực hiện dự án chưa ưu tiên bố trí các khu đất dịch vụ để giao cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Thêm vào đó, nhiều vị trí khu đất dịch vụ phải thực hiện rà soát và điều chỉnh để phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Nuôi, trên địa bàn huyện có 16 dự án giao đất dịch vụ bị quy hoạch phân khu (trục Hồ Tây Ba Vì và các tuyến đường liên khu vực, khu công cộng…) chồng lấn, nên 35,4 ha đất dịch vụ đã xong GPMB và đầu tư xây dựng HTKT nhưng không giao được cho các hộ gia đình, cá nhân.
Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã đều khó khăn về nguồn kinh phí GPMB và xây dựng HTKT khu đất dịch vụ. Cụ thể, với diện tích 443 ha đang tập trung GPMB và đầu tư xây dựng HTKT, dự kiến cần bố trí khoảng 13.290 tỷ đồng từ ngân sách (bình quân tiền GPMB 1triệu đồng/m2, tiền đầu tư xây dựng HTKT 2triệu đồng/m2).
Có thể trả tiền mặt thay cho giao đất dịch vụ
Theo UBND thành phố Hà Nội, một trong những giải pháp đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ là tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện nhiệm vụ GPMB, xây dựng HTKT khu đất dịch vụ. Trong đó, đối với 53,76ha quỹ đất dịch vụ đang thực hiện GPMB và 314,22ha quỹ đất dịch vụ còn thiếu, UBND thành phố Hà Nội cho phép UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, đề xuất theo hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng HTKT các khu đất dịch vụ (lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực, tự nguyện ứng trước nguồn kinh phí xây dựng HTKT các khu đất dịch vụ); hoàn trả chủ đầu tư sau khi hoàn thành công tác giao đất dịch vụ và thu tiền giao đất dịch vụ của các hộ gia đình, cá nhân. Đối với trường hợp này, UBND thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất bằng lãi suất tiền vay ngân hàng thương mại (áp dụng lãi suất của kỳ hạn 6 tháng, tính theo trung bình cộng lãi suất của 3 ngân hàng thương mại).
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện ứng kinh phí, tạo nguồn vốn GPMB, xây dựng HTKT để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ của các hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, đối với các địa phương còn thiếu quỹ đất dịch vụ, xem xét đề xuất trả người dân bằng tiền thay bằng giao đất dịch vụ.
Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục giao các sở, ngành liên quan tăng cường các đoàn công tác làm việc với các quận, huyện, thị xã nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đất dịch vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
Theo HNM