SearchNews

Doanh nghiệp thép đứng trước nguy cơ đóng cửa

29/10/2011 08:39

Tiêu thụ thép trong nước trong những tháng qua liên tục trượt giảm, cộng việc phải gánh chịu lãi suất cao suốt thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí phải ngừng sản xuất để duy trì một lượng tồn kho hợp lý.

 > 20% doanh nghiệp thép có nguy cơ phá sản
> Thị trường thép đang … rối loạn

Tiêu thụ thép trong nước trong những tháng qua liên tục trượt giảm, cộng việc phải gánh chịu lãi suất cao suốt thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí phải ngừng sản xuất để duy trì một lượng tồn kho hợp lý.



Ngừng sản xuất để tránh hàng tồn quá nhiều


Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) 9 tháng, ngành thép đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn thép, tăng tới 75% so với năm trước. Xuất khẩu các sản phẩm khác cũng tương đối tốt. Tuy nhiên, trong lúc sản xuất có tiềm lực khá tốt thì tiêu thụ các sản phẩm thép năm 2011 của Việt Nam lại sụt giảm, ước tính giảm gần 10% so với năm 2010.

Cũng theo ông Cường, việc tiêu thụ thép trong thời gian qua liên tục bị sụt giảm là do những khó khăn chung về kinh tế đang trực tiếp ảnh hưởng lớn đến ngành. Đặc biệt, việc cắt giảm các công trình đầu tư công, cắt giảm tài chính cho những dự án đầu tư bất động sản, khiến đầu ra của ngành thép bị hạn chế nhiều.

Để chứng minh cho điều này, ông Cường chia sẻ trong 2 tháng qua, tiêu thụ thép trong nước liên tục trượt dài, từ mức 480.000 tấn trong tháng 8 đến tháng 10 cũng chỉ đạt gần 300.000 tấn. Điều đáng nói nữa là, lượng tồn kho sản phẩm thép đã tăng mạnh, lên đến gần 500.000 tấn, con số này gấp đôi so với lượng tồn kho thông thường. Đây chính là những yếu tố quan trọng dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất để rút ngắn lượng hàng tồn kho.

“Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp thép đều dùng biện pháp chiết khấu, giảm giá từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn. Hiện giá phôi trên 14 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp đang chịu lỗ. Đầu ra giảm, giá bán không tăng, khiến một số doanh nghiệp biểu hiện không có khả năng trả nợ ngân hàng do không bán được hàng, phải ngừng sản xuất”, ông Cường nói.

Cùng chung khó khăn, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng chia sẻ, hiện nay tiêu thụ trên thị trường đang giảm khá mạnh. Bằng chứng là doanh nghiệp đang chỉ chạy chỉ chạy có 80% công suất, mặc dù là Tập đoàn lớn thứ hai của Việt Nam.

Lãi suất cao “đè bẹp” doanh nghiệp thép

Đánh giá về khó khăn, ông Nghiêm xuân Đa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, cho biết: Tính chung sản lượng các sản phẩm thép của Tổng công ty trong 10 tháng giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ giảm khoảng 3,7%. Điều này dẫn đến kết quả kinh doanh trong 10 tháng vừa qua có đến 50% đơn vị trong tổng công ty chỉ đạt 60% kế hoạch, nhiều đơn vị phải điều chỉnh lại kế hoạch đặt ra trong năm 2011. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay Tổng công ty đã có khoảng 3 đơn vị có biểu hiện bị.

"Trong khi đó, năm 2011 Tổng công ty Thép Việt Nam phải thực hiện cổ phần hóa, trong quá trình thực hiện cổ phần hoá thì phải đồng thời thực hiện các kế hoạch vừa đầu tư, kinh doanh… Đặc biệt, một trong những khó khăn mà Tổng công ty gặp phải là khi thực hiện cổ phần hoá thì việc định giá trị doanh nghiệp của tổng công ty tăng lên gấp 2 lần, làm tăng gánh nặng về chi phí khấu hao, giảm khả năng cạnh tranh, cũng như tiêu thụ, ông Đa chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Đa, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay phải kể đến nữa đó là tín dụng và ngoại tệ. Dù ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất huy động, cho vay nhưng thực tế doanh nghiệp không thấy giảm, khả năng tiếp cận vốn vẫn rất hạn chế. Khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thép nói chung rất là hạn chế và ngân hàng thì luôn xem xét chọn khách hàng. "Hiện nay, lãi suất cho vay vẫn lên tới trên 20% một năm, không có chuyện xuống 17 - 19% như công bố", ông Đa khẳng định.

Với những khó khăn trên, ông Đa đã đưa ra kiến nghị, trong bối cạnh thị trường chưa ổn định, Bộ Công Thương nên tăng cường giám sát thị trường và công tác truyền thông thông tin. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu tránh nợ đọng cho doanh nghiệp...

Còn theo ông Vũ Văn Chuyện, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cũng cho rằng, trong 9 tháng đầu năm, giá đầu vào tăng, nhưng tiêu thụ thép trong nước đã giảm mạnh do thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công, nên thép không nâng giá lên được. Chênh lệch tỷ giá cũng làm doanh nghiệp thép khó khăn hơn.

Trong khi đó, giá thép trong nước lại không được điều chỉnh kịp thời theo tín hiệu đầu vào, vì thép là một trong những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, ông Chuyện nói.

Chia sẻ những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho rằng, sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới cũng như các biện pháp kiềm chế lạm phát thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến bức tranh tiêu thụ của ngành thép.

Thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng, các doanh nghiệp cần phải xác định khó khăn của ngành còn dài chứ chưa thể giải quyết được ngày một ngày hai. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, các doanh nghiệp cần phân tích tình hình, rà soát, xác định và điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để tiêu thụ thép tăng lên, cũng như cải tiến công nghệ để giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt, bám sát tình hình để dự báo nhu cầu những năm tới nhằm giảm tồn kho xuống mức thấp nhất.

(Theo VnMedia)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu