Theo hồ sơ lưu trữ tại UBND phường Nhân Chính, bà L nộp hồ sơ xin tách "sổ đỏ" từ ngày 18-4-2011 và chưa đầy một tháng sau, ngày 16-5-2011, hồ sơ của bà L đã được trình UBND quận Thanh Xuân.
Cái tin cán bộ địa chính phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Kiều Oanh, SN 1977, trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa bị bắt khẩn cấp vì lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền của người dân khi có nhu cầu làm "sổ đỏ" đã khiến tôi trở lại UBND phường này.
Trao đổi với PV chiều 29-9, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết, Nguyễn Thị Kiều Oanh là cán bộ địa chính từ trước khi bà về nhận công tác. Trong quá trình làm việc, cuối năm 2010, Oanh có những biểu hiện chểnh mảng công việc, từng bị bà Hà lập biên bản nhắc nhở. Quá trình tiếp xúc cử tri ở khu dân cư, bà Hà cũng nhận được phản ánh của người dân về việc Oanh hẹn người dân đến làm việc nhưng lại khất lần, nên đã chấn chỉnh Oanh về thái độ tiếp dân. Tuy nhiên, không ai tố cáo Oanh "ăn tiền" đến phường và bà Hà cũng không thể ngờ đến việc Oanh đã lợi dụng chức trách của mình để vụ lợi.
Tháng 7-2011, Oanh xin nghỉ phép, nhưng hết phép không đến UBND phường đi làm, sau khi phường ra thông báo nhắc nhở thì ngày 17-8, Oanh đến xin nghỉ không lương nhưng không được UBND quận Thanh Xuân đồng ý. Tuy nhiên, Oanh vẫn nghỉ việc nên UBND phường lập hội đồng kỷ luật; ngày 18-9, Oanh nộp đơn xin thôi việc và được chấp thuận.
Lợi dụng hồ sơ cần bổ sung để ăn tiền
Thông tin ban đầu từ CQĐT cho thấy, với vai trò của cán bộ địa chính UBND phường Nhân Chính, Oanh đã nhận tiền của nhiều người dân. Cụ thể, bà Trần Thị L. (ở phố Quan Nhân, phường Nhân Chính) đến UBND phường Nhân Chính làm thủ tục tách mảnh đất hơn 100m2 làm ba "sổ đỏ" vào tháng 2-2009. Bà L. đã gặp Oanh và Oanh gợi ý việc làm hồ sơ khó khăn, muốn làm nhanh thì phải có chi phí. Bà L. đã hai lần đưa cho Oanh hơn 100 triệu đồng nhưng chờ mãi chẳng thấy "sổ đỏ" đâu.
Theo hồ sơ lưu trữ tại UBND phường Nhân Chính, bà L nộp hồ sơ xin tách "sổ đỏ" từ ngày 18-4-2011 và chưa đầy một tháng sau, ngày 16-5-2011, hồ sơ của bà L đã được trình UBND quận Thanh Xuân. Tuy nhiên sau đó, ngày 20-6, UBND quận Thanh Xuân trả về với lý do "đề nghị phường làm rõ diện tích mảnh đất vợ chồng bà L được chia và khẳng định có phải là đất giãn dân hay không?". Lợi dụng việc phải bổ sung hồ sơ của bà L., Oanh đã vòi tiền.
Một trường hợp khác, ông Nguyễn Văn S. (trú tại phố Quan Nhân) sau khi nộp hồ sơ làm "sổ đỏ" vào UBND phường Nhân Chính cũng được Oanh "tư vấn" và ông S. cũng đã đưa cho Oanh 20 triệu đồng. Hồ sơ của ông S. thuộc dạng hồ sơ "tồn", được UBND phường Nhân Chính trình UBND quận Thanh Xuân từ ngày 3-3-2009, cũng bị trả về để xác định rõ phần ngõ đi chung... Ngoài gia đình bà L. và ông S., CQĐT vẫn đang xác minh thêm Oanh nhận tiền của nhiều người để chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân, lo sợ mọi người đến tìm, nên đã xin nghỉ.
Bà Hà cho biết, tổng số hồ sơ xin cấp "sổ đỏ" ở phường Nhân Chính hiện còn tồn là 505 trường hợp nằm trong Kết luận thanh tra 578/TTHN ngày 5-9-1996, kết luận Thanh tra việc quản lý sử dụng đất tại xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây hầu hết là những trường hợp phức tạp, chưa được quận và thành phố xem xét giải quyết dứt điểm do vướng mắc vào các dự án, qui hoạch… Nhìn vào con số này, không ít người lo ngại số hồ sơ còn "nhùng nhằng" này sẽ "tiềm ẩn" cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu khi người dân muốn nhanh "được việc".
Ngoài ra, UBND phường Nhân Chính còn có 17 hồ sơ được nhận qua Bộ phận một cửa, đã có thông báo chưa đủ điều kiện theo qui định để dân bổ sung. Theo bà Hà, yêu cầu bổ sung hồ sơ được UBND phường thông báo qua Tổ trưởng dân phố để chuyển đến người dân và người dân sẽ nộp bổ sung tại Bộ phận "một cửa", cán bộ địa chính không trực tiếp giao dịch với dân. Tuy nhiên, qua xác minh của CQĐT thì Oanh đã trực tiếp yêu cầu dân bổ sung hồ sơ, đồng thời bổ sung "phụ phí", cho thấy qui định về việc nhận, trả hồ sơ qua "một cửa" của UBND phường Nhân Chính đã bị "lách"!
Sự "trượt ngã" của cán bộ địa chính phường Nhân Chính đang được xem là "bài học" chung cho những người công tác trong lĩnh vực rất có nhiều "cám dỗ" này, đồng thời cũng là bài học cho các xã, phường trong việc quản lý cán bộ.
(Theo PLXH)